Để duy trì kết quả bền vững

06:10, 26/10/2012

Ngày 24/10/2012, Vĩnh Long đã được Bộ Y tế công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh năm 2012 tại hội nghị do BCĐ tỉnh và Bệnh viện Da liễu Trung ương phối hợp tổ chức. Vấn đề đặt ra là làm sao để kế hoạch, giải pháp ngày càng hiệu quả trong duy trì bền vững kết quả được công nhận.


Tuyên truyền nâng cao hiểu biết phòng chống bệnh phong qua nhiều hình thức.

Ngày 24/10/2012, Vĩnh Long đã được Bộ Y tế công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh năm 2012 tại hội nghị do BCĐ tỉnh và Bệnh viện Da liễu Trung ương phối hợp tổ chức. Vấn đề đặt ra là làm sao để kế hoạch, giải pháp ngày càng hiệu quả trong duy trì bền vững kết quả được công nhận.

Giảm mạnh trong nhiều năm

Theo bác sĩ Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế Vĩnh Long, bệnh phong trong cộng đồng hiện nay ngày càng giảm đi, bệnh nhân mới phát hiện hàng năm cũng giảm. Đặc biệt trong 3 năm gần đây trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ phát hiện, tỷ lệ lưu hành và tỷ lệ tàn tật độ 2 giảm rõ rệt, nằm dưới mức tiêu chuẩn của Bộ Y tế để công nhận loại trừ quy mô cấp tỉnh.

Còn theo bác sĩ Phạm Minh Thanh- Giám đốc Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long, tất cả bệnh nhân phong khi phát hiện đều được đa hóa trị liệu kịp thời, đúng phác đồ; công tác quản lý, chăm sóc phòng ngừa tàn tật luôn được cán bộ chuyên trách bệnh phong quan tâm thực hiện tốt.

Bác sĩ Võ Thanh Long- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Bình Tân cho biết, thời gian qua còn gặp khá nhiều khó khăn trong triển khai phòng chống loại bệnh này do là địa phương mới chia tách, nhận thức của người dân trong cộng đồng còn thấp. Tuy nhiên nhờ nỗ lực của các cấp ngành địa phương nên bệnh phong trên địa bàn vẫn được kiểm soát tốt. Hiện huyện Bình Tân đang quản lý 16 bệnh nhân phong (bệnh điều trị: 1, bệnh giám sát: 4 và chăm sóc tàn tật: 11).

Kết quả kiểm tra bệnh phong ở tuyến tỉnh đến cuối tháng 9/2012, cho thấy: tỷ lệ lưu hành chiếm 0,09/10.000 dân; tỷ lệ phát hiện bệnh mới chiếm 0,25/100.000 dân; tỷ lệ tàn tật độ 2 là 00% và kiểm tra tại 10 đơn vị xã về kiến thức bệnh phong, 100% người dân ở các tầng lớp chính trị- xã hội đều trả lời đúng nội dung tuyên truyền. So sánh số liệu theo 3 tiêu chuẩn 1, 2, 3 của Bộ Y tế, Vĩnh Long đã được công nhận loại trừ bệnh phong phạm vi toàn tỉnh.

Hiện tại, Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Vĩnh Long đang quản lý 137 bệnh nhân phong (điều trị: 10 người, giám sát: 44 người và chăm sóc tàn tật: 83 người).

“Siết chặt” quản lý sau loại trừ

Vấn đề này được ngành chuyên môn, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long đặt ra cho ngành y tế địa phương trong duy trì kết quả loại trừ bệnh phong cũng như tiếp tục phòng chống hiệu quả bệnh này trong thời gian tới.

Bà Huỳnh Kim Nguyên- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Long khi dự hội nghị tổng kết kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong quy mô cấp tỉnh, cho rằng đã công nhận loại trừ, nhưng “kế hoạch sau loại trừ bệnh phong, công tác phòng chống bệnh phong không vì thế mà lơ là”. Bà Huỳnh Kim Nguyên còn lưu ý: Các cấp ngành cần kết hợp chặt chẽ với ngành y tế tuyên truyền nâng cao kiến thức phòng chống bệnh phong trong cộng đồng, từng bước đẩy lùi sự kỳ thị. Có biện pháp tạo điều kiện cho bản thân, gia đình bệnh nhân phong có việc làm ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống...



Giám sát chặt chẽ, đa hóa trị liệu kịp thời đúng phác đồ đối với bệnh nhân phong (bên phải).

Tiến sĩ Trần Văn Tiến- Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương, Chủ tịch Hội đồng kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong phạm vi tỉnh Vĩnh Long- cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của kế hoạch sau loại trừ bệnh phong 2012 của tỉnh. Ông cho rằng, giáo dục y tế trong kế hoạch sau loại trừ bệnh phong luôn hết sức khó khăn. Vì thế ngành y tế, mà cụ thể là đội ngũ cán bộ chuyên môn bệnh phong, cùng cộng đồng, cần hết sức nhiệt tình để công tác phòng chống phong đạt hiệu quả cao. Vai trò của đội ngũ này trong giáo dục y tế cho từng khu vực đối tượng về bệnh phong cần phát huy tốt hơn ở giai đoạn sau loại trừ.

Bác sĩ Trần Văn Út cho hay, ngành y tế tỉnh tiếp tục triển khai các công tác sau loại trừ bệnh phong bằng cách đảm bảo mạng lưới y tế để khám và phát hiện kịp thời bệnh mới, đa hóa trị liệu cho bệnh nhân, phòng chống tàn tật, hướng hòa nhập cộng đồng cho bệnh nhân phong, con em họ được đến trường,... Ngành cũng sẽ quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu và tranh thủ kinh phí từ các nguồn đầu tư để duy trì loại trừ bệnh phong bền vững.

Loại trừ bệnh phong không có nghĩa là bệnh phong đã xóa hẳn trong cộng đồng, mà là hạ thấp các tỷ lệ lưu hành, phát hiện mới và tàn tật độ 2 của bệnh nhân phong xuống dưới mức tiêu chuẩn cho phép của Việt Nam. Theo Bệnh viện Da liễu Trung ương, Vĩnh Long là tỉnh thứ 49/63 tỉnh, thành trên cả nước kiểm tra công nhận loại trừ bệnh phong. Ngành y tế xác định đến 2015 sẽ loại trừ bệnh phong trên cả nước, tiến tới thanh toán bệnh phong vào năm 2030 – theo Chương trình phòng chống bệnh phong quốc gia.

Bài, ảnh: MINH THÁI


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh