Thời tiết thay đổi, bệnh truyền nhiễm tăng

07:06, 29/06/2012

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, từ đầu năm đến nay, thời tiết thay đổi thất thường nên một số bệnh truyền nhiễm: viêm đường hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết… không ngừng gia tăng. Trong số các loại bệnh này, bệnh tay chân miệng tăng gần 100%, quai bị tăng 80%, sốt xuất huyết tăng 47,5%, bệnh thủy đậu tăng hơn 72%, tiêu chảy tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.


Gia đình cần cảnh giác phòng bệnh cho trẻ khi thời tiết thay đổi đột ngột.

Theo thống kê của ngành y tế tỉnh, từ đầu năm đến nay, thời tiết thay đổi thất thường nên một số bệnh truyền nhiễm: viêm đường hô hấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết… không ngừng gia tăng. Trong số các loại bệnh này, bệnh tay chân miệng tăng gần 100%, quai bị tăng 80%, sốt xuất huyết tăng 47,5%, bệnh thủy đậu tăng hơn 72%, tiêu chảy tăng gần 30% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều bệnh ở trẻ tăng

Thống kê của Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện mỗi ngày có khoảng 200 trẻ đến khám, trong đó bệnh do viêm đường hô hấp chiếm khoảng 2/3. Kể từ khi phát bệnh viêm đường hô hấp đến khi nhập viện là 2 ngày nhưng cháu Nguyễn Vĩnh An (Tân Hạnh- Long Hồ) phải được đưa vào phòng cấp cứu. Anh Nguyễn Văn Chương- cha cháu kể: “Khi thấy cháu nó sốt, gia đình đưa đến bác sĩ tư khám và mua thuốc uống. Qua một ngày thấy không hết, chạy ra trạm khám cũng không hết, khi chở đến bệnh viện tỉnh thì bác sĩ cho nhập viện luôn”. Ở khoa Nhi, mỗi ngày có khoảng 30 em phải nhập viện, trong đó phần lớn là bệnh viêm đường hô hấp, nhiều nhất là trẻ sơ sinh đến 3 tuổi.

Ngoài bệnh viêm đường hô hấp gia tăng tại thời điểm này, các bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, tiêu chảy cũng tăng đáng kể, trong có xuất hiện nhiều ca biến chứng nặng.

Em Nguyễn Tấn Cường (15 tuổi, Mỹ An- Mang Thít) khi được đưa khám ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh mới biết bị sốt xuất huyết độ 3. Chị Đỗ Thanh Nữ- mẹ em cho biết, cháu phát sốt gia đình cũng đưa đi khám, đến khi uống thuốc liên tục 3 ngày không hết, gia đình vội chạy lên bệnh viện tỉnh. Lúc này, Cường được cho vào phòng cấp cứu truyền dịch và theo dõi đặc biệt.

Bác sĩ Cao Thị Phi Nga- Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Bệnh đường hô hấp là bệnh thường gặp, chiếm tỷ lệ lớn trong bệnh lý ở trẻ em. Biểu hiện của bệnh thường là sốt, ho, khò khè, khó thở… trung bình trẻ em dưới 3 tuổi, một năm sẽ mắc khoảng từ 3-10 lượt nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính, nếu không được khám và điều trị tốt sẽ dẫn đến viêm phế quản, viêm phổi. Bệnh này thường xảy ra khi thời tiết chuyển mùa hoặc môi trường nóng, lạnh đột ngột”.

Cảnh giác phòng bệnh khi thời tiết chuyển mùa

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, khi thời tiết giao mùa hoặc thay đổi đột ngột, các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm chăm sóc trẻ vì đây là thời điểm có nhiều căn bệnh xuất hiện, trong đó có bệnh viêm đường hô hấp.


So cùng kỳ, năm nay có nhiều ca bệnh xảy ra biến chứng nặng.

Theo bác sĩ Nga, bệnh viêm đường hô hấp ở trẻ em có thể biểu hiện thành các thể bệnh: viêm tiểu phế quản cấp, viêm phế quản cấp, viêm phế quản phổi. Nếu những bệnh lý này không được phát hiện, điều trị sớm và đúng thì có thể sẽ xảy ra những biến chứng như: suy hô hấp cấp, áp-xe phổi, tràn khí, tràn dịch màng phổi và có thể dẫn đến tử vong.

Đối với các trường hợp trẻ bị viêm đường hô hấp và các bệnh truyền nhiễm khác thì biện pháp điều trị tốt nhất là tiêm ngừa đủ liều, ngoài ra giữ gìn vệ sinh và chế độ dinh dưỡng hợp lý cũng rất quan trọng. Theo đó, đối với trẻ lớn, không cho trẻ ra ngoài chơi khi trời nắng, nhất là lúc nắng gay gắt. Không cho quạt quay thẳng vào trẻ khi trẻ chơi hoặc đang nằm ngủ. Không cho trẻ ở trong phòng máy lạnh có nhiệt độ chênh lệch vượt quá xa nhiệt độ trong nhà và ngoài trời. Ngoài ra, cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho trẻ và hạn chế cho trẻ ăn kem hoặc uống nước có đá.

Khi nghi trẻ bị sốt, cần làm giảm thân nhiệt cho trẻ bằng cách lau nước ấm ở trán, nách, bẹn và cần cho trẻ uống nhiều nước. Nước uống tốt nhất là nước cam hoặc chanh tươi, dung dịch orezol, tùy theo độ tuổi mà cho uống liều lượng thích hợp. Khi trẻ có một trong các dấu hiệu sau đây, cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay: da tím tái, bé bỏ bú hoặc bú kém (ở trẻ dưới 2 tháng tuổi), không uống được (ở trẻ từ 2 tháng đến 5 tuổi), co giật, ngủ li bì (khó đánh thức), thở có tiếng rít, suy dinh dưỡng nặng. Ở trẻ dưới 2 tháng tuổi, nếu có sốt hay hạ thân nhiệt (thân thể lạnh), thở khò khè cũng là dấu hiệu nguy hiểm cần đưa đi cấp cứu.

Bài, ảnh: BÙI THANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh