Mùa đông trẻ dễ mắc tiêu chảy virus

07:12, 11/12/2012

“Tiêu chảy virus hay gặp nhất ở trẻ dưới một tuổi. Đây cũng là lứa tuổi đang trong giai đoạn răng lợi nên dễ lầm tưởng bé bị tiêu chảy vì mọc răng, dẫn đến nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng mất nước nặng”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết.

 


TS Nguyễn Tiến Dũng khám cho trẻ tiêu chảy mất nước phải nhập viện.

“Tiêu chảy virus hay gặp nhất ở trẻ dưới một tuổi. Đây cũng là lứa tuổi đang trong giai đoạn răng lợi nên dễ lầm tưởng bé bị tiêu chảy vì mọc răng, dẫn đến nhiều trường hợp nhập viện trong tình trạng mất nước nặng”, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) cho biết.

Dễ nhầm lẫn

TS Dũng cho biết, tiêu chảy virus rất phổ biến trong mùa đông. Bệnh do rotavirus gây ra và thường chỉ kéo dài trong ba đến bảy ngày. Trẻ thường sốt nhẹ, nôn, tiêu chảy, đi ngoài nhiều lần phân lỏng, màu vàng chanh hoặc trắng lẫn dịch nhầy, có khi như màu hoa cà, hoa cải. Đáng nói, dù là bệnh phổ biến nhưng nhiều bà mẹ vẫn chưa biết cách xử lý khiến trẻ bị mất nước nặng rất nguy hiểm.

Chị Nguyễn Hải Minh (Ô Chựa Dừa, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, hôm trước, thấy con gái chín tháng tuổi hâm hấp sốt, rồi lại đi ngoài xì xoẹt ngày năm, sáu lần, kiểm tra lợi thấy sưng nên nghĩ con đi ngoài mọc răng và không đi khám. Nhưng tình trạng đi ngoài ngày càng nặng hơn, toàn nước, bé kèm theo nôn, cả ngày tè chỉ được hai, ba lần gia đình mới vội đưa đi viện thì còn buộc phải nhập viện để truyền nước vì mất nước nặng.

TS Dũng cho rằng, sự nhầm lẫn này là khá phổ biến bởi bệnh xảy ra chủ yếu ở trẻ nhỏ, các triệu chứng tiêu chảy không xuất hiện đồng thời và mất đi sớm, nên phụ huynh thường hiểu nhầm là trẻ sốt, quấy do mọc răng, hay bị cảm về đêm…

Do đó, phụ huynh thường tự ý cho trẻ uống các loại kháng sinh như Becberin, Biseptol (gây tình trạng rối loạn khuẩn đường ruột, khiến bệnh càng trầm trọng), dùng lá và quả chát có nhiều chất Tanin như lá nhọ nồi, lá ổi xanh, quả hồng xiêm xanh... ngay lập tức sẽ có tác dụng cầm ỉa vì chất Tanin có tác dụng làm săn màng ruột, giảm đi ỉa ngay tức khắc nhưng cách điều trị này có thể gây hại cho cơ thể.

Vì thực chất, bệnh chỉ đỡ giả tạo, còn các tác nhân gây bệnh như virrus, vi khuẩn, nấm, hoá chất... thải hồi rất chậm do màng ruột bị săn, làm cho bệnh càng thêm kéo dài, thậm chí nặng hơn..

Chỉ uống oresol

“Trẻ bị tiêu chảy mùa đông bị mất nước, mất điện giải trầm trọng có thể dẫn tới tử vong nếu không được bù nước, bù điện giải kịp thời. Vì thế, khi bị tiêu chảy virus, quan trọng nhất là bù nước, bù điện giải cho trẻ, kế đến mới là dinh dưỡng”, TS Dũng nói.

Bù nước tốt nhất vẫn là uống oresol. Cha mẹ cần pha đúng tỷ lệ được hướng dẫn. Tuyệt đối không chiều trẻ cho trẻ uống các loại nước ngọt, nước có gas. “Việc pha oresol phải tuân theo chỉ định để ngừa nguy cơ ngộ độc.

Nhiều người vì con không chịu uống đã pha cả gói với chỉ vài ml nước cho con uống, rồi chia nhỏ lượng thuốc, mỗi lần uống pha một tí khiến tỷ lệ pha rất đặc so với khuyến cáo (một gói oresol thường pha với 200ml nước nhưng nhiều người chỉ pha với khoảng 40ml nước) mà không lường hết những hiểm họa có thể xảy đến với trẻ”, PGS.TS Nguyễn Văn Bàng, khoa Nhi BV Bạch Mai nói.

“Oresol có thành phần là muối, đường… pha đặc hơn so với khuyến cáo nên khi bé uống, không khác gì uống một cốc nước muối khiến bé càng khát hơn. Khát nước, bé đòi uống nước và lại tiếp tục bị uống oresol pha đặc này…

“Nạp” quá nhiều muốn khiến hàm lượng muối trong máu tăng lên khiến áp lực thẩm thấu trong máu cao hơn bình thường, “hút” nước từ tế bào, khiến tế bào bị hút hết nước nên bị teo tóp lại. Lúc này, trẻ có biểu hiện da nhăn, khô, mắt trũng, trẻ bị co giật, sốt cao, vật vã, kích thích, hôn mê rất nguy hiểm”, TS Bàng nói.

Vì thế, cần cho trẻ bổ sung oresol đúng cách, nếu nặng lên cần đi viện để kịp thời truyền nước bằng bù dịch (ở những trẻ nôn, mất nước nhiều). Phòng bệnh tiêu chảy, quan trọng nhất là giữ vệ sinh sạch sẽ khi chăm sóc trẻ. Khi trẻ bị đi ngoài, đảm bảo bù đủ nước, ăn cháo (các loại thịt nạc như thăn lợn, thịt bò, ức gà nấu với các loại rau như cà rốt, khoai tây, bí đỏ)….

Dấu hiệu mất nước ở trẻ:

- Trẻ khát nước nhiều, đi tiểu ít.

- Vật vã kích thích hoặc lờ đờ.

- Nhiều trẻ mệt đến mức không khóc được, người cứ lịm đi

- Tình trạng đi ngoài vẫn rất nhiều, lượng nước uống vào được rất ít.

Theo NDĐT

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh