Bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, dù số lượng không nhiều, nhưng lượng người ăn rất đông. Nếu để mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hay tình huống xấu hơn là ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, thì nguy cơ sẽ khó kiểm soát.
Bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp, trường học, bệnh viện, dù số lượng không nhiều, nhưng lượng người ăn rất đông. Nếu để mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) hay tình huống xấu hơn là ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn tập thể, thì nguy cơ sẽ khó kiểm soát.
Trên tổng thể, bếp ăn tập thể vẫn được đánh giá “chuẩn” vệ sinh hơn so các loại hình ăn uống khác do phục vụ các đối tượng đặc thù.
Bếp ăn theo chuẩn mới: “đuối”
Sáng 7/5/2013, đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP tỉnh có mặt tại Trường Tiểu học thị trấn Trà Ôn. Tại khu nhà ăn, nhân viên đang chuẩn bị bữa cơm trưa cho khoảng 400 học sinh bán trú có ăn trưa của trường. Cô Lý Thị Kiều– Phó hiệu trưởng nói, trường nấu ăn cho trẻ học bán trú khoảng 6 năm học qua.
Nhiều hợp đồng, giấy chứng nhận, cam kết của trường với cơ sở cung cấp thực phẩm, giấy chứng nhận tập huấn VSATTP của nhân viên nấu ăn, y tế và cả lãnh đạo phụ trách bếp ăn tập thể này được đưa ra, hợp lệ.
Tuy nhiên, kiểm tra tại khu vực chế biến thức ăn, vẫn có trường hợp nhân viên nấu ăn “người đeo găng tay nhưng không đeo khẩu trang, người đeo khẩu trang nhưng quên mang mũ che đầu,...”. Sau nhắc nhở của đoàn, nhân viên đều đưa ra được những vật dụng này, kèm lý do “hợp lý”, rồi mới đeo vào.
Bếp ăn tập thể vẫn còn tiềm ẩn nguy cơ chưa đảm bảo vệ sinh, do cả khách quan lẫn chủ quan.
Cũng tại một trường có bếp ăn tập thể, qua test (kiểm tra) một số khay đựng cơm và thức ăn, kết quả vẫn chưa đảm bảo vệ sinh tuyệt đối.
Cùng thời điểm trên, tại Trường Mầm non Ánh Dương cùng ở thị trấn Trà Ôn, bữa trưa của trẻ cũng được chuẩn bị sẵn trên bàn, để dọc theo hành lang và trong các lớp học. Ý kiến của đoàn kiểm tra là nên cho trẻ ngồi sẵn và khi đem cơm, thức ăn ra thì ăn ngay. Đoàn cũng lưu ý, giày dép và các vật dụng làm vệ sinh nên để xa nơi các cháu ăn.
Đại diện một số trường học được kiểm tra về VSATTP của bếp ăn tập thể cho biết, vẫn chưa thể xây dựng bếp ăn một chiều, có che chắn toàn bộ theo quy định mới của Bộ Y tế. Nhất là trong điều kiện nhiều trường, kinh phí để tổ chức một bếp ăn đa phần do đóng góp xã hội hóa, và chuyện để xây một bếp ăn tập thể đúng quy định là điều... hơi bị khó.
Cô Nguyễn Thị Hoài Nhân– Hiệu trưởng Trường Mầm non Ánh Dương– cho biết trường cũng như nhiều trường mầm non khác, thường tổ chức cho trẻ ăn bên hành lang và trong các lớp học. Rất khó để đảm bảo yêu cầu về nhà ăn riêng biệt. Với 450 trẻ các khối lớp có ăn trưa tại trường hiện nay cũng là một “áp lực”.
Cũng theo cô Nhân, sắp tới khi Trường Mẫu giáo Măng Non cùng địa bàn gộp lại với trường, lượng trẻ tăng lên, nhu cầu một bếp ăn tập thể và nhà ăn đúng quy chuẩn để phục vụ cho trẻ càng bức thiết.
Giám sát sâu sát
Tỉnh Vĩnh Long hiện có 1.972 cơ sở sản xuất, chế biến và trên 4.800 cơ sở kinh doanh thực phẩm; khoảng 4.700 cơ sở dịch vụ ăn uống và 116 bếp ăn tập thể. Ngoài ra còn các bếp ăn ở nhà hàng, quán bình dân.
Trong 116 bếp ăn tập thể, có 10 bếp ăn tại khu công nghiệp, 78 bếp ăn trường học, 4 bếp ăn bệnh viện, 24 bếp ăn tại các cơ quan xí nghiệp. Tại các bếp ăn tập thể, yêu cầu đảm bảo VSATTP được đặt lên hàng đầu, bởi lượng người ăn thường đông, đa dạng đối tượng, đặc thù công việc,...
Với số lượng không nhiều, đối tượng phục vụ “nhạy cảm”, trong môi trường quy củ, nên nói gì thì nói, bếp ăn tập thể vẫn là nơi được đánh giá “chuẩn” về vệ sinh hơn những loại hình kinh doanh ăn uống khác.
Chuẩn bị một bữa trưa cho trẻ ở trường mầm non.
Ông Nguyễn Thành Bảnh– Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP Vĩnh Long, cho biết: Bếp ăn tập thể rất quan trọng. Để mất vệ sinh hay lỡ xảy ra ngộ độc thực phẩm sẽ dẫn đến khó kiểm soát.
Tháng hành động vì chất lượng VSATTP năm 2013 với chủ đề “An toàn thực phẩm bếp ăn tập thể”, mọi công tác kiểm tra giám sát, chấn chỉnh, xử lý đảm bảo VSATTP tại bếp ăn tập thể của cơ quan, đơn vị, trường học được đặt lên hàng đầu.
Ông Đặng Minh Dũng- Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP cho biết thêm, thời gian qua đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh luôn thực hiện kiểm tra, giám sát sâu sát cơ sở chế biến, bếp ăn tập thể; trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm chưa có. Theo đơn vị này, hầu hết các vụ ngộ độc thực phẩm đều xảy ra với thức ăn đường phố, buôn bán nhỏ lẻ.
Đại diện BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh Vĩnh Long cho rằng: “Chi tiết nào vi phạm bây giờ cũng có khung phạt cả”. Ví dụ: nón che đầu, găng tay và khẩu trang, cả 3 thứ này có trang bị đầy đủ trong một bếp ăn tập thể; nhưng nhân viên không đeo hoặc đeo thiếu thì cũng xử phạt.
Tại các buổi làm việc với BCĐ liên ngành VSATTP các địa phương và qua thực tế kiểm tra các bếp ăn tập thể, BCĐ liên ngành VSATTP tỉnh lưu ý công tác xử phạt cần phải “mạnh tay” hơn với cơ sở vi phạm.
Bên cạnh đó là tập huấn về VSATTP thường xuyên; cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ ăn uống kịp thời; tăng cường tuyên truyền, kiểm tra giám sát, xử lý vi phạm, đảm bảo chất lượng VSATTP không chỉ trong tháng cao điểm mà suốt cả năm.
Ngay cả việc lưu mẫu và hủy mẫu với các yêu cầu về tên thức ăn, người ghi, ngày giờ ghi và thời gian hủy mẫu,... cũng trở nên nhiêu khê đối với nhân viên nấu ăn, bảo mẫu, nhân viên y tế trường học. Trong khi quy định phải ghi đúng, chính xác đầy đủ các thông tin ngay sau mỗi bữa ăn.
|
Bài, ảnh: AN DĨ HIÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin