Ðối phó thách thức của bệnh cúm

06:05, 09/05/2013

Diễn biến của bệnh cúm trong thời gian qua là không có gì bất thường, nhưng sẽ phức tạp trong thời gian tới do những diễn biến về tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới.


Bác sĩ điều trị cho người bệnh mắc cúm A (H1N1) tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư.

Diễn biến của bệnh cúm trong thời gian qua là không có gì bất thường, nhưng sẽ phức tạp trong thời gian tới do những diễn biến về tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới.

Với sự xuất hiện các chủng vi-rút cúm mới cũng như sự thay đổi chủng thường xuyên qua các năm thì xu hướng sử dụng vắc-xin là một biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hằng năm trên thế giới ghi nhận khoảng năm triệu trường hợp mắc cúm nặng và có từ 250 nghìn đến 500 nghìn trường hợp chết. Các vi-rút cúm A và B là nguyên nhân gây nên các vụ dịch nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính ở người, dịch thường xảy ra vào mùa lạnh và gây các ca bệnh tản phát vào các mùa khác.

Các chủng vi-rút cúm A được xác định bởi các kháng nguyên ngưng kết H và kháng nguyên trung hòa N. Các chủng vi-rút cúm lưu hành trên người trên thế giới thời gian qua là  A(H1N1) (trước năm 2009) hay A(H1N1pdm09) (sau năm 2009); A(H3N2); B.
 
Bên cạnh cúm mùa, con người còn nhiễm các vi-rút cúm gia cầm, bao gồm cúm A/H5, H7, H9, và vi-rút cúm của động vật. Việt Nam là nước đứng thứ ba trên thế giới có số mắc và chết do cúm A(H5N1) cao nhất. 

Kết quả giám sát cúm ở Việt Nam cũng cho thấy các chủng vi-rút lưu hành trên người trong thời gian qua là A(H1N1) (trước 2009) hay A(H1N1pdm09) (sau 2009); A(H3N2); B.

Theo thời gian có sự lưu hành luân phiên của các chủng vi-rút cúm. Chủng vi-rút cúm A(H1N1pdm09) lưu hành và tăng cao chủ yếu trong các năm 2009, 2011 và đầu năm 2013, rất thấp vào các năm 2010 và 2012. Trong năm 2013 đã ghi nhận một số vụ dịch cúm nhỏ do A(H1N1pdm09) ở Quảng Ninh, Yên Bái và Lào Cai.

Kết quả giám sát cúm trong thời điểm tháng 4- 2013 cho thấy tỷ lệ người bệnh có hội chứng cúm dương tính với vi-rút cúm là 24,1%; trong số người dương tính thì cúm A(H1N1pdm09) chiếm tỷ lệ 60,5%.

Qua theo dõi sự lưu hành của các chủng vi-rút cúm ở Việt Nam , thì sự gia tăng trở lại của chủng cúm  A(H1N1pdm09) là theo chu kỳ như các chủng vi-rút cúm mùa khác. Tỷ lệ tử vong của cúm A(H1N1pdm09) trong những người bệnh nhập viện ở Việt Nam là 0,41%. Kết quả giám sát vi-rút cúm của các trường hợp chết vừa qua của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư không phát hiện các đột biến liên quan đến khả năng gây tiến triển nặng hoặc chết.

Nhìn chung, diễn biến cúm trong thời gian qua là không có gì bất thường. Tuy nhiên, trong thời gian tới, diễn biến về tình hình dịch cúm ở Việt Nam sẽ rất phức tạp.
 
Chúng ta đang đứng trước một thách thức rất lớn là bên cạnh sự lưu hành của các chủng vi-rút cúm nêu trên, là sự lưu hành vi-rút cúm A(H5N1) ở gia cầm, và nguy cơ xâm nhập của vi-rút cúm gia cầm A(H7N9). Ðối với cúm A(H7N9), khó khăn nhất hiện nay là chưa biết rõ về nguồn lây và phương thức lây truyền của bệnh này.

Ðiều mà người ta lo ngại nhất là sự tiếp tục biến đổi về mặt di truyền của vi-rút trong quá trình lưu hành. Các vi-rút cúm gia cầm có đặc tính biến đổi nhanh về đặc điểm di truyền và kháng nguyên; có sự giao thoa của nhiều gien khác nhau của các chủng vi-rút cúm gia cầm; có khả năng gây nhiễm các động vật khác và người, tạo điều kiện cho sự trộn lẫn và tái tổ hợp hình thành các chủng vi-rút mới có độc lực cao và có khả năng lây truyền từ người sang người và có thể gây ra đại dịch. 

Người nhiễm các vi-rút cúm mùa và cúm gia cầm H5N1 và H7N9 có những dấu hiệu bệnh cơ bản giống nhau ở giai đoạn đầu, với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và  ho. Tuy nhiên tùy độc lực khác nhau của từng tác nhân gây bệnh, và tùy theo cơ địa của người bị nhiễm cúm,  thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn như sốt cao, khó thở, viêm phế quản, viêm phổi, suy đa phủ tạng... có thể dẫn đến tử vong.

Chỉ có thể phân biệt được các căn nguyên vi-rút khác nhau chính xác bằng các xét nghiệm sinh học phân
tử và phân lập vi-rút. Ðến nay, Việt Nam chưa phát hiện nhiễm vi-rút H7N9 cả ở trên gia cầm và trên người.

Ðể phòng, chống dịch bệnh mới này, ngành y tế cần tăng  cường thực hiện các chiến lược đã đề ra: Tập huấn cho cán bộ y tế và ban hành các hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán, điều trị, giám sát và phòng, chống dịch; tăng cường giám sát, điều tra dịch tễ học ca bệnh và theo dõi, giám sát người tiếp xúc với người bệnh; tăng cường truyền thông về nguy cơ và phòng, chống dịch bệnh...

Người dân cũng cần chủ động áp dụng các biện pháp dự phòng lây truyền bệnh từ gia cầm, thực hiện tốt các khuyến cáo của cơ quan chuyên môn, từ chăn nuôi gia cầm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đến rửa tay thường xuyên... khi bị ho, sốt cao, khó thở phải đến ngay cơ sở y tế để khám, phát hiện và điều trị kịp thời.

Các kết quả xét nghiệm cho thấy vi-rút cúm A(H5N1), A(H7N9) vẫn nhạy cảm với các thuốc ức chế men neuramidaza (oseltamivir và zanamivir). Ðiều quan trọng là người bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt.

Các vắc-xin phòng bệnh cúm mùa hiện nay là an toàn và có hiệu quả trong dự phòng, giảm tỷ lệ mắc và chết do bệnh cúm.  Thành phần của vắc-xin cúm được xem xét và thay đổi hằng năm để bảo đảm hiệu quả dự phòng các chủng vi-rút cúm đang lưu hành ở các khu vực trên thế giới.

Việc thay đổi thành phần của vắc-xin dựa trên kết quả giám sát vi-rút cúm. WHO đã có khuyến cáo thành phần của vắc-xin cúm mùa 2013-2014 nhưng không có miễn dịch

chéo giữa các vắc-xin cúm mùa và cúm gia cầm A(H5N1) và A(H7N9). Các vắc-xin cúm bao gồm vắc-xin cúm bất hoạt (dùng tiêm bắp) và vắc-xin cúm sống giảm độc lực (dùng theo đường phun vào mũi). Vắc-xin cúm bất hoạt có thêm tá chất hoặc tăng nồng độ kháng nguyên chủ yếu được dùng ở người cao tuổi, trẻ em từ sáu đến 24 tháng tuổi và phụ nữ mang thai.
 
Ở một số nước còn sử dụng vắc-xin cúm bất hoạt theo đường tiêm trong da. Gần đây người ta đã phát triển vắc-xin cúm sống giảm độc lực có chứa kháng nguyên của bốn chủng vi-rút (hai chủng A và hai chủng B). 

Những nhóm người từ hai đến 49 tuổi có thể sử dụng vắc-xin cúm bất hoạt hay vắc-xin cúm sống giảm độc lực. Nếu các vắc-xin cúm hoàn toàn phù hợp với các chủng vi-rút cúm đang lưu hành thì hiệu quả dự phòng cho người dưới 65 tuổi là từ 70 đến 90%, trái lại hiệu quả bảo vệ thấp hơn ở người trên 65 tuổi và người mắc bệnh mãn tính. 

Hiện các công ty vắc-xin ở Việt Nam cũng đang nghiên cứu phát triển và sản xuất vắc-xin cúm mùa và vắc-xin cúm A(H5N1) với các công nghệ khác nhau. Ðể chế tạo vắc-xin phòng vi-rút cúm đại dịch mới, thí dụ vắc-xin phòng cúm A(H7N9), về lý thuyết, phải mất khoảng sáu tháng, vì nó phải trải qua nhiều công đoạn, và mỗi công đoạn đỏi hỏi phải có thời gian nhất định.

Thời gian qua, Công ty Vắc-xin và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) đã tiến hành nghiên cứu phát triển vắc-xin cúm A(H5N1), đã tạo ra chủng vi-rút sản xuất vắc-xin phòng cúm A(H5N1) bằng kỹ thuật di truyền ngược, sau đó cấy truyền và  thích ứng được trên tế bào thận khỉ tiên phát với hiệu giá cao, bảo đảm cho sản xuất vắc-xin sau này có hiệu quả.

Công nghệ này khác biệt hẳn với công nghệ sản xuất truyền thống sản xuất trên trứng gà có phôi. Vắc-xin cúm A(H5N1) đã trải qua ba giai đoạn thử nghiệm lâm sàng trên người và đang chuẩn bị nghiệm thu.

Kết quả cho thấy vắc-xin an toàn, không gây ra các phản ứng không mong muốn trầm trọng, tạo đáp ứng miễn dịch tốt ở các đối tượng được tiêm. Quy trình sản xuất vắc-xin này cũng sẽ được ứng dụng để triển khai sản xuất nhanh các vắc-xin dự phòng các chủng vi-rút cúm gia cầm khác, qua đó Việt Nam có thể chủ động, kịp thời hơn trong phòng, chống các dịch cúm trong tương lai.

GS, TS NGUYỄN TRẦN HIỂN

Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư

Theo NDĐT

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh