
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng số ca mắc trong tình trạng báo động. Theo thống kê của ngành y tế, hiện bệnh đã tăng trên 60% so cùng kỳ. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, không chỉ riêng trẻ mắc bệnh mà số lượng người lớn mắc bệnh SXH cũng tăng cao.
Phòng chống bệnh SXH, ngoài sự nỗ lực của ngành y tế cần lắm sự “hợp tác” của người dân.
Bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang gia tăng số ca mắc trong tình trạng báo động. Theo thống kê của ngành y tế, hiện bệnh đã tăng trên 60% so cùng kỳ. Ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, không chỉ riêng trẻ mắc bệnh mà số lượng người lớn mắc bệnh SXH cũng tăng cao.
Không chỉ trẻ em mắc bệnh SXH
Bệnh SXH đang gia tăng ở tất cả các tuyến, trong đó không chỉ riêng trẻ em mắc bệnh mà số người lớn mắc bệnh cũng gia tăng.
Chị Trần Thị Diệu (Tân An Luông- Vũng Liêm) đang thấp thỏm vì đứa con gái Tuyết My (4 tuổi) bệnh SXH nhưng nhập viện trễ. Chị kể: “Mới đầu thấy con sốt, cứ tưởng bệnh do chuyển mùa nên mua thuốc giảm sốt cho cháu uống. 2 ngày không hết, bệnh cháu trở nặng nên đưa ra huyện thì phát hiện cháu bệnh SXH phải chuyển lên Vĩnh Long và phải nằm phòng hồi sức”.
Em Trần Tấn Cường (15 tuổi ở Mỹ An- Mang Thít) cũng do chủ quan khi sốt kéo dài nên phải nhập viện và nằm trong phòng hồi sức cấp cứu. Chị Đỗ Thạnh Nữ, mẹ Cường cho biết: “Sau 2 ngày nhập viện điều trị, cháu qua khỏi nguy hiểm nhưng vẫn còn nằm cho bác sĩ theo dõi. Bác sĩ nói do cháu nhập viện trễ nên bệnh chuyển sang sốc”. Từ đầu năm đến nay, Khoa Nhiễm- Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận trên 200 trường hợp người lớn mắc bệnh SXH, trong có 1/3 là bệnh nặng do gia đình chủ quan đưa đến muộn.
Những trường hợp trên không phải là cá biệt do bệnh SXH gây ra. Do có những triệu chứng nóng sốt giống như nhiều bệnh khác nên nhiều gia đình có sự nhầm lẫn và hậu quả là bệnh nặng dẫn đến sốc do chậm đưa đến bệnh viện.
Thống kê của Khoa Nhi- Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ở thời điểm hiện tại, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận gần 20 ca bệnh SXH nhập viện điều trị, trong đó số ca nặng chiếm khoảng 40%. Bác sĩ Cao Thị Phi Nga- Trưởng Khoa Nhi- cho biết, khoảng một tháng trở lại đây, số bệnh nhân đến khám và nhập viện do bệnh SXH tăng cao so cùng kỳ. Ngoài ra, hiện nay đang ở giai đoạn “dịch chồng dịch”, ngoài bệnh SXH thì các bệnh tay chân miệng, viêm đường hô hấp cũng tăng cao. Theo thống kê, mỗi ngày khoa tiếp nhập từ 350- 380 trẻ đến khám các bệnh trên.
Người dân phải tự ý thức phòng bệnh
Từ đầu năm, đến nay, Trung tâm Y tế dự phòng Vĩnh Long đã triển khai 2 chiến dịch diệt lăng quăng và dập dịch trên diện rộng. Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan trong công tác phòng chống bệnh SXH. Anh Bùi Thanh Tài- cán bộ y tế xã An Phước cho biết: “Sau khi có ý kiến chỉ đạo từ trên, địa phương triển khai cán bộ y tế ấp kết hợp với tổ nhân dân tự quản đến từng hộ gia đình vận động kết hợp việc tổ chức lật úp các vật dụng chứa nước và vệ sinh xung quanh nhà”. Cũng theo anh Tài, “vậy mà vẫn còn một số hộ mình đã tuyên truyền nhưng tháng sau tới xem sao thì mọi chuyện vẫn y nguyên”.
Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh SXH do muỗi gây ra. Do đó, để phòng ngừa bệnh người dân phải thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng để không cho muỗi sinh sản lây bệnh theo mà ngành y tế đã khuyến cáo.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh phát hiện 1.279 ca mắc bệnh SXH, tăng 63% so cùng kỳ và có nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới. Ông Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Hiện nay, bệnh SXH đang vào mùa cao điểm và diễn biến phức tạp. Mỗi tuần, tỉnh phát hiện khoảng 40 ca bệnh, trong đó có nhiều ca bệnh nặng”. Cũng theo ông Huỳnh Thanh Tân, thực hiện sự chỉ đạo của ngành y tế, trung tâm triển khai các chiến dịch diệt lăng quăng và dập dịch trên diện rộng ở những địa phương có nguy cơ cao. Mặc dù người dân đều hiểu nhưng một bộ phận người dân vẫn chưa ý thức cao trong công tác phòng chống bệnh. Tới đây, trung tâm tiếp tục kết hợp các ban ngành tuyên truyền đến mọi đối tượng, đặc biệt là đợt cao điểm có thể bùng phát bệnh như hiện nay.
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin