Phụ nữ cần mạnh mẽ, tự tin, luôn trau dồi về năng lực, bản lĩnh để sống hạnh phúc. Ảnh minh họa |
Bạo lực (BL) gia đình (GĐ) đối với phụ nữ (PN) là một hành động tội ác, phá vỡ một GĐ, ảnh hưởng đến thế hệ con cái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe về thể chất và tinh thần; thậm chí còn liên quan đến pháp lý nếu xảy ra những xung đột gây hậu quả đáng tiếc. Để xây dựng cho mình cuộc sống bình an, hạnh phúc, người PN cần phải bản lĩnh, tự tin, tôn trọng bản thân mình, mạnh mẽ quyết định những chuyện nên làm để tìm niềm vui trong cuộc sống, tìm thấy một tương lai tốt đẹp.
Tôi từng chứng kiến 1 GĐ, người cha có tính nóng nảy, vũ phu lại hay nhậu nhẹt, người mẹ thì lại có tật thích tám chuyện và hay lý sự nên GĐ cãi vã là chuyện cơm bữa. Nhiều lúc nổi nóng người chồng thẳng tay đánh vợ, có lần còn lôi xềnh xệch vợ từ nhà hàng xóm về “dạy dỗ” khiến hai con gái nhỏ khóc lóc vang cả xóm.
Chuyện riết cũng thành quen, lúc đầu người vợ còn giận hờn bỏ về nhà ngoại vài ngày. Hàng xóm láng giềng còn qua can ngăn. Về sau chuyện cũng trở nên… bình thường, không còn nhiều người quan tâm. Tuy nhiên, từ khi hiểu chuyện, hai cô con gái rất sợ hãi, xấu hổ với mọi người xung quanh, tính cách trở nên lầm lì, ít nói.
Người thân, hàng xóm có hỏi han gì thì cũng trả lời ậm ừ cho có. Đến khi lớn hơn, hai cô con gái vẫn không thay đổi, rất ngại tiếp xúc với cộng đồng. Đến tuổi trưởng thành, hai cô con gái tỏ ý sợ kết hôn, sợ không tìm được người đàn ông tốt, nên cũng không quen bạn trai, hai chị em sinh hoạt quanh quẩn trong nhà sau giờ học. Nay hai người con đã lớn và họ quyết tâm bảo vệ người mẹ đã quá suy kiệt về thể chất và tinh thần.
Chị T. (36 tuổi) chia sẻ: “Những năm đầu sau kết hôn, tôi bị chồng BL GĐ suốt, vừa tinh thần vừa thể xác. Thường ngày tánh khí anh ấy rất dữ tợn. Tôi làm gì cũng khiến anh ấy bực tức, dùng cả vũ lực. Tôi sợ đến mức không dám làm gì trái ý, tinh thần rất mệt mỏi, cơ thể ngày càng xuống sắc. Tôi suy nghĩ rất nhiều, vừa buồn chán thất vọng vì nhìn lầm người, vừa không cam tâm phó thác cuộc đời mình như thế. Con tôi còn nhỏ, tôi cũng rất lo, sợ lạc lõng không lo nổi cho con.
Sau nhiều ngày nghĩ thấu đáo, tôi quyết định nói hết với người nhà mình và nhận được sự ủng hộ giúp đỡ hết lòng. Chúng tôi muốn cho anh ta một cơ hội cuối để thay đổi nếu không sẽ ly hôn. Trong một lần anh ta đi nhậu xỉn về quậy, tôi đã lấy hết can đảm phản kháng lại dữ dội, tôi la hét nói hết những gì cần nói, đập phá hết những gì gần tôi và yêu cầu ly hôn. Anh ta ngạc nhiên đến mức tỉnh hẳn. Thấy tôi điên tiết lên làm quá, anh ta dịu xuống, chúng tôi cự cãi nhau một lúc, tôi nghiêm túc muốn ly hôn.
Anh ta trầm ngâm suy nghĩ và sau đó 2 ngày chúng tôi nói chuyện với nhau rõ ràng. Anh ta hứa sẽ thay đổi, bỏ tật xấu xây dựng lại hạnh phúc GĐ. Tôi ra yêu cầu trong vòng 1 năm, nếu còn tánh cũ, mẹ con tôi sẽ dọn đi ngay. Cũng may gần hết 1 năm qua anh ta đã sửa đổi được. PN cần phải mạnh mẽ để đấu tranh cho hạnh phúc của bản thân mình”.
Bạo hành PN chính là một dạng BL GĐ phổ biến mà PN là nạn nhân của người chồng. Họ trải qua những nỗi đau đớn, buồn tủi khi bị bạo hành thể chất và bạo hành tinh thần. Trẻ em cũng là nạn nhân, dễ gặp rủi ro hơn trong cuộc sống khi trẻ phải sống trong GĐ mà mẹ của mình bị BL.
Thế nhưng, không phải người PN trong cuộc nào cũng có đủ dũng cảm đứng lên đấu tranh hay tìm cách thoát khỏi BL GĐ. Bên cạnh sự khống chế của người chồng, PN còn bị vướng phải những rào cản về tâm lý như sợ cô đơn một mình nuôi con, sợ mất danh dự của GĐ mình, sợ mọi người xung quanh gièm pha và không dám phản kháng lại vì bản thân phải sống lệ thuộc vào chồng.
PN cần khám phá những giá trị tốt đẹp của bản thân để có thể đủ dũng khí rời bỏ người đàn ông không trân quý mình. Nếu muốn làm lại cuộc đời, bạn cần thay đổi để trở nên mạnh mẽ và quyết đoán hơn. Tự bản thân phải giải thoát khỏi sự đau khổ để bước đến tương lai tốt đẹp hơn.
Khi xảy ra BL GĐ, người PN cần mạnh dạn tố cáo thay vì im lặng. Để làm được điều này, người PN cần có điểm tựa từ GĐ mình, sự hỗ trợ giúp đỡ từ các tổ chức hội PN và chính quyền địa phương. Muốn giảm BL, người PN phải nâng cao vị thế, nâng cao tri thức. Các chị em nên tiếp cận tri thức bằng cách tham gia những cuộc tuyên truyền để hiểu hơn về vấn đề BL GĐ. Người PN phải đi làm để tự chủ về kinh tế, không sống phụ thuộc vào người khác.
Các chuyên gia cho biết, những người có trình độ học vấn cao có tỷ lệ bị BL cũng thấp hơn và điều này cho thấy học vấn có ý nghĩa rất quan trọng, giúp PN tự tin hơn, mạnh mẽ và độc lập hơn trong cuộc sống. Tình trạng BL với PN vẫn được che giấu do định kiến giới còn khá phổ biến trong xã hội. Sự thờ ơ, tâm lý chê bai, xầm xì tiêu cực của cộng đồng là những rào cản khiến người bị BL không dám lên tiếng và tìm kiếm sự giúp đỡ.
Tóm lại, cuộc sống GĐ không thể tránh khỏi những mâu thuẫn, bất đồng ý kiến. Khi gặp phải những mâu thuẫn, xung đột, các thành viên trong GĐ cần bình tĩnh trao đổi, tránh hiện tượng dùng quyền lực, sức mạnh. Để bảo vệ chính mình, bản thân những người PN bị bạo hành cần mạnh dạn lên tiếng, tránh để tình trạng bạo hành diễn ra liên tục kéo dài gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của bản thân và hạnh phúc của GĐ. Các tổ chức đoàn thể cần kịp thời phát hiện các vụ BL GĐ để có biện pháp hòa giải các mâu thuẫn, tránh những vụ việc đáng tiếc có thể xảy ra. Xã hội cần lên án và có biện pháp xử lý thích đáng đối với những đối tượng thích dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn trong GĐ; bảo vệ quyền lợi cho phái yếu.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin