Y tế cơ sở- tuyến đầu chăm sóc sức khỏe người dân

01:02, 13/02/2013

Y tế cơ sở đã có thể nói đang khởi sắc, xứng đáng vị trí “tuyến đầu” chăm sóc sức khỏe người dân.

Y tế cơ sở đã có thể nói đang khởi sắc, xứng đáng vị trí “tuyến đầu” chăm sóc sức khỏe người dân.


Ở hầu hết các trạm y tế mới, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực đều “mới” theo yêu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Y tế cơ sở- tuyến khám chữa bệnh ban đầu ở các xã- phường- thị trấn một thời gian còn nhiều tồn tại: cơ sở vật chất cũ kỹ, trang thiết bị thiếu thốn lạc hậu, năng lực khám chữa bệnh đôi khi còn hạn chế. Song, thời gian qua, cùng với chủ trương đào tạo, thu hút nguồn nhân lực của tỉnh, sự tài trợ một phần của Tổ chức AP (Hoa Kỳ) đã giúp ngành y tế Vĩnh Long khởi sắc.

Trạm y tế xã: nâng cấp độ tin tưởng

Mấy cô chú, anh chị “cái lưng, cái vai đau đau tối qua” hay đi chợ xế chiều về “cảm ho sổ mũi tranh thủ tạt qua trạm khám, mua thuốc”. Có anh con trai dẫn mẹ già đến để “xem sức khỏe bà cụ thế nào”. Một phụ nữ trẻ ẵm đứa con 11 tháng tuổi, vẻ âu lo “cháu nó nóng, khóc hoài hà”... Những chi tiết trên, tôi góp nhặt được sau chục phút ngồi tại sảnh chờ của Trạm Y tế xã Phú Quới (Long Hồ) vào giữa chiều ngày hạ tuần tháng Chạp.

Bác sĩ (BS) chuyên khoa 1 Lê Hoàng Tùng, Trưởng trạm cho biết: “Từ khi trạm y tế xã được đưa vào sử dụng (tháng 4/2012), người dân đến khám chữa bệnh ngày càng đông”. Dân tin là do trạm được đầu tư khá đầy đủ, đồng bộ trang thiết bị y tế triển khai các dịch vụ cận lâm sàng: siêu âm, điện tim, xét nghiệm,... và cả theo dõi tim thai, đường huyết...
 
“Lượng bệnh nhân mỗi tháng đều tăng, tăng cả khám bằng thẻ BHYT và khám dịch vụ nữa”- theo BS Lê Hoàng Tùng- người dân hiện nay đã tin tưởng với điều kiện vật chất, đội ngũ tại trạm.

Tại Trạm Y tế xã Nhơn Phú (Mang Thít), y sĩ đa khoa Nguyễn Thị Bé Sáu, Phó trưởng trạm thông tin vui, mặt mạnh của trạm y tế là: “Chúng tôi khám bệnh cho người dân có lúc từ 6- 6 giờ rưỡi, hễ có bệnh nhân là khám. Người ta đi học, đi dạy, làm công, buôn bán,...

Họ tranh thủ thì mình cũng tranh thủ giải quyết cho người ta”- y sĩ Nguyễn Thị Bé Sáu chia sẻ. Lật sổ lưu, chị thông tin số liệu khám chữa bệnh năm 2011 là 11.422 lượt bệnh nhân, năm 2012 là 14.032. Tỷ lệ bệnh nhân chuyển tuyến giảm, như năm 2011 là 2.786 lượt, năm 2012 là 1.713 lượt. Mấy con số này phản ánh thực tế: mức độ đón nhận và tin cậy của người dân cao hơn khi đến khám chữa bệnh tại trạm y tế xã.

Theo y sĩ Nguyễn Thị Bé Sáu, hiện 13 phòng chức năng của trạm đều đã được khai thác hết, tính cả các chương trình lồng ghép. Cũng như khá nhiều trạm y tế khác, Trạm Y tế xã Nhơn Phú cũng được cung cấp các thiết bị hiện đại như máy siêu âm, máy đo điện tim và đang hoàn thiện phòng xét nghiệm.
 
“Có trường hợp bệnh mãn tính, người ta vẫn đến khám và điều trị tại đây, bởi người ta cho rằng giờ giấc thoáng, thái độ phục vụ nhiệt tình. Mình vì thế cũng phấn khởi”.

“Trạm y tế chúng tôi luôn phấn đấu nâng cao chất lượng khám điều trị, nỗ lực xây dựng hình ảnh của trạm y tế cơ sở để bà con người ta tin tưởng hơn. Đó cũng là góp phần giúp giảm bệnh nhân vượt tuyến, giảm tải cho bệnh viện tuyến trên”- BS Lê Hoàng Tùng nói.


Vườn thuốc Nam

Phát huy nội lực

Phạm Thị Yến Ly- y sĩ Đông y về công tác tại Trạm Y tế Nhơn Phú được 2 năm, được y sĩ Nguyễn Thị Bé Sáu đánh giá: “Cháu Yến Ly năng nổ xông xáo, kiêm nhiệm thêm các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế gồm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng dịch”. Còn Yến Ly thổ lộ: “Em còn nhỏ, lại mới vào nghề không lâu, nên luôn cố gắng học hỏi”.
 
Ly cũng không giấu ý định mình là nếu có điều kiện sẽ học lên cao để chuyên môn ngày càng vững vàng. BS Lê Hoàng Tùng thông tin, hiện Trạm Y tế Phú Quới có 2/10 cán bộ nhân viên đang theo học đại học. “Năm tới, trạm sẽ có 2 cán bộ đi ôn thi nữa, nếu thi đậu, học hành xong vài năm sau trạm sẽ có nhiều cán bộ trình độ BS đa khoa rồi”- BS Lê Hoàng Tùng chia sẻ.

Về quy mô cả tỉnh, BS Văn Công Minh- Phó Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long cho biết, hiện hầu hết 107 trạm y tế xã- phường- thị trấn đều có đủ 4 chức danh theo quy định Bộ Y tế là BS đa khoa, y sĩ y học dân tộc, nữ hộ sinh (y sĩ sản nhi), cán bộ chuyên môn dược. Hiện mỗi trạm y tế đều có ít nhất một BS đa khoa khám chữa bệnh thường xuyên”.

Theo Sở Y tế, hiện tại 107 trạm y tế đều đã được trang bị 24 bộ trang thiết bị y tế theo danh mục. Riêng 27 trạm được trang bị 4 loại trang thiết bị y tế tính năng cao: máy siêu âm đen trắng có xe đẩy, máy điện tim 3 kênh, máy xét nghiệm huyết học tự động 18 thông số và máy ly tâm máu.
 
“Chúng tôi hoàn thiện gói thiết bị vi tính, phục vụ công nghệ thông tin cho các trạm y tế cơ sở”- BS Nguyễn Công Tuấn, Trưởng Phòng Kế hoạch– Tài chính, Sở Y tế thông tin thêm.


Đầu tư cải thiện, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh y tế cơ sở là mục tiêu xoáy mạnh của ngành y tế tỉnh thời gian tới.

Việc đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị cho trạm y tế cơ sở những năm qua, nhất là các trạm y tế dự án AP đã trở thành địa chỉ tin cậy để người dân đến với dịch vụ khám chữa bệnh ở cơ sở. Hướng tới, ngành y tế tỉnh tiếp tục cập nhật chuyên môn, tập huấn thường xuyên cho đội ngũ y- BS cơ sở nhằm khai thác tốt, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị y tế đã có.
 
“Chúng tôi cố gắng bằng nội lực và tranh thủ các nguồn lực để nâng dần chất lượng khám chữa bệnh, cải thiện tinh thần thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của đội ngũ để đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh của người dân...”- BS Văn Công Minh khẳng định.

Dự án xây dựng mới, nâng cấp các trạm y tế được ngành y tế tỉnh phối hợp triển khai từ năm 2010 với 95 trạm y tế. Tổng giá trị đầu tư cho dự án khoảng 310,66 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2012 (tổng kinh phí và mức thời gian này đã điều chỉnh). Tổ chức AP (Hoa Kỳ) hỗ trợ không hoàn lại cho dự án 7 triệu USD.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh