Phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ

07:12, 20/12/2013

Nguồn nước sau khi lũ rút thường bị ô nhiễm do nước sông, rạch lẫn với rác thải, bùn đất, xác động thực vật... có vô vàn các loại vi sinh vật gây bệnh gồm vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng; nhất là vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy.


Khi trẻ có triệu chứng nôn và tiêu chảy cần đưa đến các cơ sở y tế để điều trị bệnh kịp thời.

Nguồn nước sau khi lũ rút thường bị ô nhiễm do nước sông, rạch lẫn với rác thải, bùn đất, xác động thực vật... có vô vàn các loại vi sinh vật gây bệnh gồm vi khuẩn, vi rút và ký sinh trùng; nhất là vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy.
 
Vì thế, đối với những hộ gia đình chưa có điều kiện sử dụng nước máy, buộc phải dùng nước sông trong ăn uống và sinh hoạt thì nguy cơ mắc các bệnh đường ruột là rất cao, nhất gia đình có trẻ nhỏ.

Bệnh tiêu chảy tăng sau khi lũ rút

Chị Võ Thị Mỹ Tiên (xã Thạnh Quới- Long Hồ) cho biết, mỗi lần mưa lũ về là nước sông bị ô nhiễm nghiêm trọng. Thế nhưng chị không còn cách nào khác là phải dùng nguồn nước này để sinh hoạt cho cả gia đình.
 
Con chị phải thường xuyên tiếp xúc với nền nhà ẩm ướt và thức ăn được nấu với nguồn nước không đảm bảo vệ sinh thì nguy cơ bệnh tật là điều không thể tránh khỏi. “Nguồn nước ở đây rất dơ, tắm còn bị ngứa thì huống chi là sử dụng để nấu nướng. 2 đứa nhỏ bệnh phải nằm bệnh viện hoài”- chị Tiên thở dài.

Những lo lắng của cha mẹ hoàn toàn có cơ sở, khi mà số trẻ bệnh tiêu chảy tăng trong thời điểm gần đây. Nếu so với các bệnh về tiêu hóa như tả, lỵ, thương hàn thì tiêu chảy cấp có những diễn biến phức tạp hơn.

Đây là bệnh do rotavirus gây ra, thường gây tiêu chảy nặng ở trẻ nhỏ, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Các tác nhân gây tiêu chảy thông qua thức ăn hoặc nước uống ô nhiễm, hoặc tiếp xúc trực tiếp với phân đã nhiễm khuẩn gây bệnh. Trẻ càng nhỏ tuổi, nguy cơ nhiễm rotavirus càng cao và mắc bệnh càng nặng.

Đối với trẻ em, hệ tiêu hóa còn non yếu nên chăm sóc là một vấn đề vô cùng vất vả. Chị Nguyễn Thanh Bình (xã Thạnh Quới- Long Hồ) chăm sóc 2 con, bé 4 tuổi và bé 1 tuổi đều nhập viện trong tình trạng nôn ói, sốt và tiêu chảy.

Chị tâm sự: “Nhà tui chưa có nước máy phải xài nước sông. Có lẽ nước bị ô nhiễm nên 2 đứa nhỏ bị bệnh”. Bé Nhân Ái (11 tháng, TP Vĩnh Long) có các triệu chứng sốt, tiêu chảy kéo dài trong 9 ngày, mẹ bé đưa bé đi khám tại phòng khám tư nhưng không khỏi. Chỉ đến khi bé bị sốt co giật chị mới đưa cháu vào bệnh viện trong tình trạng sức khỏe cháu suy kiệt, bị mất nước do tiêu chảy nhiều lần.

Ngoài những tác nhân gây bệnh từ môi trường sinh hoạt, ăn uống tại gia đình thì việc sử dụng thức ăn đường phố là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh tiêu chảy cấp.

Phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ

Theo Bác sĩ Chuyên khoa 2 Phan Văn Năm- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long: Nguyên nhân là do trẻ nhỏ sức đề kháng yếu, nhất là vào thời điểm giao mùa, thời tiết lạnh, vệ sinh cá nhân và ăn uống kém.

Đặc trưng của bệnh tiêu chảy cấp do rotavirus là trẻ bị tiêu chảy và nôn mửa nhiều lần, trẻ dễ bị mất nước, dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời.
 
Đây cũng là biến chứng nguy hiểm của bệnh và cũng là nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ phải nhập viện cao hơn và tình trạng nặng hơn so với các trường hợp tiêu chảy do nguyên nhân khác. Do đó khi trẻ bắt đầu có biểu hiện nôn hoặc tiêu chảy, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để bác sĩ khám và có hướng dẫn điều trị kịp thời.


Việc người dân sử dụng nguồn nước sông rạch ô nhiễm cũng là nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ.

Vấn đề phòng bệnh là hết sức quan trọng. Do đó, người dân cần phải hết sức cẩn trọng trong ăn uống sinh hoạt hàng ngày, nhất là đảm bảo có nguồn nước sạch để sử dụng. Cụ thể, đối với những vùng chưa có nước máy, cần làm trong và khử trùng nước trước khi sử dụng.

Có nhiều cách để xử lý nước nhưng các chuyên gia y tế khuyên người dân nên sử dụng Cloramin B để khử trùng cho nước sông thay cho phèn nhằm hạn chế một số bệnh tật có thể lây lan qua nguồn nước.

Khi có những biểu hiện bệnh tiêu chảy, các bậc phụ huynh không nên chủ quan, cần đưa ngay trẻ đến bệnh viện để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Đối với trẻ bị bệnh nhẹ, sau khi đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế, có thể để trẻ ở nhà và chăm sóc theo hướng dẫn của bác sĩ. Việc điều trị bệnh chủ yếu là đề phòng biến chứng mất nước do tiêu chảy. Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không có gas), nước dừa tươi và oresol theo hướng dẫn. Ở trẻ còn bú, tiếp tục cho trẻ bú như bình thường. Cần chú ý theo dõi các biểu hiện trẻ bị mất nước để đưa trẻ đến cơ sở y tế can thiệp kịp thời như: khát nước, môi khô, lưỡi khô, da khô, tiểu ít, kích thích, quấy khóc,…

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh