"Lúc đầu, thấy con nói chuyện ngọng nghịu vui vui nên cả nhà hay nhại lại. Lâu dần thằng bé hình thành thói quen khó sửa. Bây giờ tôi lo lắng, không biết làm thế nào để chữa tật nói ngọng cho con?"- Tâm sự trên của chị Nguyễn Thanh Thúy (ở huyện Thới Lai) cũng là nỗi lo chung của nhiều chị em có con nhỏ đang trong giai đoạn hình thành khả năng ngôn ngữ.
"Lúc đầu, thấy con nói chuyện ngọng nghịu vui vui nên cả nhà hay nhại lại. Lâu dần thằng bé hình thành thói quen khó sửa. Bây giờ tôi lo lắng, không biết làm thế nào để chữa tật nói ngọng cho con?"- Tâm sự trên của chị Nguyễn Thanh Thúy (ở huyện Thới Lai) cũng là nỗi lo chung của nhiều chị em có con nhỏ đang trong giai đoạn hình thành khả năng ngôn ngữ.
Theo các chuyên gia, nói ngọng là một khuyết tật ngôn ngữ thường gặp ở trẻ dưới 6 tuổi, tật này hoàn toàn có thể chữa được.
Vì thế, các bậc phụ huynh cần phát hiện sớm để hướng dẫn trẻ cách khắc phục kịp thời, tránh những thiệt thòi, ngại ngùng trong giao tiếp, tự ti về bản thân, ảnh hưởng đến công việc, học tập sau này. Thông thường, trẻ hay nói ngọng như nhầm lẫn không phân biệt được các phụ âm đầu, thanh điệu hoặc chỉ nói phần vần…
Nguyên nhân do một số trẻ gặp vấn đề sức khỏe hay khiếm khuyết về cấu tạo bộ máy phát âm, từ đó làm cản trở sự phát triển khả năng nói nhưng phần đông các em chưa được hướng dẫn cách phát âm đúng.
Đa số các em cũng chưa ý thức được tác hại của tật nói ngọng nên các bậc phụ huynh cần theo sát để uốn nắn và "điều trị" tật nói ngọng cho trẻ kịp thời.
Thường xuyên cho trẻ em tham gia các trò chơi vận động ngoài trời là một trong những hoạt động thiết thực giúp phát triển khả năng ngôn ngữ. Ảnh mang tính minh họa. |
Bắt đầu tập nói cho con là khoảng thời gian vô cùng thú vị đối với những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, nhiều bé thường có dấu hiệu nói ngọng, nói lắp, cà lăm hay phát âm không chính xác ở một số từ... nhưng do cha mẹ không chú ý, dẫn tới rất khó sửa.
Chị Hồng Trang (ở quận Bình Thủy), bộc bạch: "Ở nhà tôi, mọi người có thói quen phát âm không chuẩn, không phân biệt rõ những âm tr - ch hay r - g hay gi – v - d... Vì vậy, khi bé bắt đầu đi học được cô giáo dạy phát âm chuẩn, mọi người thường cười nhạo bé.
Thằng bé sửa lại cho giống mọi người nhưng không biết rằng nói vậy là sai và việc uốn nắn lại cho bé phát âm chuẩn cũng vất vả vô cùng".
Cũng theo chị Trang, muốn chữa tật nói ngọng cho con một cách hiệu quả, trước tiên các bà mẹ phải hiểu được nguyên nhân và động viên con bình tĩnh khi nói chuyện. Riêng trường hợp con của chị nói ngọng là do bắt chước người lớn nên việc "điều trị" cũng bắt đầu từ người lớn.
Chị Trang kể: "Khi con đi học, do nói ngọng nên môn tập đọc thường bị điểm thấp do phát âm không chuẩn và thằng bé cũng viết sai chính tả rất nhiều. Vì vậy, gia đình tôi bảo nhau cần phát âm chuẩn xác.
Mỗi khi phát âm từ nào bé hay nói sai tôi đều viết ra giấy, tập cho con đánh vần, đọc đi đọc lại cho đến khi nào đọc chuẩn mới thôi". Cũng nhờ kiên trì, cố gắng tập luyện, đến nay cháu Gia Phúc- con trai chị Trang đã không còn tật nói ngọng nữa.
Qua sự việc trên có thể thấy việc bé nói ngọng không chỉ do bản thân bé mà nhiều khi còn do người lớn không chú ý, phát âm không chuẩn xác, hoặc biết bé nói sai nhưng không giúp bé sửa ngay.
Cũng theo nhiều bậc phụ huynh, việc chữa nói ngọng cho bé không thể vội vàng và cần có sự kiên trì và đặt ra mục tiêu sửa chữa tật nói ngọng cho trẻ theo cấp độ tăng dần thông qua những trò chơi thú vị và phương pháp luyện tập phù hợp với từng bé.
Chẳng hạn: Khi bé đang trao đổi một vấn đề gì đó mà bị ngọng, cha mẹ cần bình tĩnh bảo bé dừng lại và sửa cho bé một cách từ tốn. Tránh quát mắng làm bé hoảng hốt hoặc cười nhạo bé.
Đối với những đứa trẻ thích vui chơi, ca hát thì cha mẹ có thể dạy trẻ phát âm qua bài hát, đọc truyện, đọc thơ diễn cảm; hoặc mở rộng vốn từ cho trẻ thông qua hoạt động xếp hình chữ cái, ghép chữ, đánh vần... Với các hoạt động đó, cha mẹ không chỉ giúp trẻ tiếp thu đúng cách đọc, cách nói đúng mà giúp trẻ rèn luyện khả năng giao tiếp, tư duy, biểu đạt ngôn ngữ hiệu quả...
Chị Lê Thị Minh Châu (ở quận Ninh Kiều) chia sẻ: "Biết con có tính tự ái cao nên khi bé phát âm sai cả nhà tuyệt nhiên không chế giễu bé mà chỉ yêu cầu bé nói chậm lại từ sai và hướng dẫn cho con lặp lại từ đúng. Đối với những từ sai khó chữa, cứ lặp đi lặp lại, cha mẹ không nên tức giận mà phải tìm cách giải thích cặn kẽ để trẻ ghi nhớ chứ không đơn thuần là mệnh lệnh. Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên xen ngang hoặc quát nạt con khi con nói sai, bắt con nói đi nói lại nhiều lần nhất là trước mặt nhiều người, bạn bè của chúng..."
Đa số trẻ nhỏ khi nói ngọng thường không tự ý thức được việc mình nói sai. Vì vậy, cha mẹ cần hướng dẫn và luyện tập cho trẻ cách phân biệt thế nào là phát âm đúng và phát âm sai.
Cần nhất là tránh việc nhại lại giọng của bé hoặc trêu chọc các câu nói sai, nói ngọng của bé sẽ khiến bé tự ti và khó sửa sai. Sự nghiêm túc, kiên trì động viên và khuyến khích của người lớn sẽ giúp trẻ có động lực và thích thú luyện tập phát âm chính xác hơn.
Theo Cần Thơ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin