Có những cuộc hôn nhân mà người ta nhìn từ bên ngoài vào nó phủ một màu hạnh phúc, bình yên, không ồn ào, không gây cãi. Nhưng thật sự bên trong đó có phải là một tổ ấm hạnh phúc viên mãn hay không chỉ có người trong cuộc mới rõ.
![]() |
Vợ chồng hạnh phúc thì phải có sự trao đổi, chia sẻ niềm vui nỗi buồn cùng nhau. Ảnh minh họa |
Vợ chồng anh A. là một điển hình xây dựng gia đình hạnh phúc ở địa phương mà ai cũng ngưỡng mộ. Anh chị đều có trình độ, có địa vị xã hội, mỗi ngày họ đi làm, sau giờ làm thì đưa rước con học hành, về nhà sinh hoạt trong nhà, thỉnh thoảng giao lưu trò chuyện với mọi người trong xóm vui vẻ.
Cuộc sống êm đềm bình lặng mỗi ngày trôi qua không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng thực chất bên trong có mấy ai hiểu được, ai tinh tế lắm, từng trải lắm mới hiểu được qua đôi mắt, sắc diện của chị vợ. Tâm sự với người bạn thân của mình chị nói rằng không hạnh phúc, chị luôn sống như một cái bóng trong mái ấm êm đềm của mình.
Chồng chị là người đàn ông có tánh gia trưởng lại học cao hiểu rộng, chị chỉ học hết đại học rồi đi làm đến nay, tánh anh rất khó, hay bắt bẻ lời ăn tiếng nói của chị nên họ nói chuyện không hợp nhau. Khi yêu nhau cũng không chú trọng lắm vấn đề này, vả lại đang giai đoạn ngọt ngào cũng không đến nổi nào hở chút là chỏi nhau.
Cưới về thời gian là chị đã nhận ra ngay tính cách này của anh nhưng vẫn hy vọng cùng nhau sửa đổi cùng nhau xây dựng hạnh phúc. Tuy nhiên chị có góp ý, tranh cãi ra sao thì anh vẫn không thay đổi.
Chị nói gì anh cũng không hài lòng, chỉnh sửa chị, thời gian đầu chị còn cảm thấy bị quê, tức giận, rồi hay tranh luận lại, nhưng chị luôn thua anh về lý lẽ và thậm chí anh nổi nóng lên nạt nộ chị, dẫn đến cãi vã khóc lóc, ồn ào xung quanh. Cứ thế thôi thì chị cứ nhịn cho yên nhà yên cửa, không ảnh hưởng đến con cái, không làm tụi nhỏ buồn lòng, sợ hãi.
Ngày qua ngày riết thành quen, chị cũng không còn thiết tha trò chuyện với chồng, có chuyện gì chị cũng không chia sẻ với anh và ngược lại anh cũng không quan tâm chia sẻ chuyện gì với chị. Họ cứ sống âm thầm, “bình yên” dưới một mái nhà, đối phương làm gì, nghĩ gì cũng không cần biết, một hình mẫu vợ chồng ấm êm bên ngoài nhưng bên trong là xa lạ.
Thông thường, mối quan hệ chỉ rơi vào trạng thái im lặng khi cả hai xuất hiện mâu thuẫn. Tuy nhiên, một vài cặp vợ chồng gặp phải tình trạng không muốn nói chuyện với nhau ngay cả khi không giận hờn.
Những cặp vợ chồng này thường chỉ giao tiếp khi cần thiết. Nếu chỉ nhìn ở bên ngoài, cuộc hôn nhân của họ trông có vẻ bình yên và đầm ấm nhưng ít ai biết rằng mầm mống của sự rạn nứt đã được hình thành. Vợ chồng không muốn nói chuyện với nhau là dấu hiệu cho thấy cuộc hôn nhân của bạn đang xảy ra vấn đề.
Ông bà nói rằng “Chén bát trong chạn còn khua”, thì việc vợ chồng sống bên nhau sẽ nảy sinh vấn đề là chuyện hết sức bình thường. Chính lúc này, giao tiếp giữa vợ chồng rất cần thiết.
Khi vợ chồng nói chuyện với nhau một cách bình tĩnh, sẵn sàng cởi mở, hiểu biết, thông cảm, thì sẽ có nhiều vấn đề được giải quyết một cách nhẹ nhàng. Trong mối quan hệ hôn nhân, việc tương tác, trò chuyện, chia sẻ cùng nhau đóng vai trò vô cùng quan trọng. Nó giúp người ta gắn kết, đồng cảm, thấu hiểu nhau hơn.
Cũng chính vì lẽ đó mà nhiều người nói rằng, một khi vợ chồng không còn gì để nói với nhau thì nghĩa là tình cảm đã hết hoặc giữa vợ chồng thực sự có vấn đề lớn khác xảy ra. Nếu không hành động ngay để hâm nóng tình cảm, mối quan hệ này thực sự có thể đứng bên bờ vực đổ vỡ.
Để hâm nóng lại tình cảm, xây dựng lại hạnh phúc gia đình, cả hai vợ chồng đều phải có thành ý thay đổi, cả hai cùng quyết tâm đi cùng nhau trên con đường phía trước. Thường xuyên nói về những khoảng thời gian đẹp đẽ của hai người trong quá khứ là một cách rất hay để ôn lại tình cảm.
Còn nếu không biết nói gì thì bạn hãy thử nói những chuyện vui chơi giải trí, những chuyện trên mạng xã hội, nêu quan điểm và bình luận vấn đề nào đó để kéo hai người trò chuyện với nhau nhiều hơn. Những cuộc trao đổi này sẽ giúp cả hai thư giãn, kéo gần khoảng cách hơn.
Các chuyên gia tâm lý đã nói rằng không thể coi một đôi vợ chồng là hạnh phúc, nếu một ngày họ không nói chuyện được với nhau ít nhất là 30 phút. Giao tiếp là huyết mạch của bất kỳ mối quan hệ nào, đặc biệt là quan hệ vợ chồng.
Hãy học cách tranh luận một cách ôn hòa, dẹp bớt “cái tôi” của mình, tìm một tiếng nói chung, nhường nhịn và nhẹ nhàng với nhau. Đừng để tiếp tục có khoảng lặng trong đời sống hôn nhân của mình. Sự im lặng kéo dài, thiếu kết nối và thiếu cảm xúc sẽ khiến cuộc hôn nhân dần đổ vỡ, dù bề ngoài vẫn “bình yên’”.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin