Phòng chống bệnh TCM, SXH: Không được lơ là...

03:11, 16/11/2012

Ngoài biện pháp chuyên môn thì tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng nhằm nâng cao ý thức người dân thể hiện vai trò trọng yếu trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, nhất là tay chân miệng, sốt xuất huyết (TCM, SXH) đang có diễn biến phức tạp, đang được ngành y tế tỉnh chú trọng.


Cần vệ sinh thoáng đãng môi trường sống, cùng các hoạt động chuyên môn như phun hóa chất để phòng chống hiệu quả nguy cơ mắc bệnh SXH cho trẻ...

Ngoài biện pháp chuyên môn thì tuyên truyền rộng rãi đến cộng đồng nhằm nâng cao ý thức người dân thể hiện vai trò trọng yếu trong phòng, chống các bệnh truyền nhiễm, nhất là tay chân miệng, sốt xuất huyết (TCM, SXH) đang có diễn biến phức tạp, đang được ngành y tế tỉnh chú trọng.

Bệnh TCM, SXH vẫn diễn biến phức tạp!

Số liệu thống kê đến ngày 13/11/2012 của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long cho thấy, tổng số ca mắc bệnh TCM trong toàn tỉnh cộng dồn từ đầu năm đến thời điểm trên có hơn 2.700 ca, trong đó có 1 ca tử vong.

Số ca mắc bệnh này xuất hiện đều khắp các huyện, thành phố. Địa phương có số ca mắc bệnh này cao là huyện Long Hồ (hơn 800 ca), TP Vĩnh Long (trên 500 ca). Đối với bệnh SXH, số liệu thống kê của cơ quan này, đến cuối tháng 10/2012 toàn tỉnh có hơn 1.300 ca mắc bệnh, không có ca tử vong.

Huyện Vũng Liêm, Long Hồ và TP Vĩnh Long là địa phương có số ca mắc cao. Diễn biến của các bệnh này vẫn đang rất phức tạp so cùng kỳ, nhất là khoảng thời gian từ giữa đến cuối năm– theo báo cáo của Sở Y tế Vĩnh Long nhận định.

Y sĩ Lê Thị Thanh- Trưởng Trạm y tế Nhơn Phú (Mang Thít)- cho biết từ đầu năm đến giờ, địa bàn xã ghi nhận có 24 ca mắc bệnh TCM, 21 ca mắc SXH. Đáng quan tâm, số này tập trung từ khoảng tháng 7- 10 trong năm nay, còn từ đầu năm đến trước thời điểm trên, trên địa bàn xã không ca nào mắc SXH.

Tại Trung tâm Y tế xã Trường An (TP Vĩnh Long), theo Trưởng trạm– y sĩ Võ Thị Đào: “Số ca mắc TCM chủ yếu phát hiện ở trường học mầm non, mẫu giáo, nơi trẻ nhỏ theo học. Đa số lẻ tẻ, tháng này 1 ca, 2 ca, có tháng 3 ca”.

Còn tại Trung tâm Y tế huyện Long Hồ thì tình hình bệnh TCM trên địa bàn có tăng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến số trẻ mắc TCM là do diễn biến thời tiết bất thường.

Chú trọng phòng, chống bệnh từ cơ sở

Ngành y tế tỉnh xác định đây là một trong những công tác trọng yếu trong phòng, chống và kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, nhất là bệnh TCM và SXH.

Với các bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh giám sát, theo dõi tình hình bệnh tại các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và quân dân y; chuẩn bị sẵn sàng vật tư, hóa chất để phòng chống bệnh, giám sát chặt chẽ.

Trạm thực hiện tuyên truyền vào trường học (do y tế xã kết hợp với y tế trường học), qua nhân viên y tế ấp để phổ biến đến người dân các địa bàn, nói chuyện chuyên đề lồng ghép, phát tờ rơi đến người dân... – y sĩ Võ Thị Đào nói biện pháp tuyên truyền phòng chống bệnh này trên địa bàn.

Xác nhận môi trường của các trường học mầm non, mẫu giáo dễ dẫn đến nguy cơ các bệnh này cho trẻ, nên công tác kiểm soát, phòng chống từ các cơ sở này là rất nên chú trọng ở các địa phương.

Theo y sĩ Lê Thị Thanh, khi phát hiện có bệnh thì trạm sẽ giám sát ngay. “Ngay cả những bệnh lý rất bình thường nhưng người dân vẫn gọi đến trạm y tế xã để hỏi, để được tư vấn diễn biến và cách phòng chống...” – y sĩ Lê Thị Thanh nói về ý thức phòng chống các loại bệnh truyền nhiễm nói chung, bệnh TCM, SXH nói riêng của người dân trong cộng đồng.

Trung tâm Y tế huyện Mang Thít đang tích cực phối hợp với các điểm trường mầm non, mẫu giáo để phun thuốc sát khuẩn vệ sinh môi trường trường học của trẻ. Đây là biện pháp được đánh giá cao trong việc ngăn chặn mầm bệnh tại những nơi tập trung đông trẻ nhỏ, đối tượng chủ yếu mà bệnh TCM tấn công.

Ghi nhận tại y tế cơ sở, hiện nay hầu hết các trạm kết hợp chặt chẽ y tế ấp tuyên truyền vận động gia đình có trẻ nhỏ tích cực vệ sinh môi trường, phun hóa chất ở các trường mầm non, mẫu giáo để hạn chế số ca mắc TCM xảy ra.

Bài, ảnh: MINH THÁI

 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh