Lơ lửng nguy cơ ngộ độc thực phẩm

07:07, 06/07/2012

Trong những tháng đầu năm, mặc dù công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được thực hiện thường xuyên nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Tỷ lệ 52,2% các cơ sở qua kiểm tra có vi phạm và khoảng 25% mẫu qua kiểm nghiệm chưa đạt cho thấy, việc bảo đảm VSATTP còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Trong những tháng đầu năm, mặc dù công tác tuyên truyền về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) được thực hiện thường xuyên nhưng tình trạng vi phạm vẫn diễn ra. Tỷ lệ 52,2% các cơ sở qua kiểm tra có vi phạm và khoảng 25% mẫu qua kiểm nghiệm chưa đạt cho thấy, việc bảo đảm VSATTP còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ.


Mỗi lần tổ chức thanh- kiểm tra VSATTP là có cơ sở vi phạm. Ảnh: Minh họa

Tình trạng vi phạm còn ở mức cao

Theo Chi cục ATVSTP tỉnh Vĩnh Long, để đảm bảo VSATTP trên địa bàn tỉnh, thời gian qua ngoài công tác tuyên truyền, ngành tổ chức tập huấn đều khắp đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh. Tuy nhiên, có một thực tế vẫn còn tồn tại từ nhiều năm qua, ý thức của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh chế biến thực phẩm chưa có chuyển biến, cụ thể, qua mỗi lần kiểm tra đều phát hiện vi phạm.

Kết quả trong đợt thanh- kiểm tra VSATTP của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh vừa rồi cho thấy, kiểm tra 113 cơ sở thì có đến 59 cơ sở vi phạm (chiếm 52,2%). Đáng lưu ý, đây là các cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh lớn, đầu mối. Một điều cũng đáng lo ngại hiện nay là qua các lần kiểm tra lấy mẫu xét nghiệm, hầu như lần nào cũng có mẫu không đạt yêu cầu. Từ đầu năm đến nay, qua xét nghiệm 126 mẫu của đoàn kiểm tra, có khoảng 25% mẫu không đạt chỉ tiêu vi sinh, trên 10% mẫu không đạt chỉ tiêu lý hóa, tuyến huyện tỷ lệ mẫu không đạt cũng tương tự (khoảng 25%). Điều càng bất ngờ hơn, hiện nay có một số cơ sở tự gởi mẫu đến chi cục xét nghiệm để công bố chất lượng nhưng có trường hợp đến 50% mẫu không đạt chất lượng (mẫu nước uống).

Trước nguy cơ đó, trong Tháng hành động Vì chất lượng VSATTP năm nay, Chi cục ATVSTP tổ chức chuyên đợt kiểm tra nước uống. Khi kiểm tra 38 cơ sở trong lĩnh vực này thì có 22,7% cơ sở có vi phạm. Trong đó các sản phẩm nước uống đóng chai, đóng bình không đạt chất lượng chiếm 40,7% số mẫu được kiểm tra. Mở rộng phạm vi đối với các cơ sở sản xuất nước đá, đoàn kiểm tra 13 cơ sở thì có 4 cơ sở vi phạm và tỷ lệ mẫu không đạt khoảng 10%. Trong lĩnh vực nhà hàng phục vụ ăn uống cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm. Qua kiểm tra 9 nhà hàng, kết quả 9/9 nhà hàng đều có vi phạm, đặc biệt có một nhà hàng quy mô lớn đã hoạt động nhiều năm liền nhưng không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện VSATTP. Đoàn kiểm tra tỉnh lấy mẫu đột xuất tại 2 cơ sở sản xuất chả lụa, chả cá lớn trên địa bàn tỉnh thì phát hiện cả 2 cơ sở này sử dụng chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm.

Cần xử lý kiên quyết

Đối với tuyến huyện- thành phố, xã- phường, tình hình vi phạm VSATTP có phần ít hơn nhưng lại được cảnh báo là có nhiều nguy cơ nhất. Thường đối với tuyến này, các hộ kinh doanh theo dạng hộ gia đình, nhỏ lẻ hoặc bày bán hàng rong, vỉa hè… Ông Nguyễn Thành Bảnh- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: “Hiện nay, rất khó quản lý đối tượng này. Bởi họ chỉ buôn bán vài món và thường là trong một buổi nên rất khó kiểm tra, giám sát. Đây là đối tượng được chúng tôi xác định có nguy cơ cao trong việc gây ra ngộ độc thực phẩm. Nhiều trường hợp chúng tôi hỏi có kiến thức gì về VSATTP không, họ trả lời tỉnh bơ là không học hành gì cả”.

Kết quả kiểm tra tuyến huyện trong những tháng đầu năm với 8.164 cơ sở thì có 1.572 cơ sở vi phạm, chiếm 19,3% và trong số cơ sở vi phạm có 46 cơ sở bị phạt, số còn lại bị nhắc nhở. Thống kê từ nhiều năm qua cho thấy, đa số các trường hợp ngộ độc thực phẩm đều xuất phát từ cơ sở và các điểm kinh doanh vỉa hè. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 16 người mắc mà nguyên nhân đều xuất phát từ các đối tượng trên.


Thống kê từ nhiều năm nay cho thấy, đa số các vụ ngộ độc thực phẩm đều xuất phát từ thức ăn vỉa hè. Trong ảnh: Một bệnh nhân được cấp cứu vì ngộ độc thực phẩm.

Bác sĩ Lê Thành Tam- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mang Thít cho biết: “Hiện nay, đa số các hộ dân ở vùng nông thôn thường là buôn bán nhỏ lẻ, thường kinh doanh theo kiểu hộ gia đình. Do đó, việc kiểm định để cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh VSATTP là rất khó, vì hầu như không cơ sở nào đạt được. Ngoài ra, việc thanh- kiểm tra tuyến huyện vẫn còn nhiều tồn tại, thường khi phát hiện cơ sở vi phạm VSATTP chỉ có hai cách giải quyết phổ biến, thứ nhất là buộc tiêu hủy sản phẩm, thứ hai là nhắc nhở”.

Theo ông Nguyễn Thành Tự- Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh: “Chúng ta có tuyên truyền và kiểm tra thường xuyên nhưng qua đợt kiểm tra vừa rồi của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, có trên 50% cơ sở qua kiểm tra có vi phạm. Đây lại là những cơ sở sản xuất kinh doanh trực tiếp lại có quy mô lớn mà vi phạm như vậy thì phải coi đó là một nguy cơ. Riêng đối với tuyến cơ sở, theo tôi, đối với các loại hình này, không thể cứ nhắc nhở hoài được. Để lập lại trật tự VSATTP, ngoài chuyện tuyên truyền trước một bước, cần phải tiến hành xử phạt nghiêm để răn đe chứ xử lý như thế thì khó mà làm chuyển biến nhận thức của họ”.

Bài, ảnh: BÙI THANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh