Thuốc lá và bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính

03:11, 02/11/2012

Các chuyên gia y tế nhận định, nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cao và ngày càng gia tăng. Đáng lưu ý, phần lớn số người mắc bệnh này có tiền sử hút thuốc lá.


Hút thuốc không chỉ gây hại bản thân mà còn ảnh hưởng đến người xung quanh.
Ảnh: THANH TÂM

Các chuyên gia y tế nhận định, nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD) cao và ngày càng gia tăng. Đáng lưu ý, phần lớn số người mắc bệnh này có tiền sử hút thuốc lá.

Theo kết quả điều tra dịch tễ mới đây trên 48 tỉnh- thành của cả nước, hiện Việt Nam có khoảng 1,3 triệu người lớn (2,2%) mắc COPD. Ước tính tỷ lệ người hút thuốc lá mắc bệnh này khoảng 4,2%. Tại hội nghị hô hấp và phẫu thuật lồng ngực Pháp– Việt lần 7, tổ chức tại BV Phạm Ngọc Thạch, TP Hồ Chí Minh, từ ngày 29- 31/10/2012, dữ liệu này đã được nêu ra. Tại Việt Nam năm 2010 có 47,4% nam giới và 1,4% nữ giới hút thuốc lá. Theo những nghiên cứu gần đây cho thấy, hút thuốc lá tồn tại cả trong những ngành nghề khó xâm nhập như y tế, giáo dục.

Theo các bác sĩ, COPD được xếp vào hàng các bệnh thường gặp nhất và ở trong nhóm gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới, sau các bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não. Tại các cơ sở y tế, đây cũng là bệnh lý chiếm tỷ lệ cao tại các khoa bệnh phổi, hô hấp. Giới chuyên môn cho rằng, COPD được xem là “sát thủ” vô hình đối với con người bởi bệnh diễn biến âm thầm, không gây nguy hiểm tức thì nhưng người mắc bệnh sẽ thường xuyên thiếu oxy trong máu, mệt mỏi, khó thở, ho, tức ngực,...

Và dễ dẫn đến các biến chứng như: viêm phổi, u phổi, tràn khí màng phổi... Dấu hiệu đầu tiên để người bệnh có thể tự nhận biết là ho, khạc đàm vào buổi sáng. Và các triệu chứng này sẽ xuất hiện với mật độ “dày” hơn ở các độ tuổi về sau này đối với người bệnh, như ho nặng hơn, khó thở, hụt hơi và khó thở khi vận động...

Theo giới chuyên môn, COPD là bệnh có chi phí chữa trị cao so với một số bệnh hô hấp khác. Đây cũng là bệnh cũng không hẳn chữa dứt hoàn toàn mà chỉ có thể làm giảm triệu chứng và chậm quá trình tổn thương ở phổi, cải thiện tình trạng bệnh của người bệnh.

Anh N.V.H. (Trà Ôn), cho biết mỗi ngày anh “tiêu” độ một gói thuốc lá. Anh nói, làm nghề hàng xáo, mua bán giao tiếp khách hàng nhiều, nên... thuốc lá như gắn liền với những lúc tính toán bán mua đặng hụt, lời lỗ. “Biết là khó bỏ và khó bỏ dứt ngay được và không biết có tiềm ẩn dấu hiệu bệnh liên quan đường hô hấp chưa, nhưng với tuổi đời vừa hơn 30, cộng “thâm niên” hơn 10 năm hút thuốc lá, tôi thấy cũng lo lắng lắm!”– anh chia sẻ.

Trước nay, COPD vẫn được xem là bệnh của... người ở độ tuổi trung niên, của người già. Tuy nhiên, hiện nay bệnh nhân mắc COPD có xu hướng trẻ hóa, nhất là với người có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm. Do không “chết liền” và phớt lờ những cảnh báo về việc hút thuốc lá nên nguy cơ dẫn đến bệnh này rất cao. Cũng có nhiều người ý thức được vấn đề sức khỏe, muốn bỏ thuốc lá mà vẫn chưa bỏ được thói quen “trầm tư phì phà” có hại này.

Cũng tại hội nghị nói trên, các chuyên gia y tế cho rằng việc tư vấn điều trị cai thuốc lá luôn là giải pháp hiệu quả để giảm gánh nặng hút thuốc lá trong cộng đồng. Tuy nhiên, tại Việt Nam , số lượng bác sĩ được đào tạo thiết yếu về thuốc lá học và số cơ sở y tế để có thể triển khai tư vấn điều trị cai thuốc lá còn ít, chưa đáp ứng nhu cầu người dân.

AN DĨ HIÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh