Có không ít các đấng mày râu trong công việc, trên thương trường hay trong các mối giao tiếp đều không thua kém ai; vậy mà khi về tới nhà với vợ lại trở thành "cá con", tất cả cũng chỉ vì tình yêu thương với một nửa của mình.
(VLO) Có không ít các đấng mày râu trong công việc, trên thương trường hay trong các mối giao tiếp đều không thua kém ai; vậy mà khi về tới nhà với vợ lại trở thành “cá con”, tất cả cũng chỉ vì tình yêu thương với một nửa của mình.
Vợ chồng hạnh phúc là phải tôn trọng, yêu thương, nhường nhịn nhau. Ảnh minh họa |
Xóm tôi có ông anh kia vẻ ngoài khá “bặm trợn”, mở dịch vụ cầm đồ và đại lý vé số; trên người thì hai ba hình xăm cho bằng anh bằng chị, trong nhà thì nuôi cũng mấy “đàn em” để phụ việc.
Ra đời không thua ai bao giờ, dữ dằn là thế nhưng mọi người trong xóm đều công nhận rằng anh rất tốt bụng, chưa làm điều gì sai quấy với ai.
Mấy em giúp việc trong nhà đều biết rất rõ rằng “về nhà anh là cá con”, “nóc nhà” của anh mới là “trùm cuối”. Mọi chuyện làm ăn chị vợ đều nắm, dù anh phụ trách giao dịch bên ngoài.
Trong sinh hoạt hàng ngày mọi chuyện từ lớn tới nhỏ mọi người đều chỉ hỏi vợ anh để quyết định. Anh tin tưởng vợ tuyệt đối và hầu như giao vợ làm chủ hết tài chính trong nhà. Những chuyện học hành của con cái hay lễ nghĩa hai bên gia đình cũng do chị lo chu toàn.
Điều khiến mọi người mến anh đó là có vẻ ngoài ngầu như thế nhưng anh lại nói chuyện với vợ rất ngọt ngào, nhẹ nhàng.
Ngược lại chị vợ cũng tôn trọng, yêu thương và chăm sóc chồng con rất chu đáo. Họ là đôi vợ chồng hạnh phúc, mọi người ai cũng cười vui và thích cái “sợ vợ” của anh.
Anh C.M. là một người trí thức, có trình độ cao và địa vị xã hội. Bên ngoài đạo mạo, chỉn chu, nghiêm nghị là thế nhưng có ai ngờ khi về với mái ấm gia đình của mình anh lại là “cá con” của một nửa yêu thương của mình.
Anh sẵn sàng trút bỏ vẻ ngoài đạo mạo của mình vào bếp phụ vợ nấu cơm, tối đến thì kèm con gái học bài, công việc nhà chỉ cần vợ “sai” gì là anh làm nấy.
Tiền lương hàng tháng anh đều đưa hết cho vợ lo chi tiêu trong gia đình, mọi chuyện chị toàn quyền quyết định, chỉ những chuyện quan trọng thì hai vợ chồng cùng bàn bạc thống nhất. “Nhiều người bảo tôi sao sợ vợ thế.
Tôi chỉ cười nói rằng vợ mình thì mình sợ thôi. Mà thật ra đó là do tôi yêu thương và tin tưởng cô ấy để cô ấy quyết định mọi chuyện trong nhà. Cô ấy cũng rất tôn trọng tôi và chưa khi nào làm gì không phải với tôi.
Chúng tôi luôn hiểu nhau, cư xử nhẹ nhàng với nhau. Mặc ai nói gì miễn vợ chồng tôi cảm thấy hạnh phúc là đủ”.- anh C.M. chia sẻ.
Đàn ông ngoài kiểu sợ vợ thật sự thì có không ít những anh chồng vì yêu thương, tôn trọng vợ, quý trọng hạnh phúc gia đình mà luôn nhường nhịn, cưng chiều một nửa của mình; nhưng lại không hề nhu nhược, bất tài, không có tiếng nói trong nhà. Cái “sợ vợ” này là để nhà cửa ấm êm, vợ chồng vui vẻ hạnh phúc thì rất đáng khen ngợi.
Kiểu sợ vợ thật sự thường xảy ra khi người chồng mắc lỗi, bị nắm thóp hoặc người vợ tính cách quá mạnh mẽ, át vía chồng.
Trong nhà, mọi việc lớn nhỏ do vợ quyết hết, chồng chỉ im lặng không có ý kiến. Thường thì những người chồng này bị yếu thế, kém cỏi hơn vợ và không được sự tôn trọng của vợ. Ở đây chúng ta bàn về chuyện “sợ vợ” đầy yêu thương của các anh chồng. Xã hội hiện đại khá cởi mở đối với chuyện sợ vợ.
Trước đây, chỉ cần bạn bè châm chọc “sợ vợ” thì có thể bị xem là châm biếm, chế giễu, coi thường nhau; còn ngày nay, chuyện sợ vợ như câu chuyện vui của các anh chồng, “sợ vợ” để nhà cửa ấm êm có gì mà xấu hổ.
Đương nhiên, sợ vợ thì cũng có nhiều kiểu. Có người vì yêu nên sợ vợ vất vả, sợ vợ buồn, sợ vợ tổn thương; vì thế các anh mới sẵn sàng giúp vợ việc nhà khi có thể, vội vã chăm sóc khi vợ ốm và chống lại những cám dỗ bên ngoài vì sợ vợ tổn thương.
Có người lại sợ vợ bằng cách vợ nói gì là nghe nấy, vợ muốn mua gì là cố gắng đáp ứng cho bằng được.
Cũng có người đơn giản là để vợ quản mọi thứ. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Miễn người trong cuộc thỏa hiệp được, chấp nhận được nhau và sống vui vẻ hạnh phúc là được.
Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, phụ nữ khi được chồng “sợ” không nên lấy điều đó làm tự hào, lên mặt rồi ức hiếp chồng. Trái lại cần phải xem như là sự trân trọng, yêu thương của chồng, là nền móng để vun vén hạnh phúc gia đình, loại bỏ tư tưởng gia trưởng, hướng tới xu hướng bình đẳng giới trong xã hội hiện đại.
Nhiều chị em phụ nữ cũng chia sẻ rằng, thật ra phụ nữ cũng chẳng mong chồng sợ mình, chỉ là họ luôn muốn trong cuộc sống hôn nhân, người vợ được tôn trọng. Chồng không nên nặng định kiến, không nên gia trưởng, cũng chẳng cần phải quát tháo sai khiến vợ con.
Chỉ cần đôi bên tôn trọng nhau và thỏa hiệp quan điểm sống với nhau. Cái gì vợ nói đúng thì cũng nên nghe, không đúng thì bác bỏ, góp ý vợ. Nếu có nể vợ thì cũng rất đáng mừng vì nó sẽ góp phần giảm thiểu những thói hư tật xấu của đàn ông.
Tóm lại, chuyện sợ vợ hay không là do tư tưởng, tính cách của mỗi người đàn ông. Suy cho cùng thì chẳng ai phải sợ ai, vì ai cũng được bình đẳng.
Đàn ông nên nhớ rằng “sợ vợ” theo nghĩa vui, tôn trọng yêu thương vợ, mang đến mọi điều tốt đẹp cho mái ấm gia đình mình thì rất đáng quý.
Tuyệt đối đừng “sợ vợ” kiểu lép vế, mất hết uy nghiêm, uy tín của bản thân, không có quyền hạn trong nhà, để vợ mặc sức “làm mưa làm gió” thì sớm muộn cũng tan đàn xẻ nghé.
Bài, ảnh: LAM NGỌC