Con trai tôi mới học lớp 8 nhưng đã bày đặt yêu đương. Tôi khuyên con chăm học, đừng để chuyện yêu đương làm phân tán tâm trí, ảnh hưởng việc học thì con tôi phản ứng ghê quá. Lần đầu thấy con phản ứng, tôi thấy bất an và ăn không ngon, ngủ không yên rồi. Sau đó, vì sợ chúng cứ hẹn hò, nói chuyện phiếm mất thời gian mà tôi tịch thu điện thoại. Nay con không còn ngoan ngoãn như trước nữa nên tôi buồn lắm.
(VLO) Con trai tôi mới học lớp 8 nhưng đã bày đặt yêu đương. Tôi khuyên con chăm học, đừng để chuyện yêu đương làm phân tán tâm trí, ảnh hưởng việc học thì con tôi phản ứng ghê quá. Lần đầu thấy con phản ứng, tôi thấy bất an và ăn không ngon, ngủ không yên rồi. Sau đó, vì sợ chúng cứ hẹn hò, nói chuyện phiếm mất thời gian mà tôi tịch thu điện thoại. Nay con không còn ngoan ngoãn như trước nữa nên tôi buồn lắm.
Hễ đi học về là con vô phòng, đóng cửa cái rầm. Tới giờ cơm, tôi gọi mãi mới ra nhưng con lại bới một tô bưng vào phòng ăn.
Tôi ly dị chồng, đến nay cũng đã 6 năm rồi. Phụ nữ một thân một mình nuôi con trải qua biết bao khó khăn nhưng khi đó mẹ con vui vẻ, đâu như bây giờ cứ như mặt trời mặt trăng.
Biết là tôi cũng có cái vô lý nhưng nếu không giữ điện thoại của con thì khó mà quản lý giờ giấc học tập cũng như nghỉ ngơi của con. Giờ con tôi như thế, tôi có nên trả điện thoại cho con?
Bình Minh
Lứa tuổi con trai bạn là lứa tuổi có thể “nổi loạn” do các yếu tố tâm sinh lý phát triển để trưởng thành. Ở tuổi này, các con thường bướng bỉnh, thể hiện cái tôi một cách mạnh mẽ, thậm chí cực đoan để vượt qua những ràng buộc, khuôn phép của gia đình và xã hội.
Thế nên, khi con ở vào giai đoạn này, rất cần sự quan tâm của ba mẹ và người thân để có thể giáo dục và định hướng nhân cách, lối sống của con.
Theo Hoa Hồng, ở tuổi này, con thích một bạn nào đó là hoàn toàn bình thường. Vấn đề là làm cha làm mẹ, bạn phải làm thế nào để con có thể tự tin khoe với mẹ là “con thích bạn này”.
Và như thế bạn sẽ biết con đang nghĩ gì, mối quan hệ của chúng ra sao để kịp thời giúp đỡ, nhắc nhở con không quên nhiệm vụ chính là học tập.
Thay vì nói với con rằng, đó có thể là tình cảm học trò có thể là thoáng qua thì bạn lại rầy la rồi tịch thu điện thoại của con trong khi điện thoại bây giờ là vật bất ly thân đối với giới trẻ. Đó là sai lầm của bạn và sai lầm đó khiến khoảng cách của mẹ con bạn ngày càng xa.
Lứa tuổi này không thích kiểu giáo dục áp đặt, nặng lý thuyết. Kiểu răn dạy theo kiểu “cha mẹ nói, con phải nghe” sẽ không được các con tiếp nhận một cách tích cực, nhiều khi còn phản tác dụng nữa. Việc quản thúc, kềm cặp quá mức cũng khiến các con càng bức bối và muốn… vượt rào.
Tốt nhất là cha mẹ phải làm sao tiếp cận, gần gũi con, như một người bạn tâm tình rồi tùy chuyện mà nhẹ nhàng khuyên giải. Như chuyện điện thoại, làm sao bạn có thể quản lý mọi thứ trên chiếc điện thoại tuy nhỏ bé nhưng thu gọn cả vũ trụ và quá nhiều tính năng ấy?
Cái quan trọng nhất là thái độ sống của con bạn ra sao, cách sử dụng điện thoại như thế nào vừa hợp lý vừa hiệu quả. Đó là điều bạn cần phải trợ sức giúp con.
HOA HỒNG