Bệnh tay chân miệng vẫn “nóng”

07:03, 01/03/2013

Dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Vĩnh Long, tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn “nóng”, diễn biến phức tạp với số ca mắc vẫn đang tăng cao trên toàn địa bàn. Theo đó, công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng chống bệnh, tuân thủ các khuyến nghị chuyên môn của bác sĩ điều trị vẫn đặt lên hàng đầu.


Bác sĩ BVĐK tỉnh thăm khám cho một trẻ nhỏ có dấu hiệu mắc bệnh TCM.

Dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Vĩnh Long, tình hình bệnh tay chân miệng (TCM) vẫn “nóng”, diễn biến phức tạp với số ca mắc vẫn đang tăng cao trên toàn địa bàn. Theo đó, công tác tuyên truyền, nâng cao kiến thức phòng chống bệnh, tuân thủ các khuyến nghị chuyên môn của bác sĩ điều trị vẫn đặt lên hàng đầu.

Bệnh tay chân miệng tăng cao

Năm 2012, theo tổng hợp của TTYTDP tỉnh Vĩnh Long, tổng số ca mắc bệnh TCM toàn tỉnh là 2.909 ca, tăng 25,44% so năm 2011 (2.319 ca).
 
Trong năm đã ghi nhận có 2 ca tử vong. Số ca mắc bệnh truyền nhiễm phân bố rải rác ở các địa phương, nhưng nhờ thực hiện tốt công tác giám sát phát hiện sớm ca bệnh và phối hợp tốt với trung tâm y tế huyện- thành phố nên không để xảy ra dịch lớn. Cũng theo TTYTDP, bệnh TCM trong năm qua đã có 100% tổng số 103 ổ dịch được phát hiện, xử lý.

Dự báo của TTYTDP, tình hình bệnh TCM năm nay vẫn “nóng”, diễn biến phức tạp với số ca mắc mới vẫn đang tăng trên toàn địa bàn. Thống kê của trung tâm, tính từ 1/1- 24/2/2013, tổng số ca mắc bệnh TCM được ghi nhận toàn tỉnh là 581, tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ.

Phân tích số này, trong thời gian 8 tuần nói trên, số ca bệnh mắc mới ghi nhận trong ngày đang giảm nhẹ. Tuy nhiên so tuần và cùng kỳ thời điểm thống kê, thì số ca mắc mới bệnh này vẫn tăng cao. Đến ngày 28/2, thống kê đã có 610 ca mắc TCM được ghi nhận trên toàn tỉnh.

Tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long, bác sĩ chuyên khoa I Phan Văn Năm- Phó Khoa Nhi- cho biết, đến ngày 27/2 hiện có 15- 20 ca điều trị nội trú bệnh TCM và hiện mỗi ngày khoảng 30- 35 ca, cao nhất là 40 ca đến khám điều trị TCM. “Số bệnh nhân nhi được người nhà đưa đến khám TCM ngoại trú hiện giảm so tháng 1/2013 và thời điểm trước. Điều trị nội trú cũng giảm”- bác sĩ Phan Văn Năm cho biết.

Trên bình diện chung cả tỉnh, số ca mắc TCM hiện tăng hơn gấp đôi so cùng kỳ, nhưng đến khám và điều trị có phần giảm lại- theo các bác sĩ điều trị- chứng tỏ số bệnh chuyển từ độ nhẹ (độ I) sang độ nặng hơn (IIA, IIB,...) ít hơn.

“Theo dõi” sát diễn biến bệnh

Bác sĩ Mạc Thu Hà- Phó Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vaccine sinh phẩm, TTYTDP- cho rằng, dù không xuất hiện “đỉnh” dịch TCM từ năm ngoái tới nay, nhưng với số ca mắc mới bệnh vẫn “bình bình”, nên công tác phòng chống bệnh phải “chạy” theo suốt. TTYTDP cho rằng, tình hình như thế là rất đáng quan tâm.

Bác sĩ Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc TTYTDP tỉnh Vĩnh Long- nhận định số ca mắc bệnh TCM tính đến hiện tại đã “vượt đường cong chuẩn quy định”. Trung tâm luôn theo dõi diễn biến của dịch bệnh ngoài cộng đồng từ việc phân tích số liệu tổng hợp từ cơ sở báo về.

Nếu địa bàn nào đó có ổ dịch TCM, trung tâm y tế huyện sẽ chỉ đạo trạm y tế xã xử lý ngay. Nếu ổ dịch vượt khả năng kiểm soát của cơ sở, TTYTDP tỉnh vào cuộc phối hợp xử lý. “Điều quan trọng nhất đối với bệnh truyền nhiễm là khi phát hiện nguy cơ bệnh tại địa bàn, trường học nào đó thì khống chế ngay, không để lây lan thành dịch...”, bác sĩ Tân khẳng định.

Ngành y tế dự phòng tỉnh cho hay đang rất nỗ lực tuyên truyền, phổ biến kiến thức về phòng chống bệnh TCM trong cộng đồng, đến mọi người dân, hộ gia đình, trường học,... để nâng cao ý thức ngăn ngừa, phòng chống bệnh TCM hiệu quả.

Khoa Nhi, BVĐK tỉnh- tuyến điều trị cao nhất về bệnh nhi trong tỉnh- cho biết, khoa duy trì khai thác hết công năng các phương tiện chẩn đoán, thuốc men trong điều trị TCM. Lĩnh vực điều trị, bác sĩ Phan Văn Năm khuyến nghị: Trẻ mắc bệnh TCM thì phụ huynh phải cách ly, không cho tiếp xúc vật dụng đồ dùng đồ chơi chung.
 
Ở độ I với dấu hiệu loét miệng, sốt nhẹ,... thì có thể điều trị tại nhà theo chỉ định. Phụ huynh cần theo dõi sâu sát trẻ bệnh có thể chuyển sang độ nặng IIA, IIB với các biến chứng như: sốt cao liên tục, chới với giật mình, thở nhanh bất thường, đi đứng loạng choạng,... thì đưa trẻ đến ngay bệnh viện để điều trị.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh