Đột quỵ (strocke) là tình trạng xảy ra đột ngột gây ra những khiếm khuyết thần kinh không hồi phục và diễn tiến trên 24 giờ. Nếu không được can thiệp kịp thời, di chứng để lại hết sức nặng nề- bác sĩ Trần Quang Thắng, Phó Trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết.
Đột quỵ (strocke) là tình trạng xảy ra đột ngột gây ra những khiếm khuyết thần kinh không hồi phục và diễn tiến trên 24 giờ. Nếu không được can thiệp kịp thời, di chứng để lại hết sức nặng nề- bác sĩ Trần Quang Thắng, Phó Trưởng Khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Cấp cứu Trưng Vương cho biết.
Người trẻ cũng dễ bị đột quỵ
Bác sĩ Quang Thắng cho biết, đột quỵ chia làm 2 nhóm nguyên nhân: Người lớn tuổi và người trẻ tuổi. Ở người lớn tuổi chủ yếu do cao huyết áp, những nguyên nhân làm xơ vỡ mạch máu như tiểu đường, xơ vỡ động mạch. Tình trạng đột quỵ ở người trẻ do 2 nhóm nguyên nhân: nhóm nguyên nhân về não và nhóm nguyên nhân về tim mạch, trong đó nhóm nguyên nhân về não chiếm đa số.
Nguyên nhân về não là tình trạng xuất huyết do vỡ dị dạng mạch máu não. Dị dạng này có từ lâu, tiến triển một cách âm thầm mà con người không biết. Các mạch máu đã dị dạng, mỗi ngày một giãn ra, yếu đi. Có một cơ hội nào đó (do áp lực công việc nhiều, uống rượu bia, hút thuốc lá, hít heroin,...) làm ảnh hưởng đến sự co thắt mạch máu, cộng thêm nhiệt độ thay đổi, nóng lạnh đột ngột khiến mạch máu co thắt nhiều, dẫn đến bị vỡ.
Đặc biệt thời điểm cuối năm (mùa đông), nhiệt độ thay đổi, cộng với áp lực công việc nhiều, mỗi thứ một chút là nguyên nhân dễ gây ra tình trạng trên– bác sĩ Quang Thắng nhấn mạnh.
Di chứng nặng nề
Theo bác sĩ Quang Thắng, người bệnh cần nhận biết được yếu tố nguy cơ để phòng ngừa, vì nếu bệnh đã xảy ra thì điều trị tốn kém mà hiệu quả không cao. Nếu điều trị thì cũng để lại những di chứng nặng nề như tàn phế, yếu liệt, khiếm khuyết một chức năng nào đó trong cơ thể, không thể sinh hoạt một cách bình thường, sống đời sống thực vật.
Sơ cứu, điều trị
Khi bị đột quỵ, về nguyên tắc cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt. Đặt người bệnh ở tư thế nằm nghiêng, để nếu có chất ói thì không bị hít vào phổi, vị trí tốt nhất là đầu cao khoảng 30 độ để áp lực nhồi sọ không tăng lên.
Dân gian thường tự sơ cứu bằng các hình thức như cho người bệnh uống nước chanh, uống nước đường. Những hình thức này cực kỳ nguy hiểm, dễ khiến người bệnh bị sặc vào phổi, khiến tình trạng bệnh nặng thêm. Nên để không khí thông thoáng, cơi nới quần áo cho người bệnh dễ thở và di chuyển người bệnh tới bệnh viện càng sớm càng tốt để kịp thời can thiệp– bác sĩ Quang Thắng khuyến cáo.
Cách phòng bệnh
Bác sĩ Quang Thắng cũng cho biết, trong mùa đông, người lớn tuổi cần giữ ấm cho tốt, tắm nước ấm để tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Về thần kinh, ở nhóm người trẻ, tình trạng đột quỵ chủ yếu do dị dạng mạch máu não. Nếu có dị dạng mạch máu não thì thường triệu chứng biểu hiện là đau đầu kéo dài mà không rõ nguyên nhân.
Trong cơn đau đầu, nếu xuất hiện dấu hiệu bất thường, đó là sự mất cân đối, mất sự đối xứng, ví dụ một tay yếu hơn, một mắt mờ hơn một chút, miệng méo một chút... Khi đó, người bệnh cần đến bác sĩ chuyên khoa để tầm soát nguyên nhân, chụp mạch máu não.
Bác sĩ Quang Thắng cho biết, những triệu chứng đau đầu nhẹ nhàng dễ khiến người bệnh nhầm lẫn với các bệnh khác. Nhiều người đau đầu cứ nghĩ mình bị viêm xoang nên chữa viêm xoang làm cho bệnh ngày càng nặng thêm.
Điều quan trọng là phát hiện sớm, chủ động điều trị, sinh hoạt điều độ, lành mạnh, không hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn ngủ đúng giờ giấc, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao- bác sĩ Quang Thắng đưa ra lời khuyên.
5 triệu chứng nhận biết đột quỵ
1. Đột ngột yếu, tê mặt, tay, chân.
2. Đột ngột nhìn mờ đi hoặc mất thị lực.
3. Đột ngột khó nói hoặc không hiểu lời nói.
4. Đau đầu dữ dội mà không biết nguyên nhân.
5. Chóng mặt, loạng choạng, té, không giải thích được lý do.
MD
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin