Đích nhắm của Bảo hiểm xã hội (BHXH), của ngành y tế là làm sao nâng cao độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, cân đối quỹ khám chữa bệnh thuộc diện này, cân đối các nhóm đối tượng tham gia BHYT để thấy tính nhân văn chia sẻ của chính sách. Tuy nhiên, trong thực hiện công tác này, nhiều vấn đề đặt ra...
Công cụ này chẩn đoán có mỡ trong máu, huyết áp. Đây là 1 trong 4 thiết bị y tế hiện đại mà Trạm Y tế xã Phú Quới được trang bị.
Đích nhắm của Bảo hiểm xã hội (BHXH), của ngành y tế là làm sao nâng cao độ bao phủ bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân, cân đối quỹ khám chữa bệnh thuộc diện này, cân đối các nhóm đối tượng tham gia BHYT để thấy tính nhân văn chia sẻ của chính sách. Tuy nhiên, trong thực hiện công tác này, nhiều vấn đề đặt ra...
Chi đa tuyến nhiều...
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Điểu- Giám đốc Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) huyện Long Hồ, năm 2012, thống kê tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT chi đa tuyến chiếm 37 tỷ đồng.
Trong khi, quỹ khám chữa bệnh BHYT chỉ 28 tỷ đồng, nên “đương nhiên” âm quỹ 9 tỷ đồng. Đó là chưa tính đối tượng khám chữa bệnh BHYT tại bệnh viện và 15 trạm y tế xã- thị trấn. Nếu tính các cơ sở này, tổng chi cho khám chữa bệnh người dân có BHYT là 14 tỷ đồng.
Còn Trạm Y tế xã Phú Quới (Long Hồ) đã tăng cường khám và điều trị tích cực cho người dân mỗi khi đến, nhằm để cân đối được số tiền thuốc theo khung quy định cho trạm y tế xã.
Bác sĩ Lê Hoàng Tùng-Trưởng Trạm y tế xã nói: “Vấn đề này đang có hiệu quả tích cực từ hơn một năm nay”. Bảo hiểm đánh giá cao nỗ lực này của trạm. Dù, âm quỹ ở trạm vẫn lên đến 241%.
Tại BVĐK TX Bình Minh, bác sĩ Châu Văn Đệ- Giám đốc bệnh viện, cho biết quỹ khám chữa bệnh năm 2012 của đơn vị vượt trên 10,2 tỷ đồng, cộng thêm phần năm 2011 thì hiện tại đã là 11,1 tỷ đồng.
Riêng thống kê của bệnh viện trong 6 tháng đầu năm 2012, chi đa tuyến khám chữa bệnh BHYT chiếm 91,66% quỹ khám chữa bệnh BHYT địa phương (hơn 7,3 trong gần 8 tỷ đồng). Địa bàn Bình Minh gần TP Cần Thơ, nên có đến hơn 90% người bệnh sang đó khám điều trị.
“Chi đa tuyến đã “nuốt” hết quỹ khám chữa bệnh BHYT của đơn vị, trong khi chỉ gần 10% bệnh nhân khám chữa bệnh tại bệnh viện” – theo bác sĩ Châu Văn Đệ.
Vượt quỹ khám chữa bệnh BHYT là thực trạng chung mà các cơ sở khám chữa bệnh từ cơ sở đến tỉnh và đơn vị thực hiện chính sách này– BHXH các cấp– đều phải đối mặt.
Chi trả cho hơn 2,5 triệu lượt người dân toàn tỉnh khám chữa bệnh BHYT trong năm 2012 được BHXH tỉnh Vĩnh Long thống kê đạt gần 319 tỷ đồng, vượt 31 tỷ đồng so quỹ được chi. Con số này, theo BHXH tỉnh, là đã cố gắng khống chế giảm lại vài năm qua.
Độ bao phủ, mà cụ thể nhóm đối tượng tham gia BHYT tự nguyện thấp và đa phần người mắc bệnh nặng, bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài; chi cho khám chữa bệnh đa tuyến- nhất là bệnh viện tuyến Trung ương- cao là một số nguyên nhân dẫn đến âm quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Ví dụ: Một bệnh nhân A trong gia đình B bị bệnh mãn tính, chỉ mua BHYT 567.000 đ/năm, người đó được hưởng ngay vài chục triệu đồng điều trị bệnh... Như thế, ý nghĩa chia sẻ cộng đồng, người khỏe san bớt gánh nặng cho người bệnh không còn nữa.
Âm quỹ, nợ thuốc!
Bác sĩ Châu Văn Đệ cho rằng: Âm quỹ chi khám chữa bệnh BHYT... đã dẫn đến công nợ của bệnh viện đối với các công ty dược cung ứng thuốc cao ngất.
Tính đến tháng 2/2013, công nợ của đơn vị thống kê gần 13 tỷ đồng, trong đó đã gồm hơn 900 triệu đồng từ năm 2011 đưa qua. Đây có thể nói là gánh nặng cho ngành y tế.
Mở rộng độ bao phủ BHYT, ngành y tế thực hiện chẩn đoán bệnh, kê đơn thuốc phù hợp– theo bác sĩ Nguyễn Văn Điểu– là để góp phần làm giảm chi phí không cần thiết, giảm chuyển bệnh nhân trái tuyến, khắc phục tình trạng âm quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Định mức khám bệnh cấp thuốc BHYT ở các trạm xá hầu hết dưới 100 ngàn đồng/người/lượt khám. Tuy nhiên, chi đa tuyến, chuyển tuyến chiếm rất cao trong quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Tương tự, một giải pháp chung nhất để giảm âm quỹ là tăng độ bao phủ BHYT toàn dân– theo lãnh đạo các bệnh viện.
Các bệnh cấp cứu thì đi tuyến gần nhất hoặc bệnh viện cao hơn khi vượt khả năng chuyên môn của tuyến dưới, với các bệnh vượt khả năng nhưng không phải bệnh cấp cứu thì bắt buộc phải chuyển đúng tuyến chuyên môn, kịp thời tạm ứng hoặc thanh quyết toán kinh phí khám chữa bệnh BHYT cho các đơn vị,... – theo đề xuất của bác sĩ Châu Văn Đệ.
Trạm Y tế xã Phú Quới cũng là một trong 5 trạm y tế trong tổng số 15 trạm y tế xã- thị trấn của Long Hồ được đầu tư trang bị các thiết bị hiện đại như máy siêu âm, điện tim, xét nghiệm, thử đường huyết và là 1 trong 27/107 trạm y tế cả tỉnh được trang bị các y cụ hiện đại này.
Theo các trạm y tế xã được đầu tư hiện đại nói trên, khai thác hết công năng của thiết bị hiện đại đó cũng là biện pháp giúp giảm chuyển tuyến, giảm vượt quỹ và một cách nào đó mà nói, là làm cho người dân tin tưởng hơn mà tham gia BHYT đồng đều và nhiều hơn.
Với độ bao phủ BHYT toàn dân 59,1% đến hết năm 2012, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, có ý kiến cho rằng cần có quy định chặt chẽ để nhóm đối tượng BHYT tự nguyện phải mua “trọn gói” theo hộ gia đình; để tránh lựa chọn ngược, tức là khi người đó có bệnh thì mới mua BHYT để hưởng chính sách.
Đó cũng được xác định là một trong các giải pháp để nâng độ bao phủ BHYT, thể hiện sự chia sẻ cộng đồng khi tham gia và góp phần giảm âm quỹ khám chữa bệnh BHYT.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin