Theo chỉ đạo của ngành y tế, công tác phòng chống bệnh cúm A (H1N1, H5N1,...) phải xuyên suốt và đặt lên hàng đầu để giảm số ca mắc mới và hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng. Ngày 4/7/2013, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long– bác sĩ Huỳnh Thanh Tân (ảnh) trao đổi thêm với phóng viên Báo Vĩnh Long về vấn đề này.
Theo chỉ đạo của ngành y tế, công tác phòng chống bệnh cúm A (H1N1, H5N1,...) phải xuyên suốt và đặt lên hàng đầu để giảm số ca mắc mới và hạn chế tối đa sự lây lan trong cộng đồng.
Ngày 4/7/2013, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long– bác sĩ Huỳnh Thanh Tân (ảnh) trao đổi thêm với phóng viên Báo Vĩnh Long về vấn đề này.
Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân cho biết, y tế dự phòng tỉnh đang tăng cường các hoạt động phòng chống cúm A/H1N1 bằng việc củng cố đội chống dịch cơ động từ tỉnh đến cơ sở, tổ chức trực chống dịch 24/24.
Tập huấn giám sát dịch tễ và quy trình điều tra xử lý dịch cho cán bộ y tế hệ dự phòng, đặc biệt là đội chống dịch cơ động. Tăng cường hệ thống giám sát, phát hiện sớm và xử lý kịp thời các trường hợp mắc mới cũng như ổ dịch cúm. Kết hợp cơ sở y tế tăng cường giám sát phát hiện sớm trường hợp nhiễm cúm, cách ly kịp thời tránh lây lan thành dịch.
Dự trù, phân bổ thiết bị, hóa chất, thuốc men cho các địa phương dự phòng, sử dụng khi có dịch xảy ra. Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu, thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng theo khuyến cáo ngành y tế...
Thống kê của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, những tháng đầu năm 2013, khu vực phía Nam có 23 trường hợp cúm A/H1N1, trong đó có 8 trường hợp tử vong. Riêng tỉnh Vĩnh Long đã ghi nhận 4 trường hợp dương tính với virus cúm A/H1N1 và 2 ca trong số đó tử vong. Không có trường hợp nào nhiễm cúm A/H5N1.
*Ông có thể thông tin thêm về đặc điểm, diễn biến đường lây truyền của cúm A/H1N1 như thế nào, triệu chứng ra sao?
- Cúm A/H1N1 là một bệnh truyền nhiễm lây từ người sang người qua đường hô hấp. Bệnh có thể lây trực tiếp từ người bệnh sang người lành qua dịch tiết đường hô hấp của người bệnh khi ho, hắt hơi và có thể lây gián tiếp qua những đồ dùng vật dụng sinh hoạt nơi công cộng hoặc trong nhà khi bị dính dịch tiết đường hô hấp của người bệnh.
Bệnh cúm A/H1N1 có khả năng lây nhiễm cao, có thể gây thành dịch lớn ở những khu dân cư đông.
Triệu chứng của cúm A/H1N1 này cũng giống như cúm mùa thông thường. Người bị nhiễm bệnh thường có những biểu hiện như: sốt cao đột ngột thường trên 380C có thể kèm theo ớn lạnh hoặc rét run, mệt mỏi, đau cơ khắp thân mình cùng với sổ mũi, ho, đau họng. Nếu có nhức đầu thì thường đau nhức nhiều ở vùng trán và nhãn cầu.
* Có nhiều người lầm tưởng giữa cúm A với cúm mùa thông thường và đinh ninh sẽ khỏi bệnh khi mua thuốc uống, ông cho biết phải làm thế nào?
- Bệnh cúm có thể dẫn đến những trường hợp nặng hơn, nhất là đối với những người có bệnh lý mãn tính về đường hô hấp, bệnh lý tim mạch, bệnh lý suy giảm miễn dịch,...
Cũng bởi có triệu chứng giống như cúm mùa, nên khi người dân nghi ngờ mắc bệnh cúm A nên đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị, đồng thời cũng được bác sĩ tư vấn cách phòng chống lây nhiễm cho người thân trong gia đình.
Phun xịt hóa chất phòng chống cúm A. Ảnh: CÔNG PHÚC (Bình Tân)
* Người dân cần phải làm gì để tự “dự phòng”, tự bảo vệ mình trước bệnh cúm A/H1N1?
- Quan trọng nhất là người dân cần biết diễn biến bệnh cúm lây truyền như thế nào để có cách phòng chống hiệu quả.
Do là bệnh lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và dịch tiết từ đường hô hấp, nên người dân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ và khuyến cáo ngành y tế.
Đó là các biện pháp cần thực hiện thường xuyên liên tục: rửa tay kỹ bằng xà phòng, tránh chùi tay lên mắt, mũi, miệng; mang khẩu trang khi bị bệnh hoặc đến nơi đông người; hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính; có thể sử dụng dung dịch sát khuẩn mắt, mũi, họng.
Với môi trường sinh hoạt xung quanh, sẽ không thừa khi người dân ý thức lau chùi nền nhà, làm sạch bề mặt vật dụng, đảm bảo nhà cửa sạch sẽ, thoáng đãng. Đối với bản thân, việc ăn uống, nghỉ ngơi, thể dục tăng cường sức đề kháng bảo vệ cơ thể.
Khi có biểu hiện của hội chứng cúm, người dân đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, cách ly và điều trị kịp thời. Cuối cùng là sử dụng vaccine để phòng bệnh nói chung. Ngành y tế cho rằng đây là biện pháp chủ động phòng chống bệnh dễ thực hiện và hiệu quả nhất hiện nay.
* Xin cảm ơn bác sĩ!
Theo ngành chuyên môn, một mũi vaccine ngừa cúm hoặc các bệnh truyền nhiễm sốt xuất huyết, thủy đậu,... hiện nay từ vài chục đến hơn 200 ngàn đồng. Làm tốt tiêm ngừa sẽ giúp phòng bệnh hiệu quả, thiết thực trên nhiều mặt. Các bác sĩ dẫn chứng, như một người mắc một trong số các bệnh truyền nhiễm nói trên, sẽ kéo theo nhiều lo toan cả tinh thần lẫn vật chất, học hành công việc,... Nhất là khoản chi phí lớn, vài triệu đến hàng chục triệu đồng để điều trị khi bệnh chuyển sang nặng và không loại trừ nguy cơ diễn biến bệnh sẽ đi đến tình huống xấu. |
MINH THÁI (thực hiện)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin