Thiêng liêng thời khắc giao thừa
09:02, 01/02/2024
Thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới từ bao đời nay đã khắc sâu trong tâm thức của mỗi người Việt bởi sự thiêng liêng, ý nghĩa sâu sắc, nguyện cầu một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.
Thời khắc giao thừa chuyển giao giữa năm cũ và năm mới từ bao đời nay đã khắc sâu trong tâm thức của mỗi người Việt bởi sự thiêng liêng, ý nghĩa sâu sắc, nguyện cầu một năm mới nhiều may mắn, hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.
Đêm giao thừa là thời khắc vô cùng đặc biệt để tiễn năm cũ đi và đón chào một năm mới đong đầy niềm vui. Bởi vậy, vào thời khắc này hầu hết các gia đình sẽ cùng nhau sum vầy, sửa soạn mâm cơm và thắp hương để cúng tổ tiên, sau đó gửi tới nhau những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới.
Gia đình cô Thanh Thúy từ xưa đến nay vẫn luôn giữ những nét truyền thống trong những ngày Tết Nguyên đán, nhất là sự sum họp đoàn viên đông đủ con cháu trong thời khắc giao thừa để cùng nhau bày biện mâm cơm rước ông bà, hộp bánh mứt, mâm ngũ quả, thắp hương cho tổ tiên cầu cho gia đình bình an, may mắn.
Đối với mỗi thành viên trong gia đình cô Thúy, đêm giao thừa là giờ phút quan trọng mà mỗi thành viên đều háo hức mong chờ và tuân thủ nếp nhà để có mặt đông đủ cùng nhau chào đón năm mới.
Thời khắc ấy, sau khi cúng rước ông bà tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu, các thành viên quây quần bên nhau cùng ăn uống trò chuyện vui vẻ. Những người trẻ còn thức đến gần sáng mới chịu đi ngủ.
Trần Tiến (25 tuổi) hạnh phúc chia sẻ: “Nhà em tuy chỉ có hai anh em nhưng mẹ em rất nghiêm khắc và giữ đúng những lễ nghi trong những ngày Tết. Buổi tối trước khi đến thời khắc chuẩn bị cúng tổ tiên thì em có thể tự do đi chơi.
Thông thường em chở bạn gái đi dạo phố phường nhộn nhịp Tết, đi ăn uống. Nhưng khoảng 23 giờ là em phải tranh thủ về đến nhà, cả nhà phải đông đủ các thành viên để thắp nén nhang rước ông bà, cầu mong cả nhà bình an, phước lành trong năm mới. Sau đó là đến thủ tục mừng tuổi cha mẹ nhận lì xì.
Đêm giao thừa cả nhà cùng thức để trò chuyện, xem tivi rất đầm ấm. Sáng sớm mùng Một là cả nhà đủ thành viên đi chùa hái lộc đầu năm. Hy vọng Tết năm sau nhà em sẽ có thêm thành viên mới sẽ nhộn nhịp vui tươi hơn vì hai bên gia đình chúng em đã gặp nhau để dạm hỏi”.
Đối với mỗi chúng ta, năm mới tượng trưng cho vận hội mới, hy vọng mới. Một năm đã qua dù thành công rực rỡ hay còn điều dở dang, nuối tiếc, đều được gác lại để chào đón một năm mới đến với nhiều hy vọng về tương lai tốt đẹp. Năm nào cũng thế, mỗi gia đình người Việt đều chuẩn bị chu đáo cho đêm giao thừa.
Bắt đầu từ sáng sớm của ngày cuối cùng trong năm, các thành viên trong gia đình phân công công việc cho nhau trang hoàng nhà cửa, sắp xếp lại đồ dùng ngăn nắp rồi cùng nhau chuẩn bị mâm cơm tất niên cúng đêm giao thừa. Vào đêm giao thừa, người ta nhìn ngắm pháo hoa rực rỡ và thầm cầu mong những điều an lành, thịnh vượng sẽ đến.
Đêm giao thừa, dù ở đâu, làm gì thì vào khoảnh khắc giao thừa mọi thành viên trong gia đình đều quây quần, sum vầy bên nhau, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, với niềm tin, khí thế và thắng lợi mới.
Những ngày cuối năm, không khí trở nên náo nhiệt hơn hẳn, người người xúng xính cùng nhau sắm đồ Tết, mua những chậu hoa về chưng trước nhà, mua mâm ngũ quả chưng lên bàn thờ,… mọi người tụ họp lại dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa cho sạch sẽ để chuẩn bị đón năm mới.
Đến ngày 30 thì ngồi sum vầy bên nhau để canh nồi bánh chưng, bánh tét rồi cùng nhau cười nói rôm rả, phấn khởi chờ đợi đến khoảnh khắc giao thừa. Không gì thú vị bằng việc cả nhà quây quần bên nhau đón giao thừa.
Thay vì ra ngoài đường để ngắm pháo hoa hoặc ăn uống cùng bạn bè như mọi năm thì bạn có thể đón giao thừa tại nhà với người thân như nấu các món ăn ngon, đồ uống, tổ chức một vài trò chơi và hoạt động thú vị. Rồi cùng nhau trò chuyện, xem tivi trực tiếp không khí Tết nhộn nhịp ngoài đường phố.
Theo truyền thống của nhiều gia đình, sau khi cúng rước ông bà, nhiều nhà sẽ cùng nhau đi chùa xin lộc đầu năm. Thời điểm này, từng dòng người hân hoan đến chùa để xin những nhánh lộc non, cầu mong cho gia đình, người thân một năm may mắn, tràn đầy sức khỏe. Nhiều gia đình thì đợi đến sáng mùng Một Tết thì mới đi xin lộc.
Dường như đã trở thành thông lệ, sau khi hoàn tất nghi lễ cúng gia tiên tại nhà, người dân Việt sẽ đi đền, đi chùa đầu năm là để cầu nguyện những điều tốt đẹp cho một năm mới và mong tìm được sự thanh thản trong tâm hồn sau những bộn bề của cuộc sống. Một nhánh lộc non mang về với hy vọng sẽ gặp may mắn, tài lộc, mọi điều tốt lành đến với mọi người.
Bao nhiêu năm qua, nét đẹp trong phong tục văn hóa Tết vẫn còn vẹn nguyên ý nghĩa, nhất là trong không khí đoàn viên của đêm giao thừa. Đó chính là thời khắc thiêng liêng nhất đối với mỗi người, mỗi gia đình.
Trong giờ phút ấy, người ta thấy tâm hồn tĩnh tại, gần gũi, thân thương đến lạ kỳ. Một đêm giao thừa đầy ắp yêu thương, ấm cúng sẽ tiếp thêm động lực cho mỗi người sống và làm việc tốt hơn trong mùa xuân mới.
Ngày Tết Nguyên đán là lễ hội của dân tộc và cũng là ngày hội của gia đình. Ý nghĩa đoàn tụ được thể hiện ngay từ đêm cúng giao thừa đến lễ cúng gia tiên ngày mùng Một Tết, con cháu cùng sum họp chung vui. Việc đón Tết cổ truyền đã trở thành ngày hội đặc biệt trong gia đình, dòng họ.
Chính những điều đó đã làm nên giá trị truyền thống trong văn hóa của người Việt, đưa mọi người xích lại gần nhau hơn, làm đậm hơn tình cảm gia đình.
LAM NGỌC
- Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển giao kỹ thuật ECMO cho Bệnh viên đa khoa Vĩnh Long
- Giải pháp nhân rộng các mô hình thí điểm thành công của Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao
- Thú vị không gian trưng bày và trải nghiệm sản xuất gốm
- Trường ĐH Cửu Long khai trương Trung tâm Đào tạo tiếng Việt thứ hai tại Lào
- Chuyện chơi theo nhóm của bạn trẻ
Thông tin cần biết
Liên kết web
Đường dây nóng: 0987083838.