Các chương trình phòng chống lao, phong, tâm thần... của tỉnh Vĩnh Long thời gian qua đã có các hoạt động tích cực nỗ lực và kết quả được ghi nhận. Tuy nhiên, với diễn biến bệnh tật ngày càng phức tạp, thì thuốc men, phương thức điều trị, cơ sở vật chất, nhân lực,... đang là vấn đề đặt ra để kịp đảm bảo hiệu quả hơn trong phòng chống các bệnh thuộc chương trình này.
Y bác sĩ Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long tư vấn cho người dân đến khám sàng lọc bệnh lao (nếu có).
Các chương trình phòng chống lao, phong, tâm thần... của tỉnh Vĩnh Long thời gian qua đã có các hoạt động tích cực nỗ lực và kết quả được ghi nhận. Tuy nhiên, với diễn biến bệnh tật ngày càng phức tạp, thì thuốc men, phương thức điều trị, cơ sở vật chất, nhân lực,... đang là vấn đề đặt ra để kịp đảm bảo hiệu quả hơn trong phòng chống các bệnh thuộc chương trình này.
Phòng chống bệnh còn “cổ điển”
Thống kê mới nhất của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Vĩnh Long (gọi tắt là trung tâm) ở chương trình chống lao, tổng số khám trong năm là 19.037 lượt người, đạt 117,6% kế hoạch; trong đó, phát hiện lao mới hơn 1.420 bệnh nhân. Tổng số bệnh nhân trung tâm đang quản lý điều trị là 3.260 người, trong đó điều trị lành 1.365 người. Số bỏ điều trị thấp, chỉ 8 bệnh nhân.
Từ đầu năm đến nay, cả tỉnh có 6 ca bệnh phong mới được phát hiện, trong đó có một trường hợp tàn tật độ II.
Trong 136 bệnh nhân phong đang được quản lý, có 107 bệnh nhân cần chăm sóc tàn tật. Sau khi tỉnh công bố loại trừ bệnh phong từ cuối năm 2012, các số liệu này nằm trong ngưỡng cho phép của chương trình chống phong.
Riêng ở chương trình chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, trung tâm quản lý 1.635 bệnh nhân tâm thần phân liệt và 1.140 bệnh nhân động kinh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền- Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long, với các chương trình lao, phong, tâm thần, việc duy trì giám sát phát hiện, quản lý điều trị luôn đặt lên hàng đầu.
Ngành y tế tỉnh tiếp tục hạ thấp tỷ lệ mắc mới, nâng cao hiệu quả điều trị các bệnh trong cộng đồng. Tuy nhiên, nói về phòng chống lao, phong và tâm thần hiện nay, một số bác sĩ lĩnh vực này thừa nhận còn gặp khá nhiều khó khăn.
Với chương trình tâm thần, hiện tỉnh vẫn còn điều trị bằng thuốc “cổ điển”. Còn bệnh lao, dù tới đây Bộ Y tế cho áp dụng phác đồ điều trị mới, giảm từ 8 tháng còn 6 tháng; còn từ hiện tại về trước, phác đồ điều trị cũng cũ.
Phương pháp chẩn đoán lao đang áp dụng (xét nghiệm, X-quang) cũng đã cũ kỹ so với yêu cầu tình hình bệnh tật hiện nay. “Bệnh lao tái trị và lao kháng thuốc ở khu vực ĐBCSL chiếm tỷ lệ cao hơn các vùng miền khác. Vĩnh Long tỷ lệ lao tái trị kháng đa thuốc chiếm khoảng 19%, lao điều trị lần đầu kháng thuốc khoảng 2,7%”- bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền nêu.
Để nâng cao hiệu quả phòng chống các bệnh này, tỉnh rất cần cập nhật các thiết bị hiện đại, nhất là thiết bị phát hiện nhanh GeneXpert các bệnh lao/HIV, lao phổi; cũng như phương thức điều trị mới với lao kháng thuốc; thuốc men mới điều trị cho bệnh nhân tâm thần,...
Bài toán nhân lực y tế
Liên quan tới các lĩnh vực bệnh xã hội nêu trên, tỉnh đang đầu tư xây dựng Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Lao và bệnh phổi. Cơ sở vật chất phục vụ phòng chống các bệnh này hướng tới xem tạm ổn.
Ngành y tế Vĩnh Long cũng đã xây dựng dự thảo Đề án “Khuyến khích đào tạo và phát triển nhân lực y tế các chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh, giai đoạn 2013- 2020” (Quyết định 319, ngày 7/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ). Đề án nhằm đảm bảo đáp ứng nguồn nhân lực y tế với nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân các lĩnh vực lao, phong, tâm thần, pháp y và giải phẫu bệnh.
Duy trì giám sát chặt chẽ, khám phát hiện, quản lý điều trị sẽ giúp công tác phòng chống lao hiệu quả.
Dù tỉnh đã có đội ngũ y tế chuyên trách công tác phòng chống lao, phong, tâm thần xuyên suốt các tuyến, nhưng đội ngũ nhân lực chuyên môn cao để đảm đương lĩnh vực này còn quá ít. Cả tỉnh có chưa tới 20 bác sĩ, điều dưỡng chuyên môn lao.
Với lĩnh vực tâm thần, số này chưa đến 10 người. Theo dự thảo đề án, đến năm 2020, nhân lực y tế các chuyên ngành trên của tỉnh ước tính có 110 cán bộ các trình độ, chuyên khoa.
Dù vậy, nói như một số cán bộ quản lý ngành y tế, thì đào tạo, thu hút đội ngũ này cho tỉnh thời gian tới là chuyện dài và khó: “Là ngành không thu hút, nhiều người ngại chọn chuyên môn này để học, nên đội ngũ cán bộ y tế chuyên ngành lao, phong, tâm thần,... của địa phương còn hạn chế”.
BHYT trong điều trị cho người bệnh lao, phổi, tâm thần ở một số giai đoạn cũng là vấn đề đặt ra. Ở một số giai đoạn như điều trị lao kháng thuốc hoặc bệnh phát sinh trong quá trình điều trị các bệnh trên hoặc cần điều trị kỹ thuật cao, thì vẫn không có trong danh mục được BHYT thanh toán.
Ví dụ khi điều trị một bệnh nhân lao phác đồ II thất bại, chuyển điều trị kháng sinh đồ, tiền thuốc men lên đến 7- 8 triệu đồng/tháng và với thời gian nhất định thì bệnh nhân phải chi trả.
Tổng kinh phí 3 chương trình phòng chống lao, phong, tâm thần trong năm 2013 của tỉnh Vĩnh Long được hơn 1,6 tỷ đồng. |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin