
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, thế kỷ 21 là thế kỷ của những bệnh không lây, trong đó có bệnh đái tháo đường.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cảnh báo, thế kỷ 21 là thế kỷ của những bệnh không lây, trong đó có bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, những năm gần đây, căn bệnh này không còn chỉ phổ biến là tuýp 2 (mắc ở người lớn) mà tình trạng trẻ em mắc bệnh đái tháo đường (tuýp 1) ngày càng gia tăng. Nguyên nhân của tình trạng này có rất nhiều như yếu tố như di truyền, chế độ dinh dưỡng không hợp lý khiến trẻ béo phì…
|
Lấy máu xét nghiệm lượng đường trong máu cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
|
Bất ngờ khi phát hiện…
Khi chúng tôi đến Khoa Nội tiết-Di truyền-Chuyển hóa, Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội) tìm hiểu vấn đề này thì được biết, trong số gần 300 bệnh nhi đang điều trị tại đây, có tới hơn 90% mắc đái tháo đường tuýp 1, phải dùng thuốc trị bệnh suốt đời. Thật xót xa khi nhìn thấy những đứa trẻ có hình dáng khác nhau như gầy gò, béo phì, cao, thấp... nhưng đều chung một điểm là mang trong mình căn bệnh mãn tính đái tháo đường. Như trường hợp cậu bé Nguyễn Mạnh Hùng (9 tuổi, ở Lạng Sơn) bị mắc bệnh từ năm 3 tuổi. Từ đó đến nay, mỗi ngày cháu phải nhận 2 mũi tiêm insulin vào cơ thể để kiểm soát đường huyết. Bố của bé Hùng tâm sự: “Từ nhỏ cháu đã có thói quen thích ngọt nên ăn rất nhiều bánh kẹo. Gia đình cũng không để ý nhiều đến sở thích đó của con. Một bữa, tôi vô tình phát hiện thấy kiến bu vào bãi nước tiểu của con, lại thấy cháu có dấu hiệu sút cân nên mới đưa đi khám. Các xét nghiệm cho thấy, cháu đã bị đái thái đường tuýp 1".
Đã 9 tuổi nhưng nhìn Hùng nhỏ thó như trẻ lên 6. Do kịp thời dùng thuốc đều đặn suốt 6 năm qua nên cậu bé không bị các biến chứng, đủ sức khỏe để theo học ở trường. Lần này xuống Bệnh viện Nhi Trung ương khám định kỳ, Hùng còn được Câu lạc bộ bệnh nhi đái tháo đường của bệnh viện tặng quà, vì đạt học sinh giỏi trong năm học vừa qua.
Bác sĩ Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết-Di truyền-Chuyển hóa cho biết, đái tháo đường tuýp 1 thuộc loại bệnh tự miễn, không thể phòng ngừa được. Đây là dạng bệnh thường thấy ở trẻ em trên toàn cầu, chủ yếu do yếu tố di truyền như trong gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường hoặc do người mẹ mắc bệnh trong khi mang thai. Ngoài ra, tình trạng căng thẳng thần kinh cũng làm gia tăng các nội tiết tố liên quan đến đường huyết, nhiễm vi sinh vật, một số kháng thể có trong thức ăn và thuốc cũng có thể gây bệnh. Các loại thuốc được xem là có liên quan đến đái tháo đường như Acid Nicotinic, Cortisone, Interferon, thuốc điều trị AIDS, ung thư,…
Không dễ nhận biết dấu hiệu bệnh
Hiện nay, nhiều bậc cha mẹ vẫn nghĩ bệnh đái tháo đường không thể xảy ra với trẻ em. Do đó, khi trẻ có các triệu chứng như ăn nhiều, uống nhiều, tiểu nhiều nhưng sụt cân nhanh mà họ không để ý. Vì vậy, phần lớn trẻ em bị đái tháo đường được đưa đến bệnh viện đều trong tình trạng nặng, người đã lừ đừ, rối loạn tri giác hoặc hôn mê. Đái tháo đường ở trẻ em có diễn tiến rất nhanh. Từ lúc phát hiện được sự thay đổi của trẻ như các biểu hiện ăn uống nhiều nhưng vẫn sụt cân, đến lúc trẻ hôn mê chỉ khoảng từ 2 đến 3 tuần. Theo bác sĩ Vũ Chí Dũng, phần lớn trẻ bị đái tháo đường nhập viện trong tình trạng nặng, nên quá trình điều trị gặp nhiều khó khăn, dễ dẫn tới biến chứng. Biến chứng cấp tính có biểu hiện như hôn mê, rối loạn tri giác; biến chứng mãn tính như đục thủy tinh thể, tổn thương thận, cao huyết áp, phát triển chậm về thể chất, thậm chí tử vong. Tình trạng béo phì và lối sống tĩnh tại, ít vận động cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới bệnh đái tháo đường ở trẻ. Thống kê của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy, tỷ lệ trẻ béo phì đang gia tăng báo động ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh... Việc điều trị cho trẻ đái tháo đường không hề đơn giản, bệnh lại tiến triển âm thầm, phải xét nghiệm mới phát hiện được bệnh. Để điều trị, ngoài dùng thuốc còn phải tuân theo chế độ ăn kiêng cực kỳ nghiêm ngặt. Tuy vậy, đối với trẻ, nhất là những trẻ đang độ tuổi phát triển, không thể bắt kiêng khem quá mức. Khi trẻ mắc bệnh, việc tạo lập cho chúng ý thức về bệnh không dễ. Cũng theo bác sĩ Dũng, nếu điều trị đái tháo đường không đúng sẽ gây ra những biến chứng nhất định, trong đó có hạ đường huyết. Do đang tuổi lớn, não của trẻ em cần được cung cấp đường, nên khi hạ đường huyết sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến não, làm giảm sự phát triển của não, gây giảm trí thông minh và giảm thị lực.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo cha mẹ nên bảo đảm đủ dinh dưỡng cho trẻ, không nên bắt trẻ kiêng khem quá mức. Trẻ em mắc đái tháo đường rồi vẫn có thể phát triển bình thường nếu được tiêm đủ insulin và chế độ ăn uống thích hợp. Tuy nhiên, cũng nên hạn chế cho trẻ ăn bánh kẹo, sô-cô-la, nước cốt dừa, đặc biệt, không nên dùng nước ngọt có ga. Đồng thời, nên thường xuyên kiểm tra nồng độ đường trong máu của trẻ để có giải pháp thích hợp.
Theo QĐND Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin