Vệ sinh tốt, không sợ bệnh tay chân miệng

10:09, 28/09/2012

Dự án “Ứng phó khẩn cấp bệnh tay chân miệng (TCM)” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long triển khai tại 2 huyện Vũng Liêm và Long Hồ bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân.


Nhiều bà mẹ khi được tư vấn mới vỡ lẽ, phòng bệnh TCM chủ yếu là giữ gìn vệ sinh thật tốt.

Dự án “Ứng phó khẩn cấp bệnh tay chân miệng (TCM)” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh Vĩnh Long triển khai tại 2 huyện Vũng Liêm và Long Hồ bước đầu đã làm thay đổi nhận thức của người dân.

Nhiều người còn chưa hiểu về bệnh TCM

Cách nay khoảng gần tháng, bà Lê Hồng Hoa (Phước Hậu- Long Hồ) đứng ngồi không yên vì hai đứa cháu ngoại (1 tuổi và 3 tuổi) đồng loạt nóng sốt và nổi những mụn nước li ti trên tay chân và miệng. Đưa 2 cháu đến bệnh viện, bà đứng ngồi không yên. Bà kể: “Khám xong, bác sĩ nói 2 đứa bị bệnh TCM do bị lây với nhau. Tôi cũng nghe loáng thoáng nhưng không hiểu cho lắm. Cha mẹ nó đi làm ở khu công nghiệp, để 2 đứa nhỏ ở nhà cho tôi nuôi. Tôi chăm sóc kỹ lắm mà cũng bị bệnh”. Khoảng một tuần sau đó, khi 2 cháu về nhà, cán bộ y tế ấp đến tận nhà tư vấn thì bà Hoa mới biết nguyên nhân.

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Ngọc Lâu (Tân An Luông- Vũng Liêm) mặc dù hết sức kỹ lưỡng nhưng cháu vẫn bị bệnh TCM. Chị kể: “Tôi cũng nghe nói về bênh này nên chăm sóc cháu kỹ lắm. Cháu nó chưa đi học, ở gần nhà cũng không ai mắc bệnh nên khi cháu mắc bệnh gia đình lo lắng lắm”.

Dự án “Ứng phó khẩn cấp bệnh TCM” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai dưới hình thức cử những tình nguyện viên (TNV) đến tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình. Tại đây, các TNV hướng dẫn các kỹ năng thực hành về cách phòng ngừa và vệ sinh cho trẻ, các dấu hiệu nhận biết, cách xử trí khi có bệnh xảy ra…

Chị Phan Thị Hoa- cộng tác viên (CTV) dự án phòng bệnh TCM ấp Phước Ngươn A (Phước Hậu- Long Hồ) cho biết: “Khi đến nhà để hướng dẫn cách phòng bệnh, có nhà biết, có nhà không biết căn bệnh này. Nhiều người dù có nghe nói nhưng khi hỏi về cách phòng bệnh cụ thể thì không biết”.

Anh Nguyễn Thanh Hải- TNV ấp Gò Ân (Tân An Luông- Vũng Liêm) kể: “Mới ban đầu, nhiều người dân ở đây cũng vậy, gần phân nửa còn mơ hồ khi được hỏi cách giữ gìn vệ sinh và phòng bệnh. Vậy mà qua lần tư vấn trực tiếp, khi chúng tôi quay trở lại thì họ đã thuần thục rồi”.

Vệ sinh tốt, không sợ bệnh TCM

Theo Hội Chữ thập đỏ tỉnh, trong số 35 xã của 2 huyện được triển khai dự án, các địa phương đã thành lập 350 TNV đến tư vấn trực tiếp tại gia đình có con từ 5 tuổi trở xuống.

Bà Trần Thị Hoàng- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Phước Hậu cho biết: “Sau khi huyện phát động, chúng tôi đã thành lập 10 TNV- họ đa số là nhân viên y tế ấp hoặc CTV dân số nên nắm rất sát địa bàn và đối tượng. Tính đến nay, các đối tượng được chúng tôi tuyên truyền giáp tay về cách thức phòng tránh bệnh. Ngoài ra, chúng tôi đã tổ chức tư vấn tại các điểm trường mẫu giáo, họp nhóm để tư vấn nên ý thức người dân trong công tác phòng bệnh được nâng cao rất nhiều”.

Ông Trương Văn Khâu- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Tân An Luông cho biết: “Hiệu quả của dự án là sau khi tổ chức vãng gia tư vấn tại hộ gia đình, ý thức người dân trong công tác phòng bệnh đã thay đổi rất nhiều, đặc biệt trong công tác vệ sinh phòng bệnh. Nhiều người trước đây còn nghe nói loáng thoáng về bệnh này nay đã hiểu rõ và biết cách tự bảo vệ con em mình”. Bà Lê Hồng Hoa (Phước Hậu- Long Hồ) kể: “Mỗi lần tôi kêu cháu nó rửa tay, nó hỏi sao ngoại rửa tay con hoài. Bởi cán bộ y tế dặn vậy mà, vệ sinh sạch sẽ thì không sợ bệnh”.


TNV xã Phước Hậu tư vấn tại hộ gia đình có con em bị bệnh TCM.

Đánh giá bước đầu khi triển khai dự án tại Vũng Liêm, ông Trần Văn Lập- Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Vũng Liêm cho biết: “Đa số người dân có con em trong độ tuổi biết qua căn bệnh này, tuy nhiên ý thức phòng bệnh thì nhiều người còn mơ hồ. Qua quá trình triển khai, khi TNV đến hướng dẫn thì nhiều hộ rất đồng tình và hưởng ứng làm theo. Huyện Vũng Liêm đến nay cơ bản tuyên truyền giáp tay đến các đối tượng (có con từ 5 tuổi trở xuống) và đang ở giai đoạn giám sát trở lại. Qua đánh giá bước đầu, khoảng 90% đối tượng thực hiện đúng theo các hướng dẫn của TNV”.

Còn theo ông Huỳnh Trung Hiếu- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Long Hồ: “Theo thông tin từ các xã, nhiều nơi còn tổ chức tư vấn tập thể tại các điểm trường mẫu giáo, tổ chức họp nhóm cũng như tư vấn trực tiếp tại gia đình. Nhiều trường hợp gia đình cũng biết bệnh này nhưng không rõ cách phòng nên khi có TNV mình xuống hướng dẫn thì họ mừng lắm”.

Đánh giá về hiệu quả qua hơn một tháng thực hiện, dự án “Ứng phó khẩn cấp bệnh TCM” do Hội Chữ thập đỏ tỉnh triển khai đã phát huy hiệu quả trong việc nâng cao nhận thức của người dân trong phòng chống bệnh TCM.

Dự án “Ứng phó khẩn cấp bệnh TCM” do Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ. Mục đích của dự án nhằm góp phần làm giảm tỷ lệ mắc, tử vong và lây lan bệnh TCM trong cộng đồng đồng thời nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong tỉnh về bệnh TCM. Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, hiện nay bệnh TCM đang có xu hướng tăng trở lại sau nhiều tháng giảm, tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh phát hiện 1.656 ca TCM, tăng khoảng 10% so cùng kỳ và có 1 ca tử vong. Nguyên nhân số bệnh TCM tăng được xác định là do bệnh đang bước vào đỉnh dịch thứ hai trong năm (từ tháng 9- 12/2012).

Bài, ảnh: BÙI THANH


 

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh