Sau hơn 1 tháng tỉnh Vĩnh Long thực hiện tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” (thời điểm tháng 11/2013), có tổng số hơn 6.200 trẻ trong tỉnh được tiêm chủng. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm được cho biết thấp hơn nhiều so các địa phương trong khu vực.
Không riêng chủng vắc xin nào, đối với chương trình tiêm chủng mở rộng, tư vấn khám sàng lọc trước tiên là quy trình cần thiết.
Sau hơn 1 tháng tỉnh Vĩnh Long thực hiện tiêm trở lại vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” (thời điểm tháng 11/2013), có tổng số hơn 6.200 trẻ trong tỉnh được tiêm chủng. Tỷ lệ phản ứng sau tiêm được cho biết thấp hơn nhiều so các địa phương trong khu vực.
Trong các trường hợp phản ứng sau tiêm vừa qua, hầu hết là phản ứng nhẹ như “miễn dịch” của trẻ, chỉ một số ít trường hợp được xem là phản ứng nặng, nhưng đã được xử lý ổn định và xuất viện ngay sau đó.
Tiêm chủng đủ liều đạt thấp
Triển khai tiêm chủng trở lại vắc xin “5 trong 1” Quinvaxem từ tháng 11/2013 sau 5 tháng ngưng sử dụng trên toàn quốc (tháng 6- 10), Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long thống kê có 6.243 trẻ được tiêm. Trong đó, tiêm mũi 1 (trẻ đủ 2 tháng tuổi) 4.594 trẻ, mũi 2 tiêm cho 791 trẻ và mũi 3 tiêm cho 858 trẻ. Mỗi mũi tiêm cách nhau 2 tháng.
Theo bác sĩ Mạc Thu Hà- Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc xin sinh phẩm thuộc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, tại thời điểm tiêm trở lại vắc xin “5 trong 1” vừa qua, trong số 4.594 mũi tiêm 1, có 1.002 mũi tiêm mới cho trẻ, còn lại là mũi tiêm nhắc (đối với trẻ đã đủ thời gian tiêm chủng mũi đầu tiên trước đây, nhưng chưa được tiêm do vắc xin ngưng sử dụng).
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng đủ liều tính đến hiện tại đạt thấp, do ảnh hưởng của việc ngưng tiêm vắc xin “5 trong 1” trong một thời gian khá lâu. Cộng dồn đến hiện tại, đã có hơn 11.000 trẻ trong tỉnh được tiêm mũi 1, hơn 7.400 trẻ được tiêm mũi 2 và khoảng 7.000 trẻ đã tiêm xong mũi 3 đối với vắc xin “5 trong 1”.
Toàn tỉnh có 109 điểm tiêm ở 109 trạm y tế các xã- phường- thị trấn và 7 điểm tiêm tại khoa sản bệnh viện các tuyến. Trong đó, khoa sản chủ yếu phục vụ việc tiêm mũi vắc xin ngừa lao và viêm gan B sơ sinh. “Hầu hết các điểm tiêm chủng trong tỉnh trong chương trình tiêm chủng mở rộng đều đạt điều kiện, yêu cầu tối thiểu cần có để phục vụ tiêm các chủng loại vắc xin.
Nhân viên y tế tại các địa điểm tiêm có tư vấn, khám sàng lọc trước tiêm và giữ theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm mới cho về nhà”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, cho biết. Số liệu tiêm chủng mở rộng của đơn vị này đến tháng 12/2013, trẻ dưới 1 tuổi toàn tỉnh được tiêm chủng đầy đủ đạt 86,3%, tương đương 14.154 trẻ so chỉ tiêu năm là 16.400 trẻ.
Phản ứng sau tiêm chủng ít
Theo thông tin có được, tỷ lệ xảy ra phản ứng sau tiêm vắc xin “5 trong 1” của tỉnh Vĩnh Long chiếm thấp hơn các tỉnh- thành trong khu vực.
Bác sĩ Mạc Thu Hà cho biết, có 89 trường hợp xảy ra phản ứng sau tiêm và hầu hết số này là các phản ứng nhẹ như sưng, nóng, đỏ, đau.
Riêng trong số đó cũng có 5 trường hợp phản ứng nặng sau tiêm với các biểu hiện khóc dai dẳng, tím tái, phải nhập viện theo dõi. Tuy nhiên, số trường hợp này đều xuất viện ngay sau đó với tình trạng sức khỏe ổn định. Số phản ứng sau tiêm chủng của tỉnh chỉ chiếm 0,14% và “nằm trong giới hạn cho phép”.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết, phản ứng sau tiêm chủng là tình trạng bất thường về sức khỏe sau khi tiêm chủng, có thể xảy ra do liên quan đến vắc xin, sai sót trong tiêm chủng, trùng hợp ngẫu nhiên hay nguyên nhân khác không liên quan đến vắc xin.
“Tác dụng của vắc xin là kích thích hệ thống miễn dịch của người được tiêm chủng, tạo miễn dịch chủ động phòng bệnh. Trong quá trình tiêm vắc xin phòng bệnh, có thể có những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra tùy thuộc vào loại vắc xin cũng như tùy cơ địa của trẻ mà có thể có các dạng phản ứng sau tiêm (nhẹ hay nặng như đã nêu)”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân thông tin thêm.
Các bác sĩ tại các cơ sở quản lý, cơ sở khám chữa bệnh đề nghị phụ huynh cần theo dõi lịch tiêm chủng thường xuyên và tuân thủ đưa trẻ đến trạm y tế đúng lịch theo phiếu hẹn. Ngoài ra, trước và sau tiêm chủng, các phụ huynh cũng cần thực hiện đúng các hướng dẫn để việc tiêm chủng cho trẻ đạt kết quả tốt nhất. Hiện các địa bàn đã cơ bản hoàn tất tiêm chủng vắc xin “5 trong 1” tháng 12.
Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) đã có văn bản gửi sở y tế các địa phương, các cơ quan liên quan và đơn vị trực thuộc, về việc xử lý các trường hợp phản ứng sau tiêm chủng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đối với các đơn vị trực thuộc có thực hiện công tác tiêm chủng, nhân viên tiêm chủng phải tư vấn cho người đưa trẻ đến tiêm về các phản ứng có thể xảy ra sau tiêm và hướng dẫn cách xử lý; trường hợp trẻ xảy ra phản ứng sau tiêm cần đánh giá mức độ để xử lý; thực hiện tốt các nội dung liên quan quy định tại quyết định của Bộ Y tế (ngày 21/8/2013) về “kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng”. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin