Chớ coi thường chứng nghẹn

01:05, 03/05/2012

Nghẹn là một hiện tượng thường được đổ lỗi cho việc ăn quá nhanh, ăn “tham”, thức ăn quá khô… và người ta loan truyền cách trị nghẹn như uống sữa, nhờ người đẻ ngược vuốt cổ, nói “móc họng” cho tức để mà... hết nghẹn. Nhưng khi bạn thường xuyên bị nghẹn, thì phải mau chóng đến bác sĩ ngay, để lâu có thể phải hối hận.

Nghẹn là một hiện tượng thường được đổ lỗi cho việc ăn quá nhanh, ăn “tham”, thức ăn quá khô… và người ta loan truyền cách trị nghẹn như uống sữa, nhờ người đẻ ngược vuốt cổ, nói “móc họng” cho tức để mà... hết nghẹn. Nhưng khi bạn thường xuyên bị nghẹn, thì phải mau chóng đến bác sĩ ngay, để lâu có thể phải hối hận.

Ảnh minh họa


Chị T.H, BTV của một nhà đài bỗng hay mắc nghẹn. Ban đầu chị bực bội vì nghĩ mình ăn đâu có nhanh mà cứ vướng hiện tượng dễ bị nghi án tham ăn như vậy. Tại bữa tiệc, người ngồi gần là bác sĩ khuyên chị nên đi khám bệnh. Kết quả chị phải nội soi gấp vì một khối u nằm ẩn dưới vòm họng.

Theo TS.BS Lâm Việt Trung, phó khoa tiêu hóa Bệnh viện Chợ Rẫy: Nhiều người rất coi thường chuyện mắc nghẹn. Nhưng hiện tượng thường mắc nghẹn thường xảy ra ở 2 nhóm bệnh của khối u, lành tính và ác tính.

Nhóm bệnh u ác tính gây nghẹn chiếm tỷ lệ cao nhất là u thực quản, u tâm vị, u vòm hầu họng...

U lành tính thường là nhóm bệnh co thắt tâm vị, u cơ trơn thực quản, u vòm hầu họng, túi thừa thực quản, và các bệnh lý về tim cũng gây nghẹn.

Đối tượng có nguy cơ bị các bệnh gây mắc nghẹn thường trên 45 tuổi. Đa số bị nghẹn do u lành tính nhưng sau thời gian nghẹn, bạn thấy mình bị sụt ký, xanh xao... thì bệnh lúc này đã vào giai đoạn khá... trễ. Nếu là u ác tính thì tỷ lệ có thể giải phẫu được chiếm chỉ khoảng 30%. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, mỗi tuần có từ 1-2 ca phẫu thuật do khối u ung thư thực quản. Tuy nhiên, tỷ lệ phát hiện muộn không thể phẫu thuật được thường cao hơn nhiều. Được biết, có ca ung thư thực quản nặng phải cắt cả thực quản và 1 phần dạ dày, sau đó dùng đại tràng đưa lên nối, thay thế thực quản. Kỹ thuật này đã được Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện từ 2003 và hiện nay đã triển khai chuyển giao cho các bệnh viện tỉnh như Cần Thơ, Bến Tre, Đồng Nai, Kiên Giang...

Bởi vậy, theo TS.BS Việt Trung nhấn, ngay khi phát hiện thấy mình thường bị mắc nghẹn, bạn cần phải đến ngay phòng khám chuyên khoa Tai - Mũi - Họng hoặc Tiêu hóa để kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra bạn cũng nên xin khám về tim. Mặc dù có thể bạn đang ở lứa tuổi khó bị bệnh tim mạch nhưng nếu làm việc nhiều, mệt mỏi hoặc gặp chuyện buồn phiền cũng có thể gây ra triệu chứng trên. Để giữ gìn sức khỏe, phòng ngừa bệnh bạn không nên hút thuốc lá, tránh uống cà phê quá nhiều, tránh ăn các thức ăn có nhiều chất mỡ, đường, chất cay hay quá mặn có thể làm yếu bao tử, gây dội ngược lên thực quản, dẫn tới mắc nghẹn.

Theo NNVN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh