Bước vào “đỉnh dịch” bệnh sốt xuất huyết

11:08, 04/08/2012

Tính đến thời điểm này, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã tăng gấp đôi so cùng kỳ với 903 ca mắc. Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong tháng 6 và tháng 7, mỗi tháng có trên 200 ca mắc, trong đó có nhiều ca nặng. Theo dự báo của ngành chức năng, bệnh đang bước vào giai đoạn “đỉnh dịch” và còn tiếp tục tăng, nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới rất có thể xảy ra.

Tính đến thời điểm này, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã tăng gấp đôi so cùng kỳ với 903 ca mắc. Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, trong tháng 6 và tháng 7, mỗi tháng có trên 200 ca mắc, trong đó có nhiều ca nặng. Theo dự báo của ngành chức năng, bệnh đang bước vào giai đoạn “đỉnh dịch” và còn tiếp tục tăng, nguy cơ bùng phát dịch trong thời gian tới rất có thể xảy ra.

Bệnh tăng và diễn biến bất thường

Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh hiện nay đang tiếp nhận và điều trị đồng thời hai loại bệnh nguy hiểm đang diễn biến phức tạp là bệnh tay chân miệng và SXH. Bác sĩ Cao Thị Phi Nga- Trưởng Khoa Nhi BVĐK tỉnh cho biết: “Chỉ tính trong hai tháng 6 và 7, số bệnh nhân nhập viện rất đông và nhiều ca bệnh nặng rất nguy hiểm. Hiện khu nội trú của khoa mỗi ngày tiếp nhận và điều trị khoảng 20 bệnh nhân, trong đó có rất nhiều ca sốc độ 3, độ 4 và có nguy cơ tử vong cao”.

Bệnh SXH đang tăng nhanh và diễn biến phức tạp với nhiều ca bệnh nặng.


Điều đáng lưu ý với lưu lượng bệnh nhân nhập viện điều trị như thế này gần giống đợt bùng phát dịch bệnh SXH trên địa bàn tỉnh trong những năm trước. Theo thống kê của Khoa Nhi- BVĐK tỉnh, nếu trong tháng 6 khoa tiếp nhận khoảng 60 ca bệnh SXH với 14 ca nặng, thì tháng 7 tiếp nhận 90 ca mắc với 20 ca nặng.

Sự bất thường của bệnh SXH năm nay là bệnh không chỉ xuất hiện ở trẻ em mà còn xảy ra ở người lớn. Khoa Nhiễm- BVĐK tỉnh từ đầu năm đến nay đã tiếp nhận điều trị gần 200 trường hợp người lớn mắc bệnh SXH, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tháng 7 tiếp nhận gần 60 trường hợp chiếm khoảng 40% so với số trường hợp mắc bệnh nhập khoa trong 6 tháng đầu năm.

Bác sĩ Tô Văn Quảng- Trưởng Khoa Nhiễm- BVĐK tỉnh cho biết: “Diễn biến của bệnh SXH ở người lớn năm nay tăng đột biến và phức tạp. Nguy hiểm là khi bệnh SXH xảy ra ở người lớn và họ thường do chủ quan nên dễ dẫn đến nguy cơ sốc nặng cao hơn, gây nguy hiểm cho bệnh nhân”. Cũng theo bác sĩ Tô Văn Quảng, ngoài những triệu chứng giống ở trẻ: sốt cao, xuất huyết dưới da… người lớn mắc bệnh SXH còn có biểu hiện xuất huyết đường tiêu hóa, xuất huyết niêm mạc gây chảy máu chân răng, kết mạc mắt hay chảy máu mũi. Một số trường hợp nguy hiểm ở người lớn khi mắc bệnh này là bệnh nhân có tiền sử của bệnh tiểu đường, cao huyết áp hay phụ nữ đang mang thai… và những trường hợp đó thường gặp khó trong quá trình điều trị.

Khẩn trương tổ chức chiến dịch dập dịch

Tính đến thời điểm này, bệnh SXH đã tăng gấp đôi so cùng kỳ với 903 ca mắc. Hiện nay, mưa xuất hiện nhiều và đó cũng là điều kiện để bệnh SXH bùng phát một khi người dân không ý thức phòng bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế.

Thả cá bảy màu vào các vật dụng chứa nước là biện pháp hiệu quả để diệt lăng quăng phòng bệnh SXH.

Theo dự báo của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh SXH đang bước vào giai đoạn “đỉnh dịch”, bệnh sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới do mưa nhiều trên diện rộng. Hiện nay, với số ca mắc tăng cao, bệnh đã vượt ngưỡng dự báo mà ngành y tế đưa ra. Trước tình hình bệnh SXH tăng cao và diễn biến phức tạp, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã lập kế hoạch đối phó với căn bệnh nguy hiểm này.

Anh Huỳnh Thanh Tân- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: “Trung tâm đã xây dựng xong kế hoạch trình Sở Y tế chuẩn bị đối phó với căn bệnh này. Dự kiến, cuối tháng 8, nếu được phê duyệt trung tâm sẽ tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng và dập dịch trên diện rộng tại 30 xã đang có nguy cơ cao trên địa bàn tỉnh. Đối với các đơn vị còn lại, trung tâm chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng cấp huyện, xã tiếp tục tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân trong việc phòng, chống bệnh SXH đang tăng cao hiện nay”.

Bệnh SXH đang tăng cao và diễn biến phức tạp, khó lường, do đó để đối phó với căn bệnh này, người dân nên tuân thủ các biện pháp phòng bệnh mà ngành y tế đã khuyến cáo. Theo bác sĩ Cao Thị Phi Nga, bệnh SXH hiện chưa có vaccine phòng ngừa, do đó khi thấy trẻ sốt trên 2 ngày thì nên đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và chẩn đoán phát hiện bệnh sớm thì hiệu quả điều trị tốt hơn.

Bài, ảnh: THANH TÂM

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh