Theo các bác sĩ chuyên môn, tầm soát tốt trong cộng đồng để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết và điều trị kịp thời, dù bệnh diễn biến phức tạp, cũng sẽ mau khỏi bệnh, hạn chế tối đa bệnh chuyển độ nặng...
Một ca sốt xuất huyết chuẩn bị xuất viện tại BVĐK tỉnh (ảnh chụp chiều ngày 11/6).
Theo các bác sĩ chuyên môn, tầm soát tốt trong cộng đồng để phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết và điều trị kịp thời, dù bệnh diễn biến phức tạp, cũng sẽ mau khỏi bệnh, hạn chế tối đa bệnh chuyển độ nặng...
Bệnh sốt xuất huyết đã giảm
Chiều ngày 11/6/2013, ngồi quạt cho con gái Như Ý (8 tuổi) tại phòng số 2 Khoa Nhi– Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, chị Nguyễn Thị Kiều (xã Hòa Thạnh- Tam Bình) nói sau 3 ngày cháu bị sốt cao đưa ra trạm y tế xã khám lấy thuốc uống không khỏi, nên sáng thứ 7 (8/6) liền đưa cháu lên bệnh viện tỉnh: “Các bác sĩ khám, chẩn đoán cháu bị bệnh sốt xuất huyết”.
“Nay thì cháu đã hết sốt rồi, nhưng vẫn còn ho, nên bác sĩ chưa cho về. Chắc bác sĩ để ở lại theo dõi cho khỏi bệnh hẳn”, chị Kiều phỏng đoán.
Nằm cùng phòng Như Ý là cháu Hoàng Minh (hơn 11 tháng tuổi) con chị Dương Thị Hướng Dương (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) cũng nhập viện từ sáng 10/6.
“Từ quê ngoại ở Đồng Tháp về, cháu bị sốt cao, nhà tui ghé phòng mạch tư khám lấy thuốc uống, cháu vẫn không hết. Tới Vĩnh Long đưa cháu vào nhập viện luôn”- chị Dương kể. Đến chiều 11/6, chị Dương nói cháu Minh đã đỡ sốt. Do mới uống thuốc nên cháu đang nằm ngủ mê man bên cánh quạt của mẹ.
Đây là 2 ca trong hàng chục ca sốt xuất huyết đã được người nhà “thấy trẻ nóng sốt quá nên đưa vào viện”, đã và đang điều trị tại Khoa Nhi. Bác sĩ chuyên khoa II Phan Văn Năm– Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long, Q. Trưởng Khoa Nhi– cho biết: Từ đầu năm đến nay, bệnh viện tỉnh tiếp nhận 171 bệnh nhi sốt xuất huyết nhập viện điều trị nội trú.
Theo bác sĩ, tuy số ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị giảm mạnh so cùng thời điểm 2012 (với 616 ca), nhưng số ca mắc ở độ phức tạp, sốc, xuất huyết tiêu hóa chiếm 30% trong tổng số. “Tuy nhiên bệnh viện đã điều trị thành công và đa phần đã xuất viện”.
Thống kê đến tuần 22 (27/5- 2/6) của Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long: Trong tuần số mắc sốt xuất huyết giảm 28% so tuần trước (14 ca) và giảm 64% so cùng kỳ 2012 (28 ca). TP Vĩnh Long, Vũng Liêm, Tam Bình là các địa phương có số mắc bệnh này cao.
Tổng số ca mắc sốt xuất huyết cộng dồn từ đầu năm đến ngày 2/6/2013 là 351 ca. Riêng trong tháng 5/2013, toàn tỉnh ghi nhận có tổng số 35 ca mắc sốt xuất huyết. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân– Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long: “Diễn biến số ca mắc sốt xuất huyết đến hiện tại giảm mạnh so cùng kỳ 2012”.
Nhận diện sớm, điều trị ngay
Do mới mùa mưa, số ca mắc sốt xuất huyết dù ít, nhưng diễn biến bệnh nặng lại khá nhiều, phụ huynh phải cẩn trọng.
“Phát hiện sớm để điều trị kịp thời. Vấn đề này cần “nhịp nhàng” giữa ý thức của người dân và khâu điều trị của bệnh viện”- bác sĩ Phan Văn Năm nói. Theo bác sĩ, một khi tầm soát trong cộng đồng để phát hiện sớm sốt xuất huyết, thì khả năng điều trị (dù bệnh diễn biến sốc hoặc sốc nặng) thành công cao hơn và ngược lại...
Bác sĩ Phan Văn Năm cho rằng, người dân có con nhỏ bị sốt kéo dài 2- 3 ngày mà không tìm được nguyên nhân bệnh, thì hãy nghĩ ngay đến sốt xuất huyết mà đưa trẻ đi khám. Khi chẩn đoán trẻ bị sốt xuất huyết thì cần phải theo dõi sát, phát hiện can thiệp kịp thời khi bệnh chuyển sang độ nặng và điều trị theo phác đồ Bộ Y tế.
BVĐK tỉnh Vĩnh Long cho hay luôn sẵn sàng trang thiết bị, phương tiện chẩn đoán, thuốc men, dịch truyền, các kỹ thuật cao để kịp thời điều trị bệnh sốt xuất huyết.
Giải thích sự giảm mạnh số ca mắc và đến điều trị nội trú bệnh lý này đến hiện tại, theo bệnh viện tỉnh thường thì chu kỳ 2-3 năm sẽ xuất hiện một trận “đỉnh” dịch. Năm 2012 ghi nhận tổng số ca sốt xuất huyết cả tỉnh chiếm cao và có 2 trường hợp tử vong.
Chủ động triển khai các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết, bác sĩ Huỳnh Thanh Tân thông tin thêm:
“Chúng tôi luôn tăng cường giám sát, phát hiện sớm bệnh truyền nhiễm này, nhất là vào mùa mưa, ở những địa phương có nguy cơ xuất hiện ổ dịch để kịp thời xử lý, không để dịch xảy ra. Ngành y tế tổ chức diệt lăng quăng, phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng ở các địa bàn, mục đích hạ thấp mật độ côn trùng, ngăn chặn lây lan mầm bệnh”.
Theo bác sĩ Huỳnh Thanh Tân, mùa mưa– mùa bệnh sốt xuất huyết– người dân cần phải đảm bảo vệ sinh môi trường sinh hoạt và chăm sóc kỹ trẻ nhỏ.
Diệt muỗi (nhang muỗi, thuốc, vợt), diệt lăng quăng (xúc rửa, thả cá, đậy kín dụng cụ chứa nước), vệ sinh nhà cửa, lật úp đổ bỏ các dụng cụ chứa nước linh tinh,... là các biện pháp được y tế dự phòng khuyến cáo, dễ làm. Muỗi vằn là nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết. Muỗi vằn hoạt động vào ban ngày, mà ban ngày người dân hay lơ là, vì thế khi cho trẻ ngủ cần mắc màn, mặc áo dài tay...
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin