Phòng sinh ngày một vắng

08:08, 16/08/2013

Sinh nở tại các trạm y tế (TYT) cơ sở hiện nay đã giảm rất nhiều so với những năm về trước.


Thai phụ khám thai và được tư vấn định kỳ tại TYT Phường 1.

Sinh nở tại các trạm y tế (TYT) cơ sở hiện nay đã giảm rất nhiều so với những năm về trước.

Sinh tại trạm xá giảm mạnh

Tại nhiều TYT trên địa bàn TP Vĩnh Long, các y- bác sĩ cho hay, so nhiều năm trước, nay số thai phụ đến sinh nở hiện rất ít. Như TYT phường 1, 4, 5,... ngày trước được nhiều phụ nữ trong địa bàn và cả các địa phương lân cận lựa chọn làm nơi “khai hoa nở nhụy” khá đông.

Bác sĩ trưởng trạm Bùi Thị Lưu nói: “Giờ giảm rất nhiều rồi. Nếu 4- 5 năm trước, mỗi tháng có 30- 40 ca sinh tại trạm phường, thì nay còn khoảng 10 ca”.

Tương tự, TYT Phường 1 hiện hàng tháng chỉ có trên dưới 10 ca sinh của những người dân lao động, ở nông thôn hoặc vùng ven và hầu hết là sinh thường. “Có khi trong tháng đó có 10 thai phụ sinh tại trạm, nhưng chỉ 1- 2 hoặc chẳng có sản phụ nào là người ở địa bàn Phường 1, chủ yếu đến từ các địa phương vùng ven TP Vĩnh Long hoặc từ nông thôn”- y sĩ Trưởng trạm Trương Thúy Phượng nói.

Như tháng 7/2013, ở trạm này quản lý 15 ca sinh nở trên địa bàn, thì trong đó sinh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long 7 ca, còn 8 ca sinh ở TP Cần Thơ.

Theo nhiều y bác sĩ, bây giờ hầu hết ai cũng có thẻ BHYT, mà ở y tế cơ sở thì không đủ chức năng thanh toán cho dịch vụ này, nên với nhiều TYT cơ sở, thai phụ sẽ được chuyển tuyến sinh để thuận tiện trong thanh toán. Phần cũng vì đa số theo yêu cầu, người ta sẽ chọn đi sinh tại các cơ sở y tế có dịch vụ phát triển.

“Mụ vườn xưa, nay đã vắng bóng rồi”- các y bác sĩ khẳng định khi yêu cầu chăm sóc sức khỏe sinh sản của phụ nữ mang thai ngày càng cao và trong bối cảnh các kỹ thuật y tế ngày càng phát triển.

Có nhiều nguyên nhân đưa các bà mẹ mang thai sinh con tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có điều kiện đầy đủ, chất lượng dịch vụ tốt hơn. Một trong những nguyên nhân được nói đến nhiều là, khi họ có con so, con hiếm muộn, con quý,... thì ắt sẽ chọn dịch vụ y tế cao.

Theo bác sĩ Bùi Thị Lưu, nguyên nhân nữa mà một số TYT chuyển các ca sinh về tuyến trên là khi khám thai có dấu hiệu bất thường như: con to, thai phụ cao huyết áp,...

Nhiều người trong chuyên môn lý giải, trước đây thai nhi sinh ra cao lắm cân nặng 2,8kg, 3kg, nay nhiều thai phụ có con so 3,4kg, 3,5kg là thường. Mà nay đa phần là con một, sinh lần đầu, khó sinh đường dưới. Với y tế cơ sở, đây là thử thách, nên chuyển tuyến trên để sinh. Cũng theo yêu cầu thai phụ, muốn đẻ không đau hoặc khi có chỉ định sinh mổ để an toàn cho mẹ và bé, thì tỷ lệ sinh mổ nay cũng nhiều.

Có “nếp” có “tẻ”

Chị Bích Thủy (xã Hòa Ninh- Long Hồ) đang mang thai đứa con thứ hai hơn 6 tháng. Đứa con đầu, chị sinh tại TYT Phường 1. Mới mấy hôm trước, gặp tại trạm xá này khi đi thăm khám định kỳ, chị kể lúc mang thai đứa đầu, chị qua đây thăm khám suốt.

Chị thấy các y sĩ, hộ sinh tư vấn hướng dẫn tận tình chu đáo, lúc sinh con suôn sẻ nên đến “đứa này nhà tui cũng định sang đây sinh luôn”.

Vợ chồng chị Kiều là công chức tại TP Vĩnh Long, khi sinh đứa con đầu lòng đã “chọn mặt gửi vàng” ở Bệnh viện Phụ sản Quốc tế P.C. (TP Cần Thơ). Ông xã chị nói chấp nhận chi phí trọn gói gần 13 triệu của lần sinh nở này: “Bao nhiêu cũng được, mình cố gắng thêm chút thôi, bù lại con mình được hưởng các điều kiện đầy đủ”.


Dù sinh ở đâu, bằng phương pháp gì, sau sinh, mẹ và bé đều được quản lý chặt chẽ của y tế xã- phường, nhất là trong công tác tiêm chủng phòng ngừa bệnh tật.

Khi đời sống ngày càng phát triển, rất nhiều gia đình thai phụ đã chọn sinh tại các bệnh viện chuyên phụ sản hoặc bệnh viện có dịch vụ sản khoa tốt. Trong khi, nhiều nhà ở nông thôn, người lao động, với lựa chọn sinh tại xã, lại ngày càng thưa vắng.
 
Chị Ánh Nguyệt (Phường 8- TP Vĩnh Long) cũng thăm khám thai định kỳ tại TYT Phường 1. Nhưng khác chị Thủy, theo các y sĩ ở đây, dự định của thai phụ này là sinh ở TP Cần Thơ.

Còn cô Đỗ Thị Ánh Nguyệt- y sĩ sản khoa TYT Phường 1 hơn 30 năm trong nghề- nói có trường hợp cô hộ sinh cho một thai phụ hàng chục năm trước, nay lại hộ sinh cho chính “đứa trẻ” ngày xưa cô đã đỡ đẻ, cũng tại y tế cơ sở thế này.

Nói về việc ngày càng có nhiều phụ nữ mang thai, hầu hết là con so, con thứ hai thường đi đến y tế tư nhân, bệnh viện phụ sản có tiếng để sinh nở, y sĩ Phượng cho biết, bây giờ kỹ thuật phát triển hiện đại, nhiều nhà có con một, con hai nhưng đều quan trọng chuyện “nếp”- “tẻ”,... nên có những đòi hỏi yêu cầu cao, đảm bảo an toàn đầy đủ về điều kiện sinh nở, chăm sóc hậu sản, nên họ ít đến sinh tại y tế cơ sở.

Bài, ảnh: AN DĨ HIÊN

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh