Bệnh viêm nhiễm phụ khoa (VNPK) luôn là nỗi lo lắng thường trực của hầu hết chị em ở mọi lứa tuổi. Khi mắc bệnh, chị em luôn có cảm giác khó chịu, mất tự tin và thậm chí nếu bị viêm nhiễm nặng có thể dẫn đến vô sinh hoặc ung thư cổ tử cung.
Phụ nữ cần khám phụ khoa mỗi năm 1 lần, khi có dấu hiệu bất thường thì phải khám ngay để điều trị bệnh kịp thời.
Bệnh viêm nhiễm phụ khoa (VNPK) luôn là nỗi lo lắng thường trực của hầu hết chị em ở mọi lứa tuổi. Khi mắc bệnh, chị em luôn có cảm giác khó chịu, mất tự tin và thậm chí nếu bị viêm nhiễm nặng có thể dẫn đến vô sinh hoặc ung thư cổ tử cung.
VNPK là bệnh rất phổ biến ở hầu hết phụ nữ (PN). Qua các đợt kiểm tra sức khỏe, hầu hết các chị em đều bị viêm nhiễm với mức độ nặng nhẹ khác nhau, chỉ có một số ít không mắc phải căn bệnh này.
Trong năm 2013, thông qua Chiến dịch truyền thông vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ sức khỏe sinh sản- kế hoạch hóa gia đình đã khám phụ khoa và tư vấn kiến thức phòng chống viêm nhiễm đường sinh sản cho 5.988 trường hợp. Trong đó, có 2.706 trường hợp mắc bệnh được phát hiện và được điều trị miễn phí, 12 ca viêm nhiễm nặng được chuyển tuyến điều trị kỹ thuật cao.
Chị T.H. (xã Hòa Lộc- Tam Bình) cho biết: “Bác sĩ khám nói tui bị viêm cổ tử cung. Hèn chi tui thấy đau và buốt. Giờ tui phải điều trị uống thuốc theo toa và giữ vệ sinh thật kỹ để bệnh nhanh hết”.
Còn em M.Ng. (xã Phú Quới- Long Hồ) tâm sự: “Em mua băng vệ sinh, giấy vệ sinh giá rẻ bán ở chợ công nhân về xài một thời gian thì bị ngứa rát. Em cũng ngại đi bác sĩ đến chừng thấy khó chịu quá đi khám mới biết mình bị viêm vùng kín. Thiệt, em không dám mua hàng trôi nổi nữa”.
Do cấu tạo mở hẳn ra ngoài da nên nhiễm trùng âm hộ- âm đạo là một bệnh lý rất thường gặp ở PN thuộc mọi lứa tuổi.
Các triệu chứng lâm sàng của bệnh: ngứa, cảm giác nóng rát ở bộ phận sinh dục, ra nhiều huyết trắng hôi, có thể kèm với cảm giác đau khi giao hợp. Mặc dù bệnh không gây tử vong tức thời nhưng mang đến nhiều xáo trộn trong sinh hoạt cá nhân và gia đình cũng như có ảnh hưởng rất xấu đến tâm sinh lý của chị em…
Ở những ngày có kinh nguyệt nếu bị VNPK sẽ rất nguy hiểm bởi vì trong những ngày này cổ tử cung mở rộng khiến cho vi khuẩn rất dễ xâm nhập sâu vào tử cung, lên buồng trứng gây ra các viêm nhiễm nặng: viêm cổ tử cung, viêm nhiễm âm hộ, âm đạo, viêm tắc vòi trứng, ung thư cổ tử cung, vô sinh…
TS-BS Hồ Thị Thu Hằng- Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long cho biết, nguyên nhân gây VNPK là do cơ thể thiếu sức đề kháng; bệnh lây truyền qua đường tình dục do cả 2 giới, mãn kinh, không giữ vệ sinh kinh nguyệt; PN thường ngâm mình trong nước không sạch.
Đồng thời, nhiều người lạm dụng các dung dịch vệ sinh, xà bông diệt khuẩn, thụt rửa âm đạo, vệ sinh không đúng cách; quần áo không phù hợp; chế độ ăn uống mất cân bằng... cũng có thể gây ra VNPK.
Ngoài những triệu chứng lâm sàng nói trên, chị em cần lưu ý đi khám phụ khoa khi cơ quan sinh dục có những dấu hiệu bất thường hay chảy máu sau giao hợp… Cần chú ý, một số bệnh VNPK, ngoài gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày còn có thể để lại hậu quả nguy hiểm như gây tắc vòi trứng, gây vô sinh và bệnh ác tính,... Vì thế, nếu thấy bất thường, nên đi khám sớm để phát hiện nguyên nhân gây bệnh và điều trị sớm.
Để phòng ngừa VNPK, TS-BS Hồ Thị Thu Hằng cho lời khuyên: PN nên biết cách giữ gìn sức khỏe bằng cách ăn uống hợp lý, tập thể dục để có sức đề kháng tốt.
Vệ sinh “vùng kín” sạch sẽ, đặc biệt là trong những ngày có kinh nguyệt, trước và sau khi có quan hệ tình dục bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ, tránh thụt rửa sâu, nên phơi đồ lót ở chỗ có ánh sáng mặt trời. Song, chị em cũng không nên lạm dụng các dung dịch vệ sinh để vệ sinh “vùng kín” vì nó sẽ “làm sạch” cả những vi khuẩn có lợi khác;…
Theo nghiên cứu, phụ nữ đã từng sinh đẻ có tỷ lệ VNPK gấp 2,4 lần so với PN chưa qua sinh đẻ nên đây cũng là đối tượng cần thiết phải chú ý phòng ngừa bệnh. Theo các bác sĩ, trà xanh là sự lựa chọn lý tưởng trong vệ sinh phụ nữ.
|
Bài, ảnh: MAI ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin