
Số bệnh nhi đang điều trị bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) nội trú tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long không nhiều. Phần lớn số ca mắc TCM đến thời điểm hiện tại diễn biến ở độ nhẹ (độ I, IIA).
Phun hóa chất diệt muỗi là một trong những biện pháp nhằm hạ mật độ côn trùng ở khu dân cư. Ảnh: THANH TÂM
Số bệnh nhi đang điều trị bệnh tay chân miệng (TCM) và sốt xuất huyết (SXH) nội trú tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long không nhiều. Phần lớn số ca mắc TCM đến thời điểm hiện tại diễn biến ở độ nhẹ (độ I, IIA).
Tổng số ca mắc SXH trên toàn tỉnh hiện giảm đáng kể so cùng kỳ. Tuy vậy, vẫn không thừa khi các cha mẹ có con nhỏ nên chủ động dù chỉ với diễn biến nhỏ nhất về bệnh của trẻ, để kịp thời đưa trẻ đi thăm khám, chẩn đoán, tư vấn điều trị. Phụ huynh tránh chủ quan để các bệnh phát hiện trễ, bệnh chuyển nặng, khó xử trí và dễ dẫn đến tình huống xấu.
Hạn chế sốc, chuyển độ nặng
Thống kê của Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Vĩnh Long đến ngày 30/6/2013, từ đầu năm đến hiện tại khoa đã điều trị 192 ca bệnh SXH, trong đó có 37 ca sốc SXH và sốc SXH nặng (tương đương độ 3, độ 4) và đã có 1 trường hợp trong đó tử vong. Ca tử vong này là bệnh nhân V., 6 tuổi, ngụ Tân An Hội (Mang Thít).
Theo các bác sĩ điều trị tại bệnh viện, bệnh nhi này nhập viện với diễn biến sốc SXH nặng: mạch bằng 0, huyết áp bằng 0, xuất huyết nhiều nơi trên cơ thể, sốc nặng kéo dài, tổn thương đa cơ quan không thể hồi phục được.
Và dù đã được tích cực cứu chữa nhưng không qua khỏi. Theo y tế dự phòng tỉnh, khi bé này bệnh, người nhà đưa đi khám điều trị ở cơ sở y tế bên ngoài và chỉ vào bệnh viện tỉnh sau khi diễn biến bệnh đã rất nguy kịch, nên dẫn đến tình huống xấu kể trên.
Sáng ngày 11/7, tại Phòng Hồi sức cấp cứu nhi thuộc Khoa Nhi, sức khỏe và diễn tiến bệnh trạng của 2 ca SXH và TCM đang điều trị tích cực tại đây được cho là đã tiến triển tốt.
Đó là trường hợp cháu Hoàng Quân (14 tuổi) và cháu Phương Thảo (23 tháng tuổi). Cháu Hoàng Quân được bác sĩ tháo kim tiêm trong quá trình can thiệp huyết áp động mạch xâm lấn để theo dõi trước đó. Theo bác sĩ điều trị- Trần Thị Tuyết Mai, diễn biến bệnh của cháu Quân đã hồi phục tốt. Trước đó ngày 9/7, cháu Quân nhập viện và được chẩn đoán lâm sàng là sốc SXH Dengue nặng.
Cháu Thảo cũng đang được can thiệp bằng đo huyết áp động mạch xâm lấn để theo dõi huyết áp, tim mạch và điều trị tích cực bằng thuốc men theo phác đồ Bộ Y tế. Cháu Thảo nhập viện hôm 10/7 với chẩn đoán lâm sàng là bệnh TCM. Theo bác sĩ, hiện bệnh của cháu đang ở độ III và đang được điều trị tích cực theo phác đồ.
Theo người nhà bệnh nhi này, trước khi cháu bệnh, ở xóm có một ca mắc TCM và đã khỏi. “Dù biết bệnh này lây nhiễm, gia đình đã giữ gìn vệ sinh cho cháu và môi trường xung quanh cháu sạch sẽ, nhưng vẫn bị mắc TCM” – theo lời mẹ cháu Thảo.
Tránh chủ quan, không lơ là
Mặc dù số mắc TCM hầu hết là độ nhẹ, bệnh độ nặng chiếm ít; và dù SXH giảm mạnh so cùng kỳ; nhưng không vì thế mà các phụ huynh có con nhỏ chủ quan. Nhất là trong bối cảnh số mắc TCM tăng gấp đôi so cùng kỳ và SXH vừa có ca tử vong.
Bệnh TCM thống kê điều trị tại Khoa Nhi từ đầu năm đến cuối tháng 6/2013 có 694 ca, trong đó chủ yếu là ca bệnh độ nhẹ (độ I: 75 ca, độ IIA: 617 ca), các ca nặng ít (độ IIB: 38 ca, độ III: 2 ca). Riêng trong tháng 6, có 30 ca SXH và 94 ca TCM điều trị nội trú.
Tổng hợp của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm 2013 đến nay trên toàn tỉnh ghi nhận 1.781 ca mắc TCM. Không có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên số mắc trên đã tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ 2012 và được dự báo bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp với số ca mắc mới xuất hiện đều đặn.
Đây là một trong số các ca mắc SXH Degue nặng điều trị tích cực tại Khoa Nhi và hiện tại đã hồi phục tốt
Với SXH, theo ngành y tế dự phòng, mặc dù số ca mắc giảm rất mạnh, nhưng diễn biến bệnh nặng lại có nhiều và đã có 1 trường hợp đầu tiên trong tỉnh tử vong. Báo cáo tại tuần 27 (1- 7/7/2013), có 18 ca mắc SXH trên toàn địa bàn.
Số mắc SXH tuần 27 tăng 63% (11 ca) so tuần trước đó nhưng lại giảm đến 67% so cùng kỳ 2012 (56 ca). Cộng dồn từ đầu năm đến hiện tại có 415 ca SXH trên toàn tỉnh. Trong đó có 382 ca SXH Dengue và SXH Dengue dấu hiệu cảnh báo, 33 ca SXH Dengue nặng và có 1 ca tử vong đã nêu trên.
Bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Năm- Phó Giám đốc, quyền Trưởng Khoa Nhi, BVĐK tỉnh Vĩnh Long- cho hay, trước diễn biến khá phức tạp của SXH và TCM, phụ huynh cần rất cẩn trọng theo dõi trẻ nhỏ, nếu trẻ có biểu hiện sốt cao hãy đến cơ sở y tế để khám, chẩn đoán, điều trị kịp thời. Tránh nghĩ vì sốt thông thường rồi tự đi điều trị, nhằm hạn chế thấp nhất bệnh chuyển sang sốc nặng mới nhập viện, dẫn đến điều trị không kịp.
Với TCM, vẫn các khuyến cáo quen thuộc nhưng không thừa của ngành y tế, là phụ huynh cần giữ gìn vệ sinh cho trẻ, cho trẻ và người tiếp xúc trẻ rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, giữ vệ sinh đồ dùng vật dụng sinh hoạt, hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân TCM để tránh lây nhiễm...
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin