Có nhiều lý do cánh đàn ông “muốn bỏ thuốc lá mà không được” như: khó từ chối khi bạn bè, đối tác mời; đôi khi cũng cần “ghịt” một hơi thuốc cho… tỉnh táo hoặc “hút điếu thuốc cho “thơm miệng” sau khi ăn”,... Cũng có xuất hiện một số “tác dụng không mong muốn” là sau khi ngưng hút thuốc lá, một số người lại lên cân, tăng huyết áp, tăng đường huyết,... Bất luận các rắc rối đã
Có nhiều lý do cánh đàn ông “muốn bỏ thuốc lá mà không được” như: khó từ chối khi bạn bè, đối tác mời; đôi khi cũng cần “ghịt” một hơi thuốc cho… tỉnh táo hoặc “hút điếu thuốc cho “thơm miệng” sau khi ăn”,... Cũng có xuất hiện một số “tác dụng không mong muốn” là sau khi ngưng hút thuốc lá, một số người lại lên cân, tăng huyết áp, tăng đường huyết,...
Bất luận các rắc rối đã nêu, y học luôn khuyến cáo giới mày râu bỏ thuốc lá để tránh tác hại cho phổi, tim mạch và nhiều bệnh ung thư...
Hút thuốc lá: thói quen khó bỏ
Anh Nguyễn Việt H. (32 tuổi- ngụ huyện Trà Ôn) có 2 con nhỏ. Một cháu học lớp 5, một cháu tròn 1 tuổi. Công việc của anh là mua bán hàng xáo, tối ngày rong ruổi, lại luôn suy tính nên… “cà phê, thuốc lá không lúc nào ngơi”. Có hôm đi từ sáng tới xế trưa hay tối mới về nhà, cà phê ngày đôi ba ly là thường, thuốc lá hơn nửa gói hoặc gần gói là “chuyện nhỏ”.
Với nhiều người, bỏ hút thuốc lá là chuyện cực kỳ nan giải.
|
“Cũng chẳng phải tui hút hết bao nhiêu đó trong ngày, cũng có mời bạn bè, mối lái, nhưng hễ cứ rong ruổi nhiều và mua bán nhiều là y như ngày nào cũng vậy”- anh H. chia sẻ. “Biết là hút thuốc tổn hại sức khỏe đủ thứ đấy, đôi khi mình có ý định bỏ thuốc lắm chứ, nhưng… không được”- anh H. nói tiếp.
Cũng có thói quen hút thuốc lá như anh H. là anh Trần Thanh T. (34 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long). Hiện là công chức viên chức, anh T. cho biết “làm quen” với khói thuốc lá từ thời sinh viên. Ban đầu cũng rụt rè, lâu rồi “quấn quyện” nhau và... giờ khó bỏ được.
Anh H. và anh T. là 2 trong hàng triệu đàn ông thanh niên có thói quen hút thuốc lá hiện nay mà các báo cáo y tế đã ghi nhận tại Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân để cánh mày râu hút thuốc lá và cũng không ít nguyên nhân làm cho họ khó bỏ thuốc lá được.
Trong 2 hoàn cảnh vừa kể, cả 2 đều đã có ý “muốn bỏ thuốc lá” tương tự nhau sau một thời gian dài hút thuốc. Và lại có chung một điều là... không bỏ được. Anh T. kể, có lúc anh bỏ thuốc lá được 2 tháng, sau đó đi đám tiệc, bạn bè, anh mon men hút lại và “hút còn nhiều hơn trước”.
Với anh H., có lần muốn bỏ tiệt bởi “lúc hút thuốc nhiều là khô cổ họng, nóng hắt người”, nhưng rồi cũng chưa bỏ được.
Hút thuốc lá trong môi trường bệnh viện gây phiền hà, ảnh hưởng đến sức khỏe những người xung quanh.
|
Sẽ dễ nhận thấy, ngoài gia đình, môi trường bệnh viện và một số công sở vẫn còn hiện tượng người dân, công chức tranh thủ “phì phà” điếu thuốc lá để lấy tinh thần, đỡ buồn ngủ, giết thời gian hay thêm chút tỉnh táo tiếp tục công việc.
Ngoài ảnh hưởng sức khỏe của họ là đương nhiên, khói thuốc họ phả ra còn ảnh hưởng nhiều đến những người xung quanh...
Đưa luật “siết” thuốc lá!
Theo ngành y tế, thuốc lá có hơn 7.000 hóa chất độc hại, trong đó có 70 chất gây ung thư cho người hút và hít khói thuốc thụ động. Hút thuốc lá là nguyên nhân của nhiều căn bệnh nguy hiểm, trong đó có các bệnh ung thư.
Tại Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới ước tính mỗi năm có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan tới thuốc lá và số này được dự báo sẽ tăng lên 70.000 người vào năm 2030 nếu như không có các biện pháp cần thiết ngăn chặn tỷ lệ hút thuốc lá.
Với anh H., anh T., việc những người thân, đồng nghiệp xung quanh, khỏi phải nói cũng ít nhiều bị ảnh hưởng đến khói thuốc lá. Và đó không là số ít trường hợp để khó nhận ra.
Tại hội nghị triển khai Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá và Chiến lược quốc gia Phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho biết, Việt Nam là một trong 15 quốc gia có tỷ lệ người hút thuốc cao nhất thế giới, đặc biệt là nam giới, cứ 2 nam giới trưởng thành có 1 người hút thuốc lá.
Đáng lo ngại hơn, thống kê có gần 8 triệu người Việt Nam thường xuyên phải hít khói thuốc lá thụ động tại nơi làm việc, khoảng 47 triệu người thường tiếp xúc với khói thuốc là tại nhà.
Theo các nghiên cứu y khoa, nguy cơ tử vong của người hút thuốc lá cao hơn từ 2,5- 10 lần so với người không hút thuốc lá, người hít phải khói thuốc lá thụ động nguy cơ bị ung thư phổi cao hơn 26% so với người không hít khói thuốc lá.
Để giảm thiểu tác hại của việc sử dụng thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế- xã hội, môi trường, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá đã có hiệu lực từ 1/5/2013.
Ngoài quy định kiểm soát nguồn cung, các biện pháp làm giảm nhu cầu sử dụng, xử phạt, xử lý vi phạm,... còn một số điểm quan trọng là quy định địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn (bệnh viện, trường học) và địa điểm được hút thuốc lá, cấm bán và sử dụng thuốc lá đối với người dưới 18 tuổi, quy định trách nhiệm người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá,...
Sau khi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá có hiệu lực thực thi hành từ ngày 1/5/2013, Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá cũng diễn ra từ ngày 25/5- 31/5 và triển khai Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5. Chiến lược quốc gia phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2020 đặt ra mục tiêu lớn nhất là làm giảm nhu cầu sử dụng và từng bước kiểm soát, giảm mức cung cấp các sản phẩm thuốc lá tiêu thụ tại Việt Nam, làm giảm nguy cơ bệnh tật và tử vong do thuốc lá gây ra...
|
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin