Nắng nóng, đề phòng trẻ bệnh

07:05, 04/05/2012

Thời tiết nắng nóng, không khí oi bức khiến số trẻ em nhập viện gia tăng. Điều đáng lưu ý hiện nay là một số gia đình vì hoàn cảnh khó khăn nên tự mua thuốc cho con uống, trong số này có những trường hợp xuất hiện biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.


Các phòng lưu bệnh của Khoa Nhi luôn chật kín vì trẻ nhập viện nhiều.

Thời tiết nắng nóng, không khí oi bức khiến số trẻ em nhập viện gia tăng. Điều đáng lưu ý hiện nay là một số gia đình vì hoàn cảnh khó khăn nên tự mua thuốc cho con uống, trong số này có những trường hợp xuất hiện biến chứng gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Mùa của bệnh viêm hô hấp, tiêu chảy…

Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh trong gần tháng trở lại đây tiếp nhận rất đông bệnh nhi đến khám và nhập viện. Bác sĩ Cao Thị Phi Nga- Trưởng Khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết, số lượng trẻ bệnh tăng chủ yếu do thời tiết nóng gắt và oi bức.

Bà Võ Thị Bé Tư (Tân Hòa, TP Vĩnh Long) vừa lấy khăn lau mình cháu nội Hoàng Kha kể: “Cháu nó sốt đã 10 ngày. Những ngày trước, đầu cháu cứ nóng rồi bớt nên chạy ra trạm xã mua thuốc uống. Cách nay 2 ngày, cháu nó đột ngột sốt cao nên hoảng hồn chạy xuống đây”. Hoàng Kha nhập viện trong tình trạng sốt cao (trên 39 độ) và đi tiểu ra máu. Bệnh viện phải đưa vào cấp cứu, truyền dịch và hiện đã qua giai đoạn nguy hiểm. Cũng theo bà Bé Tư, cha mẹ cháu Kha đi làm ăn xa, để con ở nhà, do gia đình đơn chiếc lại lo làm nên ỷ y.

Chị Lê N. L. (Hòa Bình- Trà Ôn) cố dỗ đứa con đang khóc thét lên vì đau với ánh mắt lo âu tột độ. Con chị- cháu D. T đang nằm trong phòng cấp cứu nhi với chứng tay chân miệng độ 4 (mức độ có thể gây tử vong). Lúc đầu cháu sốt, gia đình đi mua thuốc cho uống, đến khi sốt cao quá mới chở cháu đi khám thì mới tá hỏa vì cháu bị bệnh tay chân miệng- chị Lan kể. Cháu T. hiện bị biến chứng và chuyển nặng quá nhanh, may là gia đình đưa đến bệnh viện kịp thời. Những trường hợp của cháu Kha, D.T. như trên không phải hiếm gặp trong số những trẻ đang nằm điều trị. Có những trường hợp trẻ bị tiêu chảy đến gần như kiệt sức nhưng gia đình vẫn cứ mua thuốc cho uống đến khi không thể ở nhà nữa mới đưa đi khám và phải nhập viện cấp cứu.

Người dân không nên chủ quan

Thống kê của phòng khám Khoa Nhi cho thấy, hiện trung bình mỗi ngày có 200- 250 trẻ đến khám, tăng khoảng 30% (so cùng kỳ), trong đó số trẻ phải nhập viện 35- 40 trường hợp, đó là chưa kể còn một lượng lớn trẻ bệnh đi khám phòng mạch tư. Các bệnh thường gặp trong tháng này ngoài bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết (hầu như xuất hiện quanh năm), thì bệnh viêm đường hô hấp, tiêu chảy là chủ yếu. Cũng theo bác sĩ Nga, nhiều trường hợp đưa đến trong tình trạng sốc nặng, có biến chứng rất nguy hiểm và thường khi bệnh có biến chứng thì nguy cơ tử vong rất cao.

Được biết, hiện nay bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết chưa có vaccine phòng ngừa, còn bệnh cúm thì có vaccine nhưng không nằm trong chương trình tiêm chủng mục tiêu quốc gia nên việc phòng bệnh cho trẻ cần phải có ý thức cao từ phía gia đình. Bác sĩ Nga cho biết, trước mắt để đối phó với mùa nóng hiện nay các bậc cha mẹ nên chú ý vấn đề đầu tiên là phải uống nhiều nước. Uống nhiều nước nhưng không nên uống nước đá vì rất dễ gây viêm họng cho trẻ. Trời oi bức, cha mẹ thường cho trẻ nằm quạt nhưng không nên để ngay đầu em bé và để một chỗ, nếu cho em bé ngủ máy lạnh nên để nhiệt độ vừa phải và không cách biệt với nhiệt độ bên ngoài nhiều quá.

Ngoài ra, gia đình nên chú ý thời tiết nắng nóng dễ làm thức ăn bị thiu và nếu trẻ ăn phải sẽ dẫn dễ bị ngộ độc thực phẩm hoặc các chứng bệnh về đường tiêu hóa. Quan trọng nhất vẫn là chú ý giữ gìn vệ sinh thật tốt cho trẻ, rửa tay thường xuyên, ăn chín uống sôi và hạn chế ăn các thức ăn ngoài đường phố.

Bài, ảnh: BÙI THANH

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh