Mùa mưa, bệnh nhi đông

02:10, 25/10/2013

Theo ngành y tế tỉnh, do ảnh hưởng của thời tiết nên một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng. Lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tại các bệnh viện khá đông.


Cháu Khương- con trai chị Phương được bệnh viện theo dõi, nghi bệnh sốt xuất huyết.

Theo ngành y tế tỉnh, do ảnh hưởng của thời tiết nên một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng. Lượng bệnh nhi đến khám và điều trị tại các bệnh viện khá đông.

Tại buồng bệnh Khoa Nhi, chị Nguyễn Hồng Phương (ngụ ấp Hồi Thọ, xã Xuân Hiệp- Trà Ôn) đang chăm sóc cho con trai 12 tuổi Lê Nguyễn Đăng Khương.

Chị Phương cho biết 2 ngày trước đó, sau khi cháu đi học về thì bị nóng sốt, không ăn uống được gì, hễ ăn vô là ói. Nhập viện tối 16/10, bác sĩ chẩn đoán và nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết. “Hôm bữa trước thấy lo nhưng nay cháu đã đỡ hơn nhiều, ăn uống bình thường, hy vọng nay mai về”- chị Phương nói.

Cùng một số ông bố khác, anh Nguyễn Văn Đậm (ngụ ấp Cây Điều, xã Phú Lộc- Tam Bình) bế con trai đi dọc hành lang Khoa Nhi. Anh nói, con trai Nguyễn Phúc Vinh của tôi bị sốt cao, khóc nhiều. Bác sĩ theo dõi và điều trị từ hôm qua. Hiện bé đã khỏe nhưng bác sĩ ở đây cho biết cần phải giữ lại theo dõi thêm.


Các ông bố cho biết, nhiều trẻ nhỏ vào viện vì tình hình thời tiết hiện nay phức tạp.

Tai nạn thương tích trong hè, theo các bác sĩ nhi khoa, trẻ thường gặp nhất là bị rắn cắn và ong đốt. Còn trong mùa nước nổi, chủ yếu tai nạn này ở trẻ là đuối nước.
 
Tại một phòng bệnh nội trú Khoa Nhi, có một bệnh nhi khoảng 4 tuổi bị đuối nước đã nhập viện được hơn tháng qua để điều trị tổn thương não.

Các bác sĩ nói cháu vẫn còn đang mê man chẳng biết gì, vẫn truyền dịch và người nhà đang chăm cháu với ánh mắt đầy lo âu. Đó là minh chứng cho tai nạn thương tích của trẻ, mà nguyên nhân theo bác sĩ, chủ yếu là do người lớn bất cẩn.

Trẻ bị các bệnh thường gặp đến khám và điều trị tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long vẫn rất đông. Đại diện khoa này cho biết, hiện tại 3 phòng khám khoa, mỗi ngày bình quân có 250 trẻ đến khám bệnh ngoại trú, dù bệnh sốt xuất huyết đang giảm mạnh so cùng kỳ ở lượng khám và nhập viện điều trị. Còn các ca ghi nhận đến bệnh viện khám điều trị bệnh tay chân miệng vẫn nhiều và đều đặn.

Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, từ đầu tháng 9/2013 đến ngày 17/10, có 42 ca sốt xuất huyết và 180 ca tay chân miệng nhập viện điều trị nội trú. Tuy vậy, các bác sĩ nhi cho biết, bệnh hay gặp nhất ở trẻ còn có bệnh hô hấp (cảm, ho, sổ mũi), viêm phổi, viêm tiểu phế quản ở trẻ, tiêu chảy,... vẫn xuất hiện khá nhiều và đều đặn.
 
“Diễn biến mắc bệnh và đến khám điều trị các bệnh lý ở trẻ vẫn còn đông đúc, phức tạp”, bác sĩ Phan Văn Năm- Phó Giám đốc kiêm quyền Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long- cho biết.

Báo cáo 9 tháng qua của UBND tỉnh Vĩnh Long trên lĩnh vực y tế cho thấy, toàn tỉnh ghi nhận gần 6.600 ca bệnh tiêu chảy trong thời gian trên, tăng 2,5% so cùng kỳ 2012. Bình quân mỗi tháng cả tỉnh có khoảng 700-800 ca. Đây là bệnh thường gặp ở trẻ. Tay chân miệng thống kê tăng 77,82% và sốt xuất huyết giảm 52,32% cũng trong thời điểm trên so cùng kỳ.

Theo ngành y tế tỉnh, do ảnh hưởng của thời tiết nên một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng. Tổng hợp của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long đến ngày 17/10/2013, bệnh tay chân miệng hơn 2.500 ca mắc cộng dồn từ đầu năm nay. Sốt xuất huyết đến nay cũng khoảng 620 ca mắc.

Tuy nhiên ở góc độ dự phòng và khám điều trị, các bác sĩ nhận định đã rất tích cực thời gian qua; đã dự phòng, điều trị kịp thời trường hợp mắc bệnh, hạn chế đến mức thấp tử vong do bệnh truyền nhiễm gây ra. Ý thức của người dân trong phối hợp với ngành y tế phòng chống bệnh tật cũng ngày càng được nâng lên.

Bài, ảnh: MINH THÁI – TẤN ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh