Nhiều người chờ vắc xin “5 trong 1”

12:09, 06/09/2013

Việc ngưng sử dụng trên toàn quốc vắc xin “5 trong 1” (phòng chống bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib) cho trẻ và chưa biết khi nào được cung cấp sử dụng lại, đang ít nhiều có ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác tiêm chủng và hiệu quả tiêm phòng.

Việc ngưng sử dụng trên toàn quốc vắc xin “5 trong 1” (phòng chống bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib) cho trẻ và chưa biết khi nào được cung cấp sử dụng lại, đang ít nhiều có ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện công tác tiêm chủng và hiệu quả tiêm phòng.


Tư vấn, khám sàng lọc cho trẻ trước tiêm chủng tại y tế cơ sở.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long- cho biết, đầu tháng 5 đến nay, tỉnh cũng như các địa phương khác đều thực hiện ngưng tiêm vắc xin “5 trong 1” (tên thương phẩm Quinvaxem hay cách gọi khác như vắc xin DPT (hay DTC)- VGB- Hib, phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván- viêm gan B- Hib) theo chỉ đạo của Bộ Y tế.

Hoặc tiêm dịch vụ, hoặc... chờ

Theo Trạm Y tế Phường 5 (TP Vĩnh Long), cũng như các địa bàn, phường đã ngưng sử dụng vắc xin “5 trong 1” từ khoảng tháng 5/2013 đến nay. “Khi được cung cấp, theo thống kê sẽ có khoảng 150 trẻ trên địa bàn phường cần tiêm vắc xin 5 trong 1”- lãnh đạo trạm cho biết. Cơ sở này cũng xác nhận nếu phụ huynh có yêu cầu tiêm vắc xin đầy đủ, họ sẽ được tư vấn đến điểm tiêm dịch vụ để tiêm mũi “5 trong 1” hoặc “6 trong 1”.

Tuy nhiên, theo nhiều trạm y tế cơ sở, các trung tâm y tế địa phương thì “số này là rất ít”. Các đơn vị này xác nhận, “không nhiều người có điều kiện để tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin “6 trong 1” trị giá khoảng 700.000đ và càng khó khăn hơn khi phải chi tầm 2 triệu đồng cho 3 lần tiêm”.

Ngành chức năng chưa có thống kê đầy đủ, nhưng thực tế là số trường hợp chờ vắc xin “5 trong 1” được cho là cao hơn so số có điều kiện và yêu cầu để tiêm dịch vụ cho đủ liều, tiêm nhắc bổ sung đủ kháng thể.

Theo ông Nguyễn Thanh Xuân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, ngoài các vắc xin khác được cung cấp đủ để tiêm, vắc xin “5 trong 1” ở địa phương đã ngưng sử dụng khoảng tháng 5 đến nay.

Như ngày 5 và 6/9 này (cố định hàng tháng), lịch tiêm đã đến nhưng các cơ sở có điểm tiêm chủng không có vắc xin để sử dụng. “Chúng tôi giải thích, tư vấn cho người dân có con nhỏ nếu có nhu cầu họ sẽ đi tiêm dịch vụ, hoặc là chờ...”.

Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, khi tiêm dịch vụ, các điểm tiêm chủng vẫn phải tư vấn để gia đình có con nhỏ về báo lại với y tế cơ sở, nhằm theo dõi kịp thời, đúng, đủ theo lịch tiêm.
 
“Bởi thực tế có trẻ sau thời điểm đã tiêm mũi “5 trong 1” thứ 1, thứ 2 và chờ mũi tiêm tiếp theo. Có nhiều gia đình cho trẻ chờ chứ không có điều kiện tiêm dịch vụ. Nên khi nào có vắc xin “5 trong 1”, ngành chức năng sẽ rà soát tất cả các đối tượng để thực hiện tiêm chủng kịp thời, đầy đủ, tránh chồng chéo”- bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho hay.

Ảnh hưởng tiến độ, hiệu quả tiêm chủng!

Trao đổi về việc ngưng tiêm vắc xin “5 trong 1” sẽ ảnh hưởng như thế nào, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho rằng: Việc ngưng tiêm khả năng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chỉ tiêu tiêm chủng thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia.

Mặt khác, một khi trẻ ngưng lâu, trễ tháng tuổi để tiêm chủng, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến hiệu quả việc tiêm phòng. Các trung tâm y tế địa phương cũng xác nhận, việc thiếu vắc xin “5 trong 1” khả năng sẽ ảnh hưởng tiến độ tiêm chủng và tính đảm bảo miễn dịch đầy đủ cho trẻ.

Theo Trung tâm Y tế huyện Long Hồ, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ trên địa bàn đến thời điểm này đạt khoảng 80%.

Theo chỉ tiêu của tỉnh, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ hàng năm cho trẻ phải đạt từ 95% trở lên. Nên việc ngưng vắc xin “5 trong 1” quá lâu (từ tháng 5/2013) và đến nay vẫn chưa được cung cấp để sử dụng lại thì chỉ tiêu tiến độ tiêm chủng sẽ bị ảnh hưởng.


Cho trẻ uống sabin.

Giải quyết vấn đề này, ngành y tế dự phòng, cũng như các cơ sở y tế có tiêm chủng, sẽ tư vấn cho gia đình có trẻ nếu có nhu cầu sẽ tiêm dịch vụ mũi vắc xin “6 trong 1” (đã bao gồm sabin), hoặc là chỉ còn cách... đợi đến khi có vắc xin “5 trong 1” sẽ tiêm.

Cơ quan này cũng xác nhận các vắc xin với mũi tiêm đơn liều ngừa viêm gan B và lao mũi sơ sinh, vắc xin ngừa sởi,... trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng vẫn đầy đủ, cung cấp kịp thời để cơ sở y tế tiêm chủng cho trẻ.

Bác sĩ Văn Công Minh- Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long- ngày 3/9 đã ký ban hành văn bản cụ thể hóa “Kế hoạch tăng cường công tác an toàn tiêm chủng” theo Quyết định 3029/QĐ-BYT, ngày 21/8/2013, của Bộ Y tế, với mục tiêu tăng cường công tác an toàn, đảm bảo chất lượng và đảm bảo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em.

Vắc xin Quinvaxem là vắc xin “5 trong 1” của Hàn Quốc sản xuất, do Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) viện trợ thông qua Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng tại Việt Nam. Vắc xin này đã tạm ngừng sử dụng sau khi nhiều trẻ gặp tai biến sau tiêm. Đến khoảng tháng 8/2013, Chính phủ đã có ý kiến về việc tiếp tục sử dụng vắc xin Quinvaxem “5 trong 1” trong tiêm chủng mở rộng.

Bài, ảnh: MINH THÁI


Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh