Gia đình 3 thế hệ

10:09, 14/09/2023

Xã hội hiện đại, người trẻ có xu hướng lựa chọn cuộc sống riêng tư, để thoải mái trong sinh hoạt và phù hợp với nhịp bận rộn của công việc thường ngày. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều gia đình 3 thế hệ cùng chung sống dưới một nếp nhà, lan tỏa yêu thương và đem đến nhiều giá trị tốt đẹp về sự mẫu mực và hạnh phúc. 

 
Gia đình là nơi bình yên, hạnh phúc nhất mà mỗi chúng ta luôn muốn tìm về. Ảnh minh họa
Gia đình là nơi bình yên, hạnh phúc nhất mà mỗi chúng ta luôn muốn tìm về. Ảnh minh họa
Xã hội hiện đại, người trẻ có xu hướng lựa chọn cuộc sống riêng tư, để thoải mái trong sinh hoạt và phù hợp với nhịp bận rộn của công việc thường ngày. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn rất nhiều gia đình 3 thế hệ cùng chung sống dưới một nếp nhà, lan tỏa yêu thương và đem đến nhiều giá trị tốt đẹp về sự mẫu mực và hạnh phúc. 
 
Lấy chồng là con trai út của một gia đình khá giả, tương đối nề nếp truyền thống nên M.H. phải sống chung cùng gia đình chồng gồm cả 3 thế hệ, cả nhà con cháu hơn chục thành viên.
 
Thời gian đầu về làm dâu M.H. vô cùng áp lực, mọi lời nói hành động đều cẩn trọng. Là cô gái hiện đại sống ở đô thị lớn, con gái cưng trong gia đình cũng hiện đại, vì thế khi về làm dâu một gia đình như thế khiến cô nàng bị “sốc” tâm lý.
 
Khi yêu đương nồng nàn M.H. không màng đến những khác biệt giữa hai gia đình, vì yêu cô quyết chọn anh chồng. Giờ đây về sống chung rồi cô mới thấm thía mọi chuyện không đơn giản như thế. M.H. không thể ngủ tới mặt trời lên trong khi mẹ chồng phải dậy từ rất sớm để quét lau căn biệt thự rộng lớn, rồi nấu bữa sáng cho bà nội chồng.
 
Công việc nhà vất vả nên mẹ chồng cô cũng khá khó tính với cô dâu trẻ, còn bà nội thì rất nghiêm khắc, nếp nhà phải thực hiện nghiêm. Cô gái hiện đại như cô chỉ biết thở dài ngán ngẩm mà cố gắng sống cho qua ngày, chỉ chờ được buổi tối thủ thỉ than thở cùng chồng. Cô dự định sống thời gian ngắn nữa cô sẽ nói với chồng vì lý do công việc muốn dọn ra ở riêng cho tiện dù biết sẽ rất khó.
 
Chị L. cũng lấy chồng là gia đình 3 thế hệ nhưng chị may mắn hơn vì gặp được mẹ chồng tâm lý, thương con thương dâu. Theo quan điểm của mẹ chồng chị L. thì trước giờ bà đã quá khổ với mẹ chồng phong kiến, nên giờ không khó với dâu.
 
Vì vợ chồng chị L. đều phải đi làm cả ngày nên mẹ chồng chị phải quán xuyến luôn phần con dâu. Những lúc chị L. bị “lão phật gia” hay họ hàng than phiền điều gì đều có mẹ chồng đỡ lời giúp.
 
Chị L. chia sẻ: “Vì thương mẹ chồng nên vợ chồng tôi vẫn ở chung để san sẻ, bầu bạn cùng mẹ. Cha chồng lại rất nghe lời bà nội, không quan tâm chia sẻ nhiều với mẹ. Vì thế vợ chồng tôi rất thương mẹ.
 
Vì mẹ chồng, tôi cũng thay đổi học hỏi được rất nhiều thứ, phụ mẹ quán xuyến nhà cửa. Học cách chăm sóc làm vui lòng người lớn tuổi để trong ấm ngoài êm. Dần dần tình hình gia đình tôi hiện giờ rất hòa thuận, ấm êm”.
 
Quả thực không thể phủ nhận những bất tiện trong đời sống hàng ngày với gia đình nhiều thế hệ. Do cách biệt về tuổi tác, lối sống, quan điểm, tính cách nên các cá nhân sẽ không tương đồng nhau.
 
Sống chung trong một gia đình lớn chắc chắn sẽ có nhiều thành viên, thế nên không tránh khỏi việc nảy sinh va chạm, đôi lúc là những phiền phức và khó chịu trong sinh hoạt thường ngày.
 
Thế nhưng bên cạnh những “khó khăn chung” của mọi gia đình nhiều thế hệ, nếu chúng ta nghĩ đến những mặt tích cực, cố gắng khéo léo vun vén thì mẫu hình gia đình nhiều thế hệ cũng có rất nhiều ưu điểm và khi tìm được sự hòa hợp giữa các thành viên thì chính gia đình lớn là nơi mang lại nhiều giá trị quý giá.
 
Với gia đình 3 thế hệ cùng chung sống, có ông bà, cha mẹ và con trẻ thì đây chính là cái nôi của tình yêu, là sợi dây gắn kết mọi người xích lại gần nhau hơn cả. Trẻ con nhận được chăm sóc yêu thương từ ông bà sẽ không cảm thấy cô đơn, ngược lại là cảm giác vô cùng an toàn và ấm áp.
 
Ông bà có con cháu quây quần cũng sẽ hết cô đơn, sống vui sống khỏe hơn. Chắc hẳn bạn sẽ luôn mong chờ giây phút bình yên bên gia đình vào bữa cơm chiều, khi cả nhà quây quần bên nhau và chia sẻ mọi điều trong cuộc sống.
 
Bên cạnh những giá trị truyền thống thì với gia đình lớn trong cuộc sống hiện đại sẽ có rất nhiều sự kết nối giao thoa.
 
Ông bà sẽ truyền dạy kinh nghiệm, luôn nhắc nhở con cháu biết phát huy nét đẹp truyền thống; con cháu sẽ giúp ông bà tiếp cận với những thông tin mới, hiểu hơn về đời sống giới trẻ hiện nay, nhưng không quá áp đặt những cái mới vào lối tư duy đã gắn kết bao năm với cha mẹ và ông bà.
 
Cũng từ đó, người lớn trong gia đình sẽ chia sẻ và hướng dẫn lớp trẻ những điều đúng đắn và phù hợp. Sự kết nối hỗ trợ lẫn nhau giúp gia tăng thấu hiểu và gắn kết các thành viên trong gia đình.
 
Chuyên gia khuyên rằng, trong gia đình 3 thế hệ, việc khác biệt giữa các thế hệ là điều hoàn toàn không thể nào tránh khỏi. Để có được sự dung hòa, cần có sự thấu hiểu và cảm thông từ cả 2 phía, đặc biệt là từ phía những người trẻ.
 
Người lớn tuổi thường tủi thân và sợ cô đơn, họ cần được quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Đối với những ông bà thời xưa lại càng khó nhằn, con cháu phải cố gắng hiểu, cảm thông và hết lòng chăm sóc để ông bà được sống vui, sống khỏe cùng con cháu. Sự chân thành dần dần sẽ thay đổi được mọi thứ để cuộc sống tốt đẹp hòa thuận hơn.
 
Dù ở chung hay riêng, việc gìn giữ mối quan hệ huyết thống hòa thuận trong đại gia đình vẫn luôn luôn phải được coi trọng và nâng niu. Cả nhà phải không ngừng chia sẻ, trao đổi và quan tâm tới nhau.
 
Sống trong một gia đình đông thế hệ sao cho dung hòa được với tất cả các vấn đề, các thành viên là cả một nghệ thuật sống. Bởi vậy, mỗi thành viên đều phải có ý thức xây dựng gia đình hạnh phúc, người lớn làm gương cho người nhỏ, người nhỏ tôn trọng vâng lời người lớn.
 
Cần đặt vấn đề sống hòa thuận, nhường nhịn nhau, đoàn kết lên hàng đầu. Khắc phục những khó khăn phức tạp nhỏ trong đời sống hàng ngày để cùng xây dựng một gia đình lớn.
Bài, ảnh: LAM NGỌC 
 
 
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh