Trị "bệnh" ganh ghét, đố kỵ

13:19, 28/11/2024

(VLO) Ganh ghét, soi mói, đố kỵ (ĐK) sẽ khiến cho phụ nữ luôn sống trong bận rộn, bực tức, khó chịu, cuộc sống không dễ dàng chút nào, ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất và tinh thần của chính bản thân mình. Vì thế, thay vì cứ nhìn vào người khác thì hãy nhìn lại chính mình, khắc phục những mặt chưa tốt, phát huy những mặt tốt để nâng tầm giá trị của bản thân.

Một mối quan hệ chân thành, tốt đẹp sẽ không có chỗ cho lòng đố kỵ. Ảnh minh họa
Một mối quan hệ chân thành, tốt đẹp sẽ không có chỗ cho lòng đố kỵ. Ảnh minh họa

Nhóm bạn gái 4 người của T. chơi thân với nhau từ thời sinh viên học chung. Trong học tập hay cuộc sống họ cũng luôn có nhau, hay chia sẻ với nhau mọi điều.

Tuy nhiên trong nhóm lại có 1 người có tánh hay so sánh, ĐK, hay hơn thua với chị em. Khi còn đi học thì cũng không có chuyện gì nghiêm trọng, mọi người biết tánh thì cẩn thận khéo léo hơn trong cư xử, chủ yếu bạn bè gặp nhau vui vẻ thoải mái sau giờ học.

Nhưng đến khi ra trường đi làm, vô tình cô bạn đó lại được nhận vào làm chung công ty với T.. Thời gian đầu chuyện ai nấy làm, bạn bè cũng vui vẻ với nhau.

Càng về sau, T. được khen ngợi, được trọng dụng trong công việc, đồng nghiệp yêu mến, thế là bản tánh lại bộc phát, cô bạn bắt đầu soi mói, xét nét T. đủ điều, còn thường xuyên đi nói xấu T. với mọi người. T. đã dè chừng, không còn thân thiện với cô bạn đó và cũng đã nói chuyện thẳng thắn với cô ta.

Nhưng chứng nào tật nấy không bỏ được, đến mức cô bạn đó đã dựng chuyện nói xấu T. rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến danh dự và công việc của T., lại chơi trò tiểu nhân hại T. mất tập tài liệu trong cuộc họp, đến lúc này thì T. không thể im lặng cho qua được nữa.

T. tìm ra mọi chứng cứ và tố cáo cô ta, vạch rõ giới hạn và chấm dứt quan hệ bạn bè với cô ta ngay trước mặt đồng nghiệp và thông báo luôn với những cô bạn trong nhóm sinh viên. Chỉ sau đó 1 tuần, cô nàng ấy đã xin nghỉ việc về quê.

Người có lòng ĐK thường luôn cảm thấy áp lực và muốn chứng tỏ mình không thua kém người khác. Lòng ĐK còn khiến con người mù quáng và bất chấp những việc làm, hành động xấu xa để thỏa mãn những tham vọng của mình.

Tuy nhiên, trên thực tế, lòng ĐK không thể ngăn cản được người khác thành công, mà chỉ làm cho người ĐK không được sống thanh thản, luôn dằn vặt khổ đau và có thể dẫn họ đến những mưu đồ xấu xa, thậm chí phạm tội ác.

Lòng ĐK phá hoại mối quan hệ giữa người với người, cản trở sự phát triển của mối quan hệ, đồng thời sức mạnh đoàn kết và tinh thần hợp tác giữa mọi người sẽ bị giảm sút.

Quả thực những người bị hành hạ bởi tính ĐK đều ảnh hưởng xấu đến cuộc sống. Nó không chỉ thúc đẩy các hành vi dại dột, mà còn ngày ngày gặm nhấm sức khỏe của người đó. N

hất là phụ nữ, người có tính ĐK sẽ rất ít có cơ hội nhận ra những giá trị tốt đẹp của bản thân, tận hưởng niềm vui, hạnh phúc trong cuộc sống.

Phụ nữ mang tính ĐK không chỉ ganh ghét với ai hơn mình mà còn hẹp hòi, thiếu lòng bao dung với những thiếu sót của người khác.

Họ dễ sa đà vào những tật xấu như ngồi lê đôi mách, dựng chuyện sai sự thật… chỉ nhằm mục đích hạ bệ đối tượng nhắm đến hay đơn giản chỉ để thỏa tâm lý thích “dìm” người khác. Càng lún sâu vào những chuyện đó, phụ nữ càng dễ đánh mất đi sự tự tôn và lòng kiêu hãnh của chính mình.

Người phụ nữ suốt ngày chỉ lo săm soi, nhìn vào người khác để tìm điểm yếu của họ mà bêu rếu thì sẽ không còn thời gian và tinh thần nhìn vào bản thân mình để hoàn thiện mỗi ngày, giá trị bản thân ngày càng giảm sút, thậm chí bị mọi người né tránh.

Sự ĐK có những tác động tiêu cực lên chính cơ thể và tinh thần phụ nữ. Nó làm tổn hao năng lượng, gây ra những cảm xúc tiêu cực như chán nản, mệt mỏi và xuống tinh thần trầm trọng. Nếu không tìm cách thoát ra tâm lý ĐK, sự ĐK sẽ tàn phá dần tâm hồn con người.

Nhà văn Pháp De Balzac đã từng chiêm nghiệm: “Người có tính ganh tị khổ sở hơn bất cứ một người bất hạnh nào. Bởi vì hạnh phúc của người khác càng lớn bao nhiêu thì nỗi bất hạnh trong họ sẽ nhân lên bấy nhiêu lần”.

Ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội làm tăng sự ghen tị vì nó thường cho bạn thấy sự hào nhoáng, tốt đẹp trong cuộc sống của ai đó và khiến bạn phải không ngừng xuýt xoa, so sánh. Do đó, để giảm bớt sự ĐK trong lòng con người thì tốt nhất hạn chế theo dõi những người có thể khiến bạn nảy sinh tâm lý ĐK.

Nên sử dụng mạng xã hội để giao lưu với những người bạn thực sự chân thành, giúp bạn được tiếp thêm sức mạnh, năng lượng tích cực trong cuộc sống. Việc quan tâm và theo dõi những người có lối sống lành mạnh, sẽ mang đến cho bạn một lối sống tích cực và hài hòa hơn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, lòng biết ơn sẽ dập tắt lòng ĐK. Do đó, khi cảm xúc ĐK này bùng lên, hãy nghĩ về những người yêu thương bạn, những điều bạn thích, may mắn mà bạn gặp, sự trân trọng đối với giá trị của chính bạn. Đừng để sự ĐK phá hủy nhân cách của bạn, rồi bạn sẽ nhận thấy cuộc sống này thật hạnh phúc và đáng sống biết bao.

Hãy học cách trân trọng những gì mình có, thừa nhận những gì mình không có. Hãy biết chuyển hóa sự ĐK thành động lực phấn đấu, tinh thần cầu thị, ham học hỏi để không ngừng trau dồi bản thân ngày một tốt đẹp hơn.

Bài, ảnh: LAM NGỌC

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh