
Khảo sát trong 6 tháng năm 2012, với tổng số 4.346 ca sinh tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, có đến 1.499 ca mổ lấy thai (MLT), chiếm 34,49%. Tuy tỷ lệ này thấp hơn so với các bệnh viện Trung ương và khu vực khác, nhưng các bác sĩ cho biết, so quan niệm mới ở các nước phát triển với tỷ lệ MLT từ 15- 25% thì cũng nên cân nhắc đề xuất kéo giảm tỷ lệ này.
Khảo sát trong 6 tháng năm 2012, với tổng số 4.346 ca sinh tại Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Vĩnh Long, có đến 1.499 ca mổ lấy thai (MLT), chiếm 34,49%. Tuy tỷ lệ này thấp hơn so với các bệnh viện Trung ương và khu vực khác, nhưng các bác sĩ cho biết, so quan niệm mới ở các nước phát triển với tỷ lệ MLT từ 15- 25% thì cũng nên cân nhắc đề xuất kéo giảm tỷ lệ này.
Việc hạn chế những chỉ định MLT chưa phù hợp nhằm giảm tỷ lệ MLT là mục tiêu các bác sĩ sản khoa hướng đến.
Diễn tiến đến MLT
Tỷ lệ sản phụ sinh MLT nêu trên là cao hơn so các biện pháp sinh được thống kê. Cụ thể ngoài MLT, biện pháp sinh thường và sinh chỉ huy chiếm hơn 60%, còn lại là biện pháp sinh khác. Độ tuổi sản phụ sinh bằng phương pháp MLT cao nhất nằm trong khoảng từ 18- 35 tuổi, chiếm đến hơn 82% (khoảng 1.200 ca sinh). Người mới sinh con so có tỷ lệ MLT cao nhất, với khoảng 800 trong tổng số ca.
“Khảo sát tình hình MLT tại Khoa Sản BVĐK tỉnh Vĩnh Long” là đề tài nghiên cứu về MLT đầu tiên đã được bác sĩ chuyên khoa I Lê Kim Thoa và nhóm cộng sự thực hiện năm 2012. “Chúng tôi khảo sát tỷ lệ MLT so tỷ lệ sinh đường âm đạo, khảo sát các chỉ định MLT và tính phù hợp trong chẩn đoán. Qua đó nhằm hạn chế những chỉ định MLT chưa đúng, rút kinh nghiệm trong chẩn đoán cũng như chỉ định MLT hợp lý, góp phần làm giảm tỷ lệ MLT”, bác sĩ CKI Lê Kim Thoa cho biết.
Theo bác sĩ Khoa Sản, có nhiều nguyên nhân để tỷ lệ sản phụ MLT hiện nay cao. Đó là do BVĐK tỉnh là tuyến điều trị cao nhất ở địa phương, có khoa sơ sinh có thể nuôi được trẻ thiếu tháng. Một vấn đề khá khách quan là hiện chỉ 4/8 BVĐK huyện có phòng mổ nên tập trung nhiều trường hợp sinh khó về cho bệnh viện tuyến cuối này với lòng tin của sản phụ vào đội ngũ bác sĩ sản khoa trình độ chuyên môn cao và phương tiện kỹ thuật đầy đủ.
Mỗi gia đình hiện chỉ có 1- 2 con nên tỷ lệ sinh con so tăng, các vấn đề liên quan đến con so như tiền sản giật, đẻ khó... sẽ gặp nhiều. Và yếu tố khá lý thú mà các bác sĩ sản khoa xác nhận: đề nghị của nhiều gia đình đối với trẻ sinh ra là khỏe mạnh thông minh nên… hạn chế bàn tay của bác sĩ giúp...
Các bác sĩ sản khoa cho rằng sinh mổ hay sinh thường đều vẫn có những tai biến nhất định. Việc MLT được khuyến cáo chỉ thực hiện theo đúng chỉ định, ở các trường hợp như: vết mổ cũ (26,22%); suy thai (17,34%); ối vỡ, vô ối và thiểu ối (15,22%) và bất xứng đầu chậu (13,07%).
Cần cân nhắc khi MLT
Kinh tế- xã hội phát triển, các cặp vợ chồng có từ 1 đến 2 con, điều kiện dinh dưỡng chăm sóc tốt nên tỷ lệ thai phụ sinh con to khá cao và là một trong những nguyên nhân dẫn đến sinh khó. Trong đa số trường hợp sinh thì cuộc chuyển dạ diễn tiến bình thường và kết thúc “thuận theo tự nhiên” là sinh theo đường âm đạo.
Tuy nhiên, có trường hợp chuyển dạ khó khăn khiến cho bác sĩ sản khoa cân nhắc lựa chọn phương pháp sinh thích hợp để hạn chế tai biến. Theo bác sĩ sản khoa, trường hợp sản phụ sinh mà cuộc chuyển dạ trì trệ, con to, sinh hút,... nếu không tôn trọng đúng chỉ định, điều kiện kỹ thuật, sẽ dễ gây ra các tai biến vỡ tử cung, rách đường sinh dục, băng huyết,... ảnh hưởng sức khỏe bà mẹ, gây tổn thương cho trẻ. Và biện pháp MLT trong tình huống này sẽ được tính đến.
Con so với sản phụ là có tỷ lệ MLT cao nhất (58,7%), đồng nghĩa với lượng sản phụ MLT trong phạm vi khảo sát sẽ MLT lần 2. Bác sĩ sản khoa xác nhận, một người có vết mổ cũ bắt con khi sinh lần đầu thì 75% sẽ MLT trong lần sinh sau. Nên MLT do... vết mổ cũ ngày càng tăng.
Tiếp xúc với sản phụ Đài Trang (Phường 8- TP Vĩnh Long) sắp sinh tại khoa sản, bác sĩ Lê Kim Thoa nói căn cứ theo hồ sơ bệnh án thì ca sinh này có thể chuyển dạ sinh thường. Sản phụ lần đầu làm mẹ này, cũng như người nhà nói họ đồng tình với cách chuyển dạ tự nhiên, sinh nở bình thường. Và, đây cũng là mong muốn của các bác sĩ.
Tuy MLT có nhiều ưu điểm nhưng theo bác sĩ sản khoa, trong phẫu thuật và gây mê hồi sức cũng có những tai biến nhất định. Tỷ lệ MLT tại BVĐK tỉnh hiện tuy vẫn thấp hơn so với bệnh viện các tuyến khác, song so khuynh hướng quan niệm mới là chỉ từ 15- 25% ở các nước phát triển thì tỷ lệ này còn cao.
“Việc chỉ định MLT hợp lý, có cân nhắc sẽ giảm bớt tốn kém thời gian, tiền bạc cũng như ảnh hưởng đến tương lai sinh sản của phụ nữ. Nhưng dù sao, sinh thường vẫn ít ảnh hưởng đến tương lai sinh sản của người mẹ hơn là MLT”- theo bác sĩ Lê Kim Thoa.
Theo Khoa Sản BVĐK tỉnh, tỷ lệ MLT trong khảo sát trên tương đương so cùng kỳ các năm 2009, 2010, 2011. Tuy nhiên tỷ lệ này thấp hơn so BVĐK Trà Vinh (46,87%), BV Từ Dũ TP Hồ Chí Minh (48,2%), BV Phụ sản Trung ương Hà Nội (50%). |
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin