(VLO) Phụ nữ cần phải biết làm việc nhà, cần phải nấu được bữa cơm cho chồng con, nhưng không nhất định phải giỏi nội trợ, phải là “siêu đầu bếp”, vì đó không phải là tiêu chuẩn để đạt được hạnh phúc gia đình. Muốn hạnh phúc, phụ nữ phải có sự cân bằng hợp lý giữa việc chăm sóc gia đình và công việc ngoài xã hội của bản thân mình.
Chị N. (36 tuổi) cho biết, bản thân chị rất thích nấu ăn, nhưng vì phải đi làm nên không có nhiều thời gian vào bếp. Thường ngày vào cuối tuần chị sẽ mua thức ăn về sơ chế sẵn dự trữ trong tủ lạnh, mỗi ngày đi làm về chỉ việc mang ra nấu.
“Ông xã cũng hay vào bếp phụ cho nhanh, mỗi ngày chỉ ăn uống đơn giản thôi, cuối tuần thì nấu nướng cầu kỳ hơn. Tôi vẫn luôn mong muốn chăm lo từng bữa ăn cho gia đình để chồng con có đầy đủ dinh dưỡng, có sức khỏe tốt. Tuy không giỏi giang nấu nướng gì nhiều nhưng có lòng quan tâm chăm sóc gia đình là được rồi.
Chồng tôi vẫn luôn không đặt nặng vấn đề này nên gia đình tôi khá thoải mái, thỉnh thoảng chúng tôi ra ngoài ăn đổi khẩu vị. Vợ chồng thấu hiểu, thông cảm và đồng hành cùng nhau mới là hạnh phúc trọn vẹn”- chị N. chia sẻ.
Anh M. chia sẻ: “Vợ chồng hợp nhau, sống vui vẻ hạnh phúc là phải chấp nhận được đối phương kể cả điểm tốt và xấu.
Tôi không thích buộc người khác phải cố gắng làm thứ gì đó mà họ không thích hay không thể chu toàn được.
Tôi muốn vợ chồng thoải mái trò chuyện về mong muốn của nhau, cái gì làm được thì làm, không làm được thì tìm hướng giải quyết khác phù hợp cho cả hai.
Việc nội trợ tuy quan trọng trong cuộc sống hôn nhân, nhưng chúng ta có thể điều chỉnh sắp xếp để cân bằng hợp lý. Vợ chồng thấu hiểu nhau mới là quan trọng nhất”.
Từ xưa, nữ công gia chánh, đảm đang bếp núc đã từng là thước đo, chuẩn mực mà phụ nữ luôn ghi nhớ để học theo nếu muốn làm hài lòng mẹ chồng tương lai và có được tấm chồng tốt.
Tuy nhiên, phụ nữ hiện đại cũng có vị trí ngoài xã hội, trọng trách chia sẻ tài chính với chồng. Chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái, lo việc bếp núc,... nhiều công việc đã tạo ra áp lực, mệt mỏi cho họ, chất lượng cuộc sống giảm sút, họ không cảm thấy hạnh phúc thật sự.
Cuộc sống hiện đại tạo cho người phụ nữ nhiều cơ hội để học tập, làm việc, nhưng bên cạnh đó cũng khiến họ đối diện với nhiều áp lực.
Làm thế nào để chăm lo vẹn toàn cho gia đình, đảm đương tốt công việc ngoài xã hội, nhưng chị em vẫn có thể chăm sóc bản thân, tận hưởng cuộc sống, đây luôn là mối quan tâm học hỏi của chị em thời nay.
Quan trọng là mỗi phụ nữ cần phải chủ động trong công việc để không phụ thuộc vào chồng, nhất là về mặt kinh tế.
Không ít người cho rằng, phụ nữ bây giờ rất vụng về trong khoản tề gia nội trợ, tuy nhiên thực tế vẫn có rất nhiều phụ nữ “giỏi việc nước, đảm việc nhà”.
Chỉ cần tư duy tốt, biết cách sắp xếp, biết cách thỏa thuận với các thành viên trong gia đình thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng, trọn vẹn hơn.
Những công việc nhà nên có sự san sẻ giữa các thành viên trong gia đình, đặc biệt từ người chồng. Sự san sẻ chính là khởi nguồn của yêu thương và hạnh phúc.
Sau những giờ tan làm mệt mỏi, vất vả, nếu có được sự hỗ trợ từ người chồng sẽ giúp các chị em vơi bớt áp lực. Từ đó, chị em mình sẽ có thời gian nghỉ ngơi và tâm trạng thoải mái, vui vẻ hơn.
Cuộc sống hiện nay đã thay đổi rất nhiều, tâm lý xã hội cũng cởi mở hơn khi coi chuyện bếp núc không đơn thuần còn là việc của riêng người phụ nữ nữa.
Ngày càng xuất hiện nhiều hình ảnh người đàn ông vào bếp nhưng vẫn thể hiện sự nam tính và bản lĩnh của họ, hoặc có thêm sự sẻ chia từ phía con cái để mẹ đỡ vất vả.
Chuyện chia sẻ việc bếp núc không còn là điều quá khó khăn đối với các anh chồng thời nay. Chỉ cần phụ nữ học cách lên tiếng cần sự trợ giúp từ chồng một cách tinh tế thì họ sẵn sàng hỗ trợ hết mình.
Lúc đó chị em sẽ cảm thấy cuộc sống nhẹ nhàng và vui vẻ hơn khi có sự đồng hành, chia sẻ. Chị em đừng nên quá cầu toàn, quá chỉn chu mà tự ôm hết việc vào mình, sẽ không mang lại chất lượng cuộc sống gì cao hơn, ngược lại sẽ dễ làm chị em phụ nữ mệt mỏi, stress.
Nói tóm lại, nội trợ cũng chỉ là một khía cạnh trong cuộc sống giữa vô vàn các vấn đề khác. Cuộc sống của một gia đình hạnh phúc hay không là do sự hòa hợp của vợ chồng, con cái và rất nhiều vấn đề khác.
Tùy tính cách, hoàn cảnh, điều kiện mà họ thỏa thuận với nhau để có thể tạo ra một môi trường gia đình tốt nhất, ai cũng vui vẻ, hạnh phúc, mà không phải là cam chịu cảm giác “hy sinh”.
Tất nhiên, người “giữ lửa” cho gia đình vẫn là phụ nữ. Đối với gia đình Việt Nam, gian bếp không chỉ là để nấu ăn mà còn để lưu giữ lửa gia đình và để trao gửi yêu thương.
Vậy nên chúng ta phải biết dung hòa hợp lý để có được mái ấm gia đình hạnh phúc và một sự nghiệp vững vàng của riêng mình.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin