Dự án “Phát triển chăm sóc mắt toàn diện” tại tỉnh Vĩnh Long 4 năm qua đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, góp phần làm giảm tỷ lệ người bị mù lòa trong tỉnh.
Thêm 10,4 tỷ đồng để nâng cao năng lực phòng tránh các bệnh về mắt, kéo giảm tỷ lệ mù lòa ở các địa phương trong tỉnh.
Dự án “Phát triển chăm sóc mắt toàn diện” tại tỉnh Vĩnh Long 4 năm qua đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ, góp phần làm giảm tỷ lệ người bị mù lòa trong tỉnh. Cũng dự án này, 4 năm tới đây có 3 đơn vị gồm các huyện Vũng Liêm, Bình Tân và TP Vĩnh Long tham gia, cùng nỗ lực phòng chống mù lòa toàn diện và hiệu quả.
Trước đó, giai đoạn 2009- 2012, dự án đã triển khai tại 5 huyện với mục tiêu thiết lập mạng lưới chăm sóc mắt trong cộng đồng bền vững, giúp người dân dễ dàng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc mắt, nâng cao khả năng phòng tránh nhằm kéo giảm tỷ lệ người bị mù lòa trên địa bàn...
Báo cáo của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long– đơn vị quản lý dự án này– qua 4 năm, dự án đã khám mắt cho 41.000 người bị đục thủy tinh thể, phẫu thuật thay thủy tinh thể cho gần 6.200 người (cả trong, ngoài dự án). Song song đó, tổ chức điều trị bệnh mắt dạng mộng thịt cho 696 người và phá bao sau cho hơn 500 người.
Theo Ban quản lý dự án, cũng giai đoạn 2009- 2012, các bác sĩ khoa mắt của trung tâm đã triển khai chương trình khám khúc xạ học đường 5 huyện trong dự án với gần 38.500 học sinh được khám, cấp hơn 1.000 kính cho học sinh bị bệnh về mắt. Ngoài ra, từ 2010 đến 2012, trung tâm cũng giám sát đục thủy tinh thể cho 900 bệnh nhân khi triển khai mạng lưới theo dõi bệnh nhân sau mổ.
Bác sĩ Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long- cho biết từ năm 2005 đến nay, đặc biệt giai đoạn 2009- 2012, Dự án “Phát triển chăm sóc mắt toàn diện” tại tỉnh Vĩnh Long đã giải phóng mù lòa cho hơn 5.880 ca đục thủy tinh thể và trên 500 ca đục bao sau.
Xác nhận công tác phòng chống mù lòa vẫn đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Sở Y tế cho hay: Dự kiến ở giai đoạn 2013- 2016, dự án hỗ trợ 4.000 ca mổ đục thủy tinh thể, hỗ trợ phẫu thuật đục thủy tinh thể cho 10 trẻ em và hỗ trợ điều trị 800 ca đục bao sau cho bệnh nhân nghèo cũng như khám sàng lọc cho hơn 230.000 học sinh cấp 2 các địa bàn tham gia.
Bác sĩ Phạm Minh Thanh– Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long, giám đốc dự án– cho rằng với nội dung đào tạo nhân lực, dự án đã nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ chăm sóc mắt ở tất cả các tuyến, nhất là tuyến cơ sở.
Đây là tiền đề thu hút người dân đến cơ sở, dịch vụ chăm sóc mắt. Việc cung cấp thiết bị nhãn khoa thiết yếu cho tuyến tỉnh và 5 huyện đảm bảo, giúp dịch vụ chăm sóc nhãn khoa được thuận tiện, giảm chi phí khám chữa bệnh cho người dân cũng như nâng cao nhiệm vụ phòng chống mù lòa, đặc biệt là mổ đục thủy tinh thể...
Đại diện Quỹ Fred Hollows (FHF) Việt Nam, bác sĩ Huỳnh Tấn Phúc, lưu ý Ban quản lý dự án “Phát triển chăm sóc mắt toàn diện” tại tỉnh Vĩnh Long thời gian tới cần tập trung vào chương trình mắt học đường để đối phó các vấn đề về thị lực học đường của học sinh đang ngày càng phổ biến.
Đối với bệnh viện các huyện, thành phố tham gia dự án, Sở Y tế cần đầu tư phát triển dịch vụ khúc xạ, nâng cao năng lực khám điều trị bệnh mắt cơ bản và chuyển tuyến tại tuyến huyện. Cũng theo bác sĩ Huỳnh Tấn Phúc, dự án cần tăng cường giám sát và đánh giá để nâng cao chất lượng hoạt động, chú trọng tập trung vào trẻ em, người khuyết tật và bình đẳng giới trong tất cả các hoạt động liên quan.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin