Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn đề nhức nhối của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về thể xác, tinh thần và cả những vấn đề xã hội khác. BLGĐ không chỉ ở nữ giới mà cả nam giới cũng là nạn nhân của BLGĐ.
Hôn nhân cần sự tôn trọng, yêu thương nhau để xây dựng hạnh phúc. Ảnh minh họa |
Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn đề nhức nhối của xã hội, để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng về thể xác, tinh thần và cả những vấn đề xã hội khác. BLGĐ không chỉ ở nữ giới mà cả nam giới cũng là nạn nhân của BLGĐ.
Chị họ tôi sống ở một vùng nông thôn kể rằng, gần nhà chị có gia đình đó, hai vợ chồng ngoài 40 tuổi và 2 đứa con đã lớn nhưng căn nhà không lúc nào là bình yên.
Chuyện là anh chồng làm thuê kiếm sống, ngày nào có việc làm thì kiếm được vài trăm ngàn đưa vợ trang trải chi phí gia đình, 2 con đang tuổi ăn học nên cũng không đủ vào đâu, chị vợ ngoài chu toàn việc nhà phải nhận hàng thủ công về làm kiếm thêm thu nhập.
Có điều anh chồng có tật thích nhậu nhẹt, hết việc là đi nhậu, có khi đang làm mà bạn bè rủ rê là nghỉ nửa buổi đi nhậu. Chị vợ từ nhỏ nhẹ khuyên nhủ, than vãn đến la mắng, quát tháo mỗi ngày mà anh chồng vẫn không bỏ tật. Hàng xóm láng giềng ngày nào cũng được nghe chị vợ lớn tiếng mắng chồng, chê bai anh làm không đủ ăn, tối ngày tụ tập nhậu nhẹt, dù hai đứa con đã lớn khuyên can cũng không ngăn chị lại được.
Anh này tánh lại hiền lành, mọi người chưa thấy anh phản pháo dữ dội lại vợ bao giờ, chỉ ậm ờ cho qua chuyện. Đỉnh điểm là hôm nọ trời tối rồi chưa thấy anh về, chị đi tìm và lôi anh về từ nhà chiến hữu, vừa đi vừa chửi rồi tức quá cho chừa tật bê tha, khi đi ngang mé mương chị ta đẩy anh chồng xuống nhấn nước anh mấy cái, nghe tiếng la lối um sùm hàng xóm ra khuyên can dìu anh về nhà. Sau trận đó cả gia đình hai bên phải tụ họp lại để giải quyết vấn đề.
Ngay cả trong khu phố ở thành thị, tôi cũng có biết trường hợp anh chồng nọ vì thất nghiệp mấy năm nay mà bị vợ bạo lực về mặt tinh thần nhưng vẫn nhẫn nhịn cho nhà cửa êm ấm, cố cầm cự để tìm công việc mới thích hợp.
Chị vợ vì phải gồng gánh gia đình nên rất dễ cáu gắt với chồng. Hôm nào vui thì thôi, hôm nào mệt mỏi bực bội trong người là đi làm về chị chì chiết anh không thôi, khi mà anh chịu không nổi trả lời đôi co lại là có khi tiếng chén dĩa rơi vỡ inh ỏi, hàng xóm sát vách nhà đều biết rõ chuyện vì chị vợ nóng tánh la hét không hề nhỏ. Sau những trận cãi vã đó là hàng xóm thấy anh rất buồn, có khi còn xách xe đi tới khuya mới về.
Thông thường mọi người cho rằng BLGĐ chỉ là việc sử dụng vũ lực để đánh đập, la mắng. Tuy nhiên, BLGĐ còn có rất nhiều hình thức thông qua những hành vi khác như sự thờ ơ, ghẻ lạnh, “chiến tranh lạnh” hay chì chiết, chửi mắng, cô lập đối phương trong gia đình đều là những hình thức bạo lực. Hoặc bắt ép, dụ dỗ các thành viên trong gia đình thực hiện hành vi họ không mong muốn cũng là bạo lực. Thậm chí, áp dụng quy tắc “có tiền là có quyền” chi phối thành viên khác phục tùng mong muốn của bản thân khi họ không thích cũng là hình thức BLGĐ.
Một trong những nguyên nhân thời nay nam giới bị BLGĐ có thể xuất phát từ việc nữ giới ngày càng ý thức hơn về quyền và vai trò của mình. Ít nhiều họ không còn mang tâm lý thụ động, cam chịu, sống phụ thuộc vào chồng nên sợ chồng. Họ tự chủ kinh tế, có tiếng nói trong gia đình, ý thức được giá trị bản thân và có quyền lên tiếng nếu không hài lòng vấn đề nào đó, nhất là đối với một nửa đang sống chung nhà.
Nếu so sánh về vấn đề BLGĐ ở nữ giới thì phụ nữ đang chiếm tỷ lệ cao hơn nhiều lần và chịu những đau đớn thể xác nghiêm trọng hơn nhiều lần. Tuy nhiên cũng không thể không quan tâm can thiệp vấn đề nam giới bị bạo lực về mặt tinh thần và có khi cả thể chất. Dù là nam giới hay nữ giới nếu bị BLGĐ, họ cần được lắng nghe, hỗ trợ và bảo vệ khi bị bạo hành, lạm dụng trong gia đình.
Hầu hết đàn ông khi bị vợ BLGĐ đều nhẫn nhịn cho qua vì không muốn làm lớn chuyện ảnh hưởng đến gia đình hai bên và con cái, nhất là thể diện của đàn ông. Họ cũng không muốn tâm sự chuyện riêng tư gia đình cho người khác nghe cũng như sợ điều tiếng nếu phản ánh với cơ quan chức năng. Nạn nhân lâu dài của BLGĐ cả nam và nữ đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và nhất là về mặt tinh thần sẽ bị stress nặng nề, thậm chí bị trầm cảm.
Do đó ngành chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức cho tất cả mọi người trong phòng chống BLGĐ; can thiệp hỗ trợ kịp thời nạn nhân bị BLGĐ cả nam và nữ và xử lý nghiêm hành vi gây BLGĐ. Phối hợp với các đoàn thể tổ chức những khóa học tiền hôn nhân để cả nam và nữ trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng thật tốt trước khi chung sống cùng nhau.
Hôn nhân là hành trình đồng hành và chia sẻ cùng nhau. Cuộc sống hôn nhân là tự nguyện, xuất phát từ tình yêu thương, mỗi người đều cần và nên được tôn trọng như nhau. Dù đàn ông hay phụ nữ ở những vị trí, vai trò nào trong gia đình thì cũng phải được cảm thông, được tôn trọng và yêu thương. Hôn nhân hạnh phúc không nằm ở việc ai thắng ai, mà ở sự đồng lòng cùng nắm tay nhau hướng về tương lai.
Bài, ảnh: LAM NGỌC