
Bệnh viêm gan siêu vi B, C đang là mối quan tâm của cộng đồng do những biến chứng của bệnh mang lại. Khoảng 20% trong tổng số 2 tỷ người trên thế giới nhiễm bệnh hiện nay chuyển sang giai đoạn mãn tính và có nguy cơ gây xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành y tế, hiện đối với các loại bệnh này, vẫn có thể phòng tránh hiệu quả nếu đề phòng sớm.
Khi bệnh viêm gan B, C chuyển sang giai đoạn mạn tính thì tỷ lệ điều trị thành công thường không cao.
Bệnh viêm gan siêu vi B, C đang là mối quan tâm của cộng đồng do những biến chứng của bệnh mang lại. Khoảng 20% trong tổng số 2 tỷ người trên thế giới nhiễm bệnh hiện nay chuyển sang giai đoạn mãn tính và có nguy cơ gây xơ gan, ung thư gan. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của ngành y tế, hiện đối với các loại bệnh này, vẫn có thể phòng tránh hiệu quả nếu đề phòng sớm.
Viêm gan B, C mạn tính không có biểu hiện rõ
Anh Phạm Văn Thuận (37 tuổi, Quới An- Vũng Liêm) bị viêm gan siêu vi B cấp và nhập viện đã 10 ngày nhưng tình trạng sức khỏe vẫn còn yếu. Anh kể: “Trước ngày nhập viện tôi sốt nhẹ 3- 4 ngày liên tục, ỷ sức khỏe tốt nên ráng lướt cho qua, đến ngày thứ 5 khi soi gương thấy mắt vàng hoe, ăn uống không tiêu nên lên bệnh viện tỉnh khám thì bác sĩ kêu nhập viện luôn”. Khi được cho nhập viện thì anh mới biết mình bị bệnh này. Anh tiếp lời: “Từ trước tới giờ, lo làm ăn với lại thấy sức khỏe tốt nên cũng không có đi khám bệnh. Hôm bữa, bác sĩ nói nếu không phát hiện sớm rất nguy hiểm nên giờ mới thấy lo lo”.
Cũng như anh Thuận, anh Nguyễn Văn Trực (An Phước- Mang Thít) tối ngày lo làm ăn nên bệnh đến lúc nào cũng không hay. Anh cho biết, trước hôm nhập viện, tôi mới ra tới ruộng thì mệt làm không nổi, ngày hôm sau hai con mắt vàng hoe, đi tiểu nước màu vàng đậm. Khi lên khám tại một phòng mạch tư ở tỉnh, bác sĩ bảo phải nhập viện liền, tôi nằm ở đây 18 ngày rồi đó. Cũng theo anh Trực, từ trước tới giờ có bệnh gì đâu, cũng không thấy có triệu chứng gì, ai ngờ đùng một cái phải nằm viện và cũng không biết mắc bệnh do đâu nữa.
Bác sĩ Tô Văn Quảng- Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Thông thường, bệnh viêm gan B, C trải qua 2 giai đoạn là viêm gan cấp tính và viêm gan mạn tính. Giai đoạn viêm gan cấp tính người bệnh có các triệu chứng có thể kéo dài nhiều tuần: vàng da, vàng mắt, mệt mỏi, chán ăn giống cảm cúm, sốt, tiêu phân bạc màu, nước tiểu vàng sậm, buồn nôn, ói mửa và đau bụng… Người bệnh có thể cần vài tháng đến một năm để hồi phục từ các triệu chứng trên. Còn đối với viêm gan mạn tính (từ 6 tháng trở lên) đa số các trường hợp thường không có triệu chứng hoặc chỉ có mệt mỏi, suy nhược cơ thể… Tuy nhiên, viêm gan B mạn tính nếu không phát hiện kịp thời rất dễ phát triển thành xơ gan hoặc ung thư gan.
Cần ý thức phòng bệnh viêm gan B, C
Bác sĩ Tô Văn Quảng cho biết, bệnh viêm gan B, C lây truyền giống như cách lây bệnh HIV/AIDS, có nghĩa là lây truyền trực tiếp qua đường máu. Hình thức lây truyền thường gặp là lây truyền từ mẹ sang con- đường lây truyền quan trọng nhất và bệnh có thể lây qua hoạt động tình dục, truyền máu hoặc chế phẩm máu… Một số nguyên nhân khác như xăm hình xăm trên người, châm cứu, xỏ lỗ tai, dùng chung bơm kim tiêm, hớt tóc với vật dụng không được tẩy trùng tốt...
Đối với 2 loại bệnh này, mọi người đều có thể nhiễm bệnh, trong đó một số trường hợp có nguy cơ cao nhiễm bệnh như trẻ em mới sinh ra từ bụng mẹ đã có viêm gan siêu vi B. Cũng theo bác sĩ Tô Văn Quảng, khoảng 80% trường hợp nhiễm viêm gan B, C ở tuổi trưởng thành sẽ hồi phục hoàn toàn, 20% còn lại sẽ chuyển sang giai đoạn mạn tính. Tuy nhiên, ở trẻ nhiễm siêu vi B từ lúc mới sinh, bệnh diễn biến khác hẳn. Khoảng 90% số trẻ này sẽ trở thành người mang bệnh mạn tính. Giai đoạn này kéo dài nhiều năm, có thể không có biểu hiện lâm sàng, cuối cùng dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng như xơ gan, có nước trong ổ bụng, chảy máu đường tiêu hóa do vỡ mạch máu bị giãn, ung thư gan… Theo thống kê, khi người bệnh chuyển sang giai đoạn mạn tính, ngoài việc điều trị khá phức tạp, tốn kém thì tỷ lệ thành công cũng không cao. Nói chung, khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn xơ gan, chức năng gan khó có thể hồi phục, ngay cả khi tình trạng viêm gan được cải thiện.
Theo bác sĩ Tô Văn Quảng, hiện nay có một số người còn nhầm lẫn giữa viêm gan B và C. Thực tế đây là 2 loại siêu vi hoàn toàn khác nhau về cấu trúc lẫn khả năng gây bệnh nhưng cả 2 loại siêu vi trên đều gây hư hại cho gan. Đặc biệt, trong khi bệnh viêm gan B đã có thuốc ngừa thì bệnh viêm gan C chưa có vaccine phòng bệnh. Do đó, để có thể sớm nhận biết, mọi người có thể chẩn đoán bằng xét nghiệm máu để đề phòng bệnh ngay từ đầu.
Lần đầu tiên trong tháng 7/2012, Tổ chức Y tế thế giới chính thức công bố Ngày Viêm gan thế giới (28/7). Ngày này được đánh dấu để nâng cao nhận thức và hiểu biết về bệnh viêm gan siêu vi và các bệnh do nó gây ra. Viêm gan siêu vi A, B, C, D có thể gây nhiễm trùng cấp tính, mạn tính và viêm gan dẫn đến xơ gan, ung thư gan. Các siêu vi tạo thành một nguy cơ lớn về sức khỏe toàn cầu với khoảng 350 triệu người bị nhiễm siêu vi viêm gan B mạn tính và khoảng 170 triệu người bị nhiễm siêu vi viêm gan C mạn tính. Riêng tại Việt Nam, hiện có khoảng 15% dân số nhiễm viêm gan B và 4% dân số nhiễm viêm gan C và là một trong số những quốc gia có tỷ lệ mắc bệnh viêm gan cao trên thế giới. |
Bài, ảnh: BÙI THANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin