Cẩn trọng để tránh tai nạn thương tích

10:01, 04/01/2013

Tai nạn thương tích (TNTT) là có thể phòng tránh và hạn chế “dính” phải đến mức tối đa nếu chúng ta cẩn trọng hơn- đặc biệt là TNTT do bị tai nạn giao thông. Đây là loại tai nạn chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm TNTT thường gặp phải.

Tai nạn thương tích (TNTT) là có thể phòng tránh và hạn chế “dính” phải đến mức tối đa nếu chúng ta cẩn trọng hơn- đặc biệt là TNTT do bị tai nạn giao thông. Đây là loại tai nạn chiếm tỷ lệ cao nhất trong nhóm TNTT thường gặp phải.


Vẫn có thể kiểm soát được các nhóm nguyên nhân gây nên TNTT, nhất là 2 nhóm nguyên nhân hàng đầu là tai nạn giao thông đối với độ tuổi 20- 60 và tai nạn sinh hoạt đối với trẻ em từ 0- 4 tuổi.

Các nguy cơ... “dính” thương tích

Trong một phòng bệnh nội trú khoa ngoại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh, ngày 3/1/2013, bé Kim Ngân 18 tháng tuổi, con của chị Lê Thị Liễu (xã Hựu Thành- Trà Ôn) chuẩn bị xuất viện.

Cháu Ngân bị bỏng nước sôi vùng thân mình, tay, bẹn và được bệnh viện xác định tỷ lệ bỏng 16%, nhập viện ngày 27/12 vừa qua. Nguyên nhân, theo lời mẹ của cháu là, “tôi pha nước trong bình thủy, chuẩn bị pha sữa cho cháu thì xảy ra sự cố”...

Đây là một trong nhiều tình huống đáng tiếc bắt nguồn từ những sinh hoạt hàng ngày trong gia đình, do một chút “không để ý” hay “chút lơ là” của các bậc phụ huynh dẫn đến TNTT cho trẻ nhỏ.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà- Trưởng Phòng Kế hoạch– Tổng hợp, BVĐK tỉnh Vĩnh Long cho biết, tỷ lệ trẻ em từ 0- 4 tuổi bị TNTT nguyên nhân do tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày chuyển cấp cứu tại bệnh viện tỉnh chiếm rất cao, với 74,6% và con số này rất đáng quan tâm.

Đề tài nghiên cứu khoa học năm 2012 về “Tình hình TNTT tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long trong 5 năm 2007- 2011” của bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà và nhóm cộng sự chỉ rõ, có 3 nguyên nhân chính dẫn đến TNTT là do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt và tai nạn lao động. Theo bác sĩ Thu Hà, tai nạn giao thông và tai nạn sinh hoạt là 2 nguyên nhân gây chấn thương cao nhất trong TNTT, với lần lượt là 57,8% và 39,5%.

Tỷ lệ người bị TNTT từ 2007 đến cuối năm 2011 có chiều hướng giảm nhẹ nhưng vẫn giữ ở mức ổn định từng năm. Thời gian đầu khảo sát là 13.450 (21,9%) bệnh nhân nhập viện cấp cứu do TNTT. Con số này ở năm 2010 là 11.329 (18,4%) và năm 2011 là 11.423 bệnh nhân (18,6%). Ở người từ trên 60 tuổi vào viện cấp cứu chiếm cũng cao, với 60,6%.

Riêng với bệnh nhân bị TNTT do tai nạn giao thông, nhóm tuổi từ 20- 60 dẫn đầu với 74,1%, tương đương 45.536/61.432 người trong 5 năm trên. “Tỷ lệ TNTT chiếm 30% trong các ca cấp cứu ở bệnh viện. Tỷ lệ này giảm, giữ ổn định từng năm được xem là một tín hiệu đáng mừng”- theo những cứ liệu từ nghiên cứu này.

Nâng cao ý thức phòng tránh

Thống kê của BVĐK tỉnh đến tháng 9/2012, đã có hơn 8.700 ca cấp cứu. Trong số đó TNTT do tai nạn giao thông có hơn 5.000 ca và cao nhất trong các nguyên nhân dẫn đến TNTT. “Chúng ta cần phải có biện pháp để hạ con số này”, bác sĩ Thu Hà đặt vấn đề.

Theo điều dưỡng Nguyễn Hòa Thuận, mặc dù nguyên nhân hàng đầu dẫn đến TNTT là do tai nạn giao thông, nhưng “người ta dường như ít hoặc không quan tâm nhiều đến TNTT, nhất là khi nguyên nhân dẫn đến TNTT phần nhiều do tai nạn giao thông gây ra”.

Bác sĩ chuyên khoa II Lê Thanh Đức- Khoa Khám cấp cứu BVĐK tỉnh- cũng nhìn nhận thời điểm cuối năm và lễ tết, việc nâng cao hơn ý thức hơn khi tham gia giao thông sẽ giúp tránh và hạn chế TNTT xảy ra do tai nạn giao thông. Bác sĩ Lê Thanh Đức cho rằng TNTT do tai nạn giao thông hiện có chiều hướng tăng và ngày càng trẻ hóa nhóm đối tượng. Còn với tai nạn sinh hoạt, tình trạng trẻ em bị bỏng nước sôi là đáng quan tâm.

Bác sĩ Trần Văn Nhiều- Trưởng Khoa Ngoại BVĐK tỉnh- cho hay, có thể khái quát nguyên nhân dẫn đến TNTT là do các tai nạn trong sinh hoạt hàng ngày đối với trẻ em như bỏng nước sôi, bỏng điện, té ngã, đuối nước.

Với trẻ độ tuổi này, các bậc phụ huynh cần cẩn trọng trong chăm sóc, nuôi giữ. Với trẻ nhỏ 0- 4 tuổi, người lớn có biện pháp “quản” chặt hơn để tránh bị TNTT. Vùng đầu, cổ và mặt của nhóm này là nơi “nhạy cảm” để có thể “dính” TNTT. Ẵm bồng, chơi đùa,... nói chung là các sinh hoạt hàng ngày của trẻ, theo lời khuyên của bác sĩ, là cần phải chăm chút cẩn thận hơn.

Việc rất cần phổ biến hơn nữa là chú ý thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ lẫn đường thủy trong cộng đồng, không quên các nguyên nhân gây tai nạn sinh hoạt và tai nạn lao động. Đó là một trong những đề xuất của giới chuyên môn để phòng tránh và hạn chế đến mức thấp nhất TNTT.

Theo bác sĩ Thu Hà, ngoài nhiệm vụ chung là tiếp tục duy trì chương trình phòng chống TNTT quốc gia, các ngành chức năng cần quan tâm hơn nữa các chiến dịch truyền thông với thời gian đủ dài để thay đổi nhận thức cộng đồng cũng như thực thi luật, chế tài ở mức cao, đủ răn đe nhằm nâng ý thức người dân lên trong phòng chống TNTT– một trong những tai nạn, bệnh tật có thể kiểm soát được...

Bài, ảnh: MINH THÁI– TẤN ANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh