DỰ án xây dựng trạm y tế: Vẫn còn nhiều chuyện phải lo

06:07, 27/07/2012

Trong kỳ họp lần 4 HĐND tỉnh khóa VIII, khi được chất vấn về tiến độ công trình xây dựng trạm y tế (TYT) xã, bác sĩ Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế đã cam kết với Tỉnh ủy là sẽ hoàn thành công trình này trong năm 2012.

 

Người dân mong mỏi các dự án TYT sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng.

Trong kỳ họp lần 4 HĐND tỉnh khóa VIII, khi được chất vấn về tiến độ công trình xây dựng trạm y tế (TYT) xã, bác sĩ Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế đã cam kết với Tỉnh ủy là sẽ hoàn thành công trình này trong năm 2012. Mới đây, Sở Y tế đã có buổi làm việc với các nhà thầu để chốt lại thời hạn bàn giao công trình, theo đó đại diện các nhà thầu cam kết sẽ bàn giao dứt điểm vào tháng 10/2012. Tuy nhiên, cách nay một năm, các nhà thầu đã từng cam kết như thế, trong khi hiện nay nhiều công trình xây dựng TYT vẫn chưa hoàn thành.

Tiến độ xây dựng khả quan nhưng…

Báo cáo về tiến độ công trình xây dựng TYT mới nhất của Sở Y tế cho thấy, hiện các trạm đang được các nhà thầu khẩn trương xây dựng. Trong số 95 trạm được triển khai xây dựng mới đợt này, đã có 50 trạm được đưa vào sử dụng: huyện Long Hồ có 9 trong tổng số 15 trạm được xây dựng, Vũng Liêm (10/16), Mang Thít (9/13), Tam Bình (7/14), Trà Ôn (6/14), Bình Minh (4/6), TP Vĩnh Long (2/4) và Bình Tân (3/11). Ngoài số trạm được đưa vào sử dụng, hiện khối lượng thi công các công trình còn lại đạt từ 30- 80%.

Bác sĩ Trần Văn Út cho biết, từ khi triển khai thi công xây dựng các TYT đến nay, một số công trình xây dựng không đảm bảo so với tiến độ do trượt giá. Mặc dù ngành y tế đã làm việc với các nhà thầu nhưng tiến độ thực hiện ở một số nơi vẫn còn chậm. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, chủ đầu tư (Sở Y tế) đã nghiêm túc xử phạt 3 nhà thầu thực hiện không đúng tiến độ, ngưng thi công không lý do với số tiền phạt trên 1 tỷ đồng. Ngoài việc xử phạt hợp đồng, Sở Y tế yêu cầu các đơn vị thi công lập tiến độ cụ thể từng công trình, trong đó thể hiện rõ thời gian triển khai công việc để làm cơ sở giám sát, kiểm tra và xử lý nếu nhà thầu tiếp tục vi phạm. Với tinh thần như thế, trong buổi làm việc mới đây, các nhà thầu cam kết sẽ hoàn thành tất cả các TYT trong tháng 10/2012. Song song đó, các nhà thầu hứa sẽ đảm bảo có ít nhất 15 công nhân xây dựng trên mỗi công trình.

Các nhà thầu cam kết là vậy, song đối với một số ngành, địa phương có liên quan đến việc xây dựng dự án này thì vẫn còn nhiều chuyện để lo. Bình Tân là huyện có số trạm gặp nhiều trục trặc nhất trong quá trình xây dựng. Trong số 11 công trình được triển khai xây dựng mới đợt này, hiện mới có 3 công trình được đưa vào sử dụng. Huyện cũng có 3 công trình nhà thầu thi công trễ, bị xử lý hợp đồng và hiện mới được Sở Y tế chỉ định thầu để tiếp tục thi công.

Ông Lê Văn Thuận- Chủ tịch UBND huyện Bình Tân cho biết: “Huyện chưa có bệnh viện cấp huyện nên người dân rất mong mỏi các TYT sớm được hoàn thành đưa vào sử dụng. Hiện nay, một số công trình TYT khi xây dựng có đất mới, được khám chữa bệnh tại trạm cũ thì còn đỡ, một số trạm xây trên nền trạm cũ, phải thuê mướn nhà dân để khám thì gặp rất nhiều khó khăn”. Cũng theo ông Thuận, điều chúng tôi lo lắng nữa là báo cáo của các nhà thầu về khối lượng xây dựng cũng không khớp với địa phương. Hàng tuần, huyện yêu cầu ngành y tế báo cáo tiến độ, có những trạm hiện chỉ mới xây dựng được 10- 20% nhưng ở đây nhà thầu báo 30% thậm chí 70% là quá chênh lệch. Với lại, số lượng công nhân mà nhà thầu cam kết là đảm bảo ít nhất 15 người nhưng thực tế có công trình chỉ lèo tèo 3- 4 người thi công. Nếu cứ như thế thì liệu tiến độ thi công có đảm bảo?

Vẫn còn nhiều chuyện phải lo

Dự án xây dựng mới, nâng cấp TYT được triển khai từ năm 2010, trong dự án này có tổng số 95 TYT được nâng cấp với tổng giá trị đầu tư ban đầu là 13,7 triệu USD, tương đương 247,3 tỷ đồng và hiện được điều chỉnh lên 310,6 tỷ đồng, trong đó tổ chức AP (Hoa Kỳ) hỗ trợ không hoàn lại 7 triệu USD (125,9 tỷ đồng), phần còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách tỉnh. Đây là gói thầu xây lắp và bổ sung trang thiết bị cho các TYT tuyến xã, phường, thị trấn để xây dựng mới cơ sở hạ tầng theo chuẩn y tế quốc gia.

Theo ông Lê Văn Thuận, trong quá trình triển khai thi công tại Bình Tân có một vài công trình khi thi công lầu 1 thì vướng đường dây điện trung thế, thay vì trong khi chờ huyện di dời, các đơn vị có thể thi công hàng rào, nhà ăn, nhà vệ sinh (không ảnh hưởng gì) thì các nhà thầu lại đổ thừa lý do trên để... ngừng thi công.

Ông Nguyễn Hữu Hiệu- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch- Đầu tư nhớ lại: “Cách đây một năm, chúng ta đã tổ chức một buổi họp như thế này, các nhà thầu cũng đã cam kết và đến nay vẫn còn nhiều trạm chưa hoàn thành”. Cũng theo ông Nguyễn Hữu Hiệu, thời gian thực hiện dự án là từ năm 2009- 2011 là hoàn thành, do chậm trễ nên đã gia hạn với tổ chức tài trợ sang năm 2012. Sự chậm trễ này kéo theo vốn đầu tư ban đầu từ 247,3 tỷ đồng được điều chỉnh tăng lên 310,6 tỷ đồng. Mong là lần này các nhà thầu thực hiện đúng với cam kết.

Trong những ý kiến góp ý của các ngành tại buổi làm việc giữa Sở Y tế với các nhà thầu, có ý kiến cho rằng, sau cuộc họp này sở nên tổ chức ngay một cuộc giám sát, kiểm tra những báo cáo của nhà thầu để đánh giá đúng tình hình thực tế. Bởi lẽ, giữa báo cáo của nhà thầu với địa phương chênh lệch quá xa cả về khối lượng cũng như số lượng nhân công làm việc. Cần thiết nữa là sở nên lập đường dây nóng để giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh. Cam kết giữa nhà thầu với Sở Y tế dứt khoát phải thực hiện cho được trong năm nay và không thể kéo dài thêm nữa. Bởi vì, ngoài chuyện phát sinh thêm kinh phí, chuyện ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh cho người dân tại vùng hưởng thụ dự án còn ảnh hưởng đến uy tín không chỉ của tỉnh mà cả nước khi tiếp nhận những dự án mới với các nhà tài trợ sau này.

Bài, ảnh: BÙI THANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh