Kết nối để kiểm soát nguồn lây

06:03, 22/03/2013

Phòng chống bệnh lao hiệu quả được cho là khi kiểm soát được tỷ lệ mắc mới bệnh lao hàng năm trong cộng đồng. Bộ Y tế vừa có văn bản quy định về việc phối hợp giữa các cơ sở y tế tư nhân, y tế công lập ngoài mạng lưới chống lao với Chương trình quốc gia để tầm soát, quản lý bệnh này hiệu quả hơn...

Phòng chống bệnh lao hiệu quả được cho là khi kiểm soát được tỷ lệ mắc mới bệnh lao hàng năm trong cộng đồng. Bộ Y tế vừa có văn bản quy định về việc phối hợp giữa các cơ sở y tế tư nhân, y tế công lập ngoài mạng lưới chống lao với Chương trình quốc gia để tầm soát, quản lý bệnh này hiệu quả hơn...


Thăm khám và tầm soát bệnh lao tại Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội Vĩnh Long.

Mắc mới giảm, tái trị tăng

Được chỉ đạo tuyến từ Bệnh viện Lao Trung ương, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP Hồ Chí Minh, cộng với việc tuyên truyền rộng khắp, thời gian qua công tác phòng chống lao của tỉnh Vĩnh Long đã có những kết quả khích lệ. Năm 2012, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long phát hiện 1.371 bệnh nhân mắc mới bệnh lao và 777 trường hợp trong đó được xác định dương tính với vi trùng lao trong tổng số khám, xét nghiệm cho trên 17.800 lượt người.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền– Phó Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long– những năm qua tình hình bệnh lao có giảm các ca mắc mới, tuy nhiên, bệnh nhân lao tái trị lại tăng lên.

Thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân lao tái điều trị từ năm 2009 (94 ca) đến 2012 (160 ca) tăng mỗi năm từ 16- 22% và rơi vào bệnh nhân lao kháng thuốc, bệnh nhân lao mắc nhiều bệnh khác và điều trị không hiệu quả. “Thực trạng trên đáng lo ngại”– theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Quyền.


Các y- bác sĩ xét nghiệm đàm đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh lao.

Hiện tổng số bệnh nhân lao mà trung tâm đang quản lý là hơn 2.300 người. Hơn một nửa người bệnh trong đó đã được điều trị lành bệnh thông qua Chương trình chống lao quốc gia. Cũng theo Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long, trong năm qua 13 bệnh nhân bỏ trị và đến nay trên toàn địa bàn đã có 60 bệnh nhân tử vong, do các bệnh nhân này có bệnh HIV hoặc bệnh khác kèm theo. 

Các bác sĩ khuyến cáo: Để phòng ngừa bệnh lao, cần tiêm phòng vaccine BCG cho trẻ sơ sinh dưới một tuổi; giữ vệ sinh chung: nhà ở thông thoáng, đủ ánh sáng; người bệnh lao cần khạc đờm vào giấy hoặc ly giấy rồi đốt; giáo dục hành vi khi ho khạc đối với cộng đồng; người mắc bệnh lao cần chữa lành bệnh, cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng...

Năm qua, ngành y tế tỉnh đã điều trị thành công 92,8% bệnh nhân mắc mới bệnh lao, cao hơn so với chỉ tiêu quốc gia. Điều trị bệnh nhân lao đa kháng thuốc vẫn thành công hơn 50% và phấn đấu tỷ lệ này mỗi năm mỗi tăng lên.

Tăng cường “kết nối” y tế tư nhân

Bác sĩ Trần Ngọc Bửu- Phòng chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch– đơn vị chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật cho tỉnh Vĩnh Long– cho biết: Chương trình chống lao quốc gia quản lý bệnh nhân chặt chẽ, thuốc được phát miễn phí, nhưng nhiều người bệnh vẫn chọn trả tiền để điều trị tại y tế tư nhân.

Tuy nhiên thống kê cho thấy, tỷ lệ bệnh nhân lao kháng thuốc khi điều trị ở các cơ sở y tế tư nhân và số lượng bệnh nhân bỏ điều trị cao hơn rất nhiều so với điều trị ở y tế công lập. Điều này nguy hiểm vì dễ gây ra tình trạng lờn thuốc trong cộng đồng, đặc biệt là đa kháng thuốc.

Một khi vi khuẩn lao đa kháng thuốc, việc điều trị hết bệnh cho người bệnh sẽ thấp; và khi người bệnh bị lờn thuốc, khả năng lây bệnh cho cộng đồng, nhất là người thân sẽ cao.

Theo bác sĩ Ngọc Quyền, ước tính toàn tỉnh hiện có khoảng 1/3 bệnh nhân lao điều trị tại y tế tư nhân. Nếu số này đến với trung tâm sẽ quản lý tốt, hưởng các chính sách theo Chương trình chống lao quốc gia, được điều trị đúng phác đồ và hiệu quả.

Thực tế là “khi họ chán điều trị tại các cơ sở y tế tư nhân mới tìm đến với mình”. Bác sĩ Ngọc Quyền cho rằng: phát hiện sớm và điều trị kịp thời, đúng phác đồ những bệnh nhân lao là biện pháp tích cực để ngăn nguồn lây, giảm số ca mắc mới trong cộng đồng.


Rất cần thiết kết nối y tế tư nhân, y tế công lập với Chương trình chống lao quốc gia để tầm soát và quản lý bệnh lao hiệu quả.

Thông tư 02/2013/TT-BYT của Bộ Y tế ngày 15/1/2013 “Quy định về việc phối hợp giữa các cơ sở y tế trong quản lý bệnh lao” có hiệu lực ngày 15/3, xác nhận vai trò cần thiết của sự phối hợp này giữa các cơ sở y tế thuộc mạng lưới phòng, chống lao; cơ sở y tế tư nhân; cơ sở y tế nhà nước không thuộc mạng lưới phòng, chống lao.
 
Theo các bác sĩ, vai trò của y tế tư nhân trong phòng, chống lao là rất lớn. Lợi ích của việc “kết nối” này giúp chương trình chống lao tầm soát bệnh nhân lao trong cộng đồng, cơ sở y tế tư nhân sẽ được cung cấp thuốc điều trị lao miễn phí, người bệnh linh động hơn khi điều trị ở cơ sở y tế tư nhân hoặc công lập,...

Bác sĩ Ngọc Quyền cho rằng, cần thiết để có sự kết nối này giữa Chương trình chống lao quốc gia với y tế tư nhân và hệ thống y tế công lập nằm ngoài mạng lưới chống lao để kiểm soát, quản lý hết bệnh nhân trong cộng đồng, ngăn ngừa, tránh để mầm bệnh lây lan...

Theo mục tiêu của ngành y tế, đến năm 2015, Việt Nam phấn đấu giảm được 50% bệnh nhân mắc mới bệnh lao, đồng thời nỗ lực giảm tỷ lệ bệnh nhân lao đa kháng thuốc. Và đến năm 2030, cơ bản sẽ thanh toán được bệnh lao.

Bài, ảnh: MINH THÁI



 

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh