Chị dâu- em chồng, làm sao để dung hòa?

22:56, 15/05/2025

Xưa nay mối quan hệ chị dâu và em gái của chồng luôn là đề tài nhạy cảm, không phải gia đình nào mối quan hệ này cũng tốt đẹp, thuận hòa. Để mái ấm gia đình hạnh phúc trọn vẹn thì rất cần sự dung hòa hợp tình hợp lý của hai người phụ nữ này.

Gia đình hạnh phúc, các thành viên thuận hòa chính là động lực, niềm tin cho mọi người vững bước. Ảnh minh họa
Gia đình hạnh phúc, các thành viên thuận hòa chính là động lực, niềm tin cho mọi người vững bước. Ảnh minh họa

Yêu và kết hôn cùng Quang, Nhung biết mình sẽ mắc phải nạn “bà cô bên chồng”. Chị dâu, em chồng trùng hợp bằng tuổi nhau, nhưng người thì tìm được một nửa, người kia thì vẫn cô đơn đến mức “khó ở”. Thời gian yêu nhau nhiều lần đến nhà chơi Nhung đã nhận ra bản tánh tiểu thư khó chịu của cô nàng.

Nhà chỉ có hai anh em, lại cách nhau 5 tuổi, cha mẹ là dân kinh doanh, gia đình khá giả đầm ấm thế nên hiển nhiên cô gái út có phần “hơi khó chiều”. Cũng vì vậy mà suốt những năm đi học cũng không có chàng trai nào dám tiếp cận.

Từ khi cưới vợ, anh hai bớt cưng chiều, cha mẹ cũng san sẻ bớt tình cảm, sự chăm lo cho Nhung, nên cô nàng út lại càng khó chịu. Nói chuyện với chị dâu ngang ngang, thiếu tôn trọng, nhiều lần còn sai vặt Nhung phải phục vụ cô tiểu thư khiến Nhung rất buồn, cũng vì dâu mới mong muốn hòa khí trong nhà vui vẻ.

Nhưng khi thấy chị dâu nhường nhịn thì cô út càng lấn lướt, đến nỗi hai vợ chồng trẻ còn không dám ngọt ngào tình cảm trước mặt cô nàng, chỉ cần thấy anh trai mua quà, bánh hay hoa tươi tặng vợ mỗi dịp kỷ niệm, hay tỏ ra quan tâm chăm sóc vợ thì cô út lại “cà khịa”.

Dù biết rõ tánh em chồng nhưng Nhung nghĩ sẽ dung hòa được sau khi sống chung nhà. Tuy vậy mọi chuyện không đơn giản, Nhung cần lên kế hoạch “tác chiến” để thu phục “giặc bên Ngô” này.

Chị Nga cũng có cô em chồng nhưng nhỏ tuổi hơn chị tận 6 tuổi. Còn trẻ nên tánh cô em chồng này khá vô tư, thoải mái. Nàng ta vừa kết hôn, nhưng gả đi cũng không xa nhà là mấy. Vừa mới về làm dâu nhà người ta mà hở rảnh tí là chạy ngay về nhà mẹ chơi từ sáng đến tối, vì bán hàng online nên cô em bày biện nhà cửa lộn xộn có dẹp dọn cũng không “xi nhê”.

Khỏi phải nói bao nhiêu đồ ăn thức uống trong nhà đều bị “càn quét” sạch sẽ mà không cần hỏi, ngay cả những món chị mua riêng cho cha mẹ chồng bồi bổ cũng không tha.

Tuy chị Nga không phải hẹp hòi ích kỉ gì nhưng từng chuyện nhỏ nhặt trong sinh hoạt chung từ ngày này qua ngày nọ thật sự rất khó chịu. Đỉnh điểm mâu thuẫn là khi cô nàng sinh con trai đầu lòng, cô nàng tiếp tục “tha con nhỏ” về nhà mẹ đẻ.

Mà điều đáng nói là mỗi lần về nhà là hai mẹ con chiếm đóng phòng của vợ chồng chị Nga chỉ vì thằng con trai thích phòng của 2 vợ chồng chị hơn, thế là hai vợ chồng chị phải tạm dời qua phòng khác. Nhiều lần như vậy chị Nga không chấp nhận được, chị yêu cầu anh chồng phải “dạy bảo” lại cô em vô tư thái quá này, đừng để chị phải lên tiếng mất vui.

Mối quan hệ giữa chị dâu và em chồng đôi khi có thể gặp những khúc mắc do khác biệt về tính cách, quan điểm sống, vai trò trong gia đình hoặc sự can thiệp của người thân. Một trong những nguyên nhân nữa khiến mối quan hệ chị dâu, em chồng trở nên “cơm không lành canh không ngọt” chính là sự xung khắc, bất hòa, đối lập về lối sống trong sinh hoạt hàng ngày.

Tuy nhiên, vì cuộc sống phải gắn bó nhau, vì tình yêu với chồng, mối quan hệ này rất cần phải cải thiện cho tốt để giữ thuận hòa trong gia đình chung. Tất cả các mối quan hệ đều cần được xây dựng trên nền tảng của sự chân thành. Nếu cả hai bên cùng thiện chí, chắc chắn có thể xây dựng được một mối quan hệ tốt đẹp.

Trước hết chị dâu nên là người chủ động và cố gắng thật sự để cải thiện mối quan hệ mà xưa nay vẫn được cho là đầy gai góc này. Bởi dù sao so với em chồng bạn cũng là vai chị. Bạn cũng có thể cùng tâm sự hay hỏi ý kiến em chồng một số việc trong gia đình chồng… Những điều tương tự như kiểu này sẽ giúp tình cảm của bạn và em ấy ngày càng gắn kết và hiểu nhau hơn.

Mỗi người đều có cuộc sống riêng, tính cách riêng. Việc tôn trọng không gian riêng tư và lựa chọn cá nhân của nhau là nền tảng quan trọng. Tránh chi phối, can thiệp quá sâu vào chuyện riêng của các thành viên trong gia đình.

Thẳng thắn nhưng nhẹ nhàng khi có khúc mắc. Không nói bóng gió hay giữ trong lòng quá lâu, vì dễ dẫn đến hiểu lầm và tích tụ mâu thuẫn. Tránh tạo phe phái, nói xấu hoặc “đổ dầu vào lửa” khi có mâu thuẫn. Nếu cần chia sẻ, hãy chọn người đáng tin và có cái nhìn trung lập. Dành thời gian hỏi han, chia sẻ, giúp đỡ nhau khi cần. Có thể cùng nhau đi chợ, nấu ăn, chăm sóc người thân… để tăng sự gắn kết.

Không ai là hoàn hảo, hãy học cách chấp nhận khuyết điểm của nhau. Đôi khi lùi một bước để giữ hòa khí là cách gìn giữ tình cảm lâu dài. Một gia đình đầm ấm, hạnh phúc là nền tảng quan trọng cho sự phát triển của tất cả các thành viên, là liều thuốc tinh thần quan trọng cho sức khỏe của người lớn trong nhà. Là em chồng cũng nên bao dung, đơn giản, nhẹ nhàng hơn mọi việc cho chị dâu mình, thói quen sinh hoạt cũng điều chỉnh cho phù hợp.

Là dâu trong nhà thì cần quan tâm hết mực đến gia đình nhà chồng, yêu thương chồng con và làm hết khả năng của một người dâu thảo. Nếu bạn biết cư xử khôn khéo thì dường như mọi mâu thuẫn dù lớn đến mấy giữa bạn và cô em chồng nói riêng, gia đình chồng nói chung đều được hóa giải.

Bài, ảnh: LAM NGỌC

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh