Khi đang yêu, tất cả mọi thứ đều màu hồng, đối phương luôn hoàn hảo trong mắt người kia. Nhưng sau hôn nhân thì mọi thứ ít nhiều thay đổi, nhiều phụ nữ còn không ngần ngại nói xấu chồng mình với hội chị em, xem như cách để trút những điều không hài lòng trong cuộc sống vợ chồng.
Vợ chồng thì phải có sự tôn trọng, sự trao đổi, chia sẻ để cùng xây dựng hạnh phúc gia đình.Ảnh minh họa |
Khi đang yêu, tất cả mọi thứ đều màu hồng, đối phương luôn hoàn hảo trong mắt người kia. Nhưng sau hôn nhân thì mọi thứ ít nhiều thay đổi, nhiều phụ nữ còn không ngần ngại nói xấu chồng mình với hội chị em, xem như cách để trút những điều không hài lòng trong cuộc sống vợ chồng.
Tôi có cô bạn có cá tính mạnh, “không sợ trời không sợ đất”, tự chủ kinh tế, có khả năng kiếm tiền giỏi. Vì thế chồng cô ấy phải là một người ôn hòa, nhường nhịn thì mới “chịu nổi” tính khí đó.
Vậy mà khi chồng yêu thương nhường nhịn thì cô ấy lại được nước lấn tới. Cô ấy thường xuyên ca cẩm với người thân, hội bạn bè rằng anh chồng quá hiền, không đủ sức cạnh tranh với mọi người nên mãi không thăng tiến trong công việc. Không dừng lại ở đó trong cuộc sống hàng ngày khi có chuyện gì không vừa ý thì lập tức cô vợ gặp mặt hay gọi điện thoại “chia sẻ” ngay với bạn bè, không ngần ngại “nói xấu” chồng mình với cả những thói quen trong sinh hoạt hàng ngày.
Việc này về lâu dài cũng khiến hội chị em ngán ngẩm, lúc đầu còn hào hứng cảm thông chia sẻ với bạn nhưng về sau lại cảm thấy phiền và thầm nhận xét về tính xấu của cô bạn mình.
Rồi cũng có một ngày anh chồng phát hiện ra và không giữ được sự hiền lành thường ngày vì đã chạm đến giới hạn của anh. Anh chồng làm lớn chuyện một trận và nói với cô vợ đanh đá của mình cứ việc tìm kiếm người khác tốt hơn. Anh ta sẵn sàng ly hôn.
Mới dọn về ở khu ở mới nhưng M. cũng khá bất ngờ và hơi phiền vì có cô hàng xóm không ít hóng chuyện. Cô hàng xóm thường xuyên qua nhà M. “dò xét”, “tám” chuyện trên trời dưới đất.
Điểm chú ý là cô ta cứ để ý khen không ngớt lời anh xã của M., nào là giỏi giang, thương vợ thương con, nhưng ngược lại không quên luôn miệng chê bai chồng mình đủ thứ chuyện. Có thể nói cứ cách vài hôm là cô ta lại tìm M. để tâm sự, để nói xấu chồng khiến M. vô cùng ngán ngẩm, thậm chí là cố tình lánh mặt, không muốn tiếp tục giao du nhiều với cô hàng xóm lắm chuyện.
Rất nhiều bà vợ không những có sở thích “buôn dưa lê” mà còn thêm tật hay nói xấu chồng. Họ coi việc nói xấu ông xã của mình là chủ đề khá sôi nổi mỗi khi tụ họp. Hôn nhân sau thời gian dài sẽ có lúc rơi vào trạng thái bão hòa, mọi thứ không còn màu hồng, người bạn đời cũng trở nên nhiều khuyết điểm, “gai mắt”, các chị không muốn giữ bực bội ấm ức trong lòng, mà thích “tuôn” ra với bạn bè thân thiết của mình để được trò chuyện, khuyên nhủ hoặc là đồng lòng, cùng cảnh ngộ rồi tìm những niềm vui khác bên bạn bè.
Chuyên gia tâm lý nói rằng, con người và nhất là đàn ông thì đều rất để tâm đến thể diện của mình nên việc bị bạn đời “chê” công khai khiến họ thấy bị xúc phạm và tổn thương. Phụ nữ thường đòi hỏi đàn ông phải đối xử tốt với mình, phải như chồng cô này cô kia nhưng họ lại quên mất rằng bản thân cũng phải xem xét lại cách cư xử sao cho phù hợp.
Nếu chị em cứ mải mê nhìn chằm chằm vào khuyết điểm của bạn đời rồi đi kể lể với người khác mà không nhìn lại vai trò, trách nhiệm hay tính cách của chính mình xem có đủ tốt trong mắt đối phương chưa. Nếu cứ tiếp tục như thế cũng có lúc đàn ông ngày càng chán nản, bất mãn và muốn ở bên cạnh người phụ nữ khác mà họ cảm thấy bình yên, vui vẻ, được tôn trọng.
Lời nói nếu nói đúng lúc đúng chỗ sẽ khiến người khác mừng vui, khích lệ họ nỗ lực tốt hơn. Còn lời chê bai, cay nghiệt, phán xét, so sánh sẽ khiến đối phương ngày một chán ghét, đánh giá tính cách bạn. Con người ai cũng muốn nghe những lời dễ nghe, những lời khuyên nhủ chân thành, “vừa đánh vừa xoa”, phải vừa ngọt ngào nhỏ nhẹ cũng phải vừa nghiêm túc góp ý.
Tuy nhiên điều quan trọng nhất vẫn là sự kiên nhẫn và tin tưởng đối phương. Hãy cho anh ấy thời gian để thay đổi cũng là cho chính mình cơ hội, hãy khích lệ từng bước tiến nhỏ của chồng, hãy suy nghĩ mọi chuyện theo hướng tích cực.
Người vợ có quyền tâm sự để xả stress, giải tỏa những ấm ức, những gút mắc trong lòng với người khác ngoài chồng. Nếu không tâm sự thẳng với chồng được thì tốt nhất hãy tìm một người đáng tin cậy mà tâm sự, người hiểu vợ chồng, yêu thương vợ chồng, lắng nghe để giúp hàn gắn, tha thứ chứ không phải để mang chuyện gia đình đi phát tán khắp nơi.
Điều cấm kị đó là đi kể xấu chồng theo hướng tiêu cực với những người không có ý tốt cho gia đình bạn và khi sự việc này đến tai chồng bạn thì kể như xong chuyện, tình cảm dành cho bạn sẽ không còn nguyên vẹn.
Những lúc bất mãn muốn đi kể xấu chồng, hãy bình tĩnh và nhớ rằng anh ấy dù thế nào cũng là người mà bạn đã chọn.
Bạn chê anh ấy khác nào tự vả mặt mình. Nếu bạn còn thương, còn muốn tiếp tục cuộc hôn nhân thì nếu chồng có tính xấu thì nên chủ động trao đổi để thay đổi, tiết chế tính xấu của chồng. Còn nếu “xấu tệ” đến mức bạn không chấp nhận nổi thì chia tay để tìm mảnh ghép khác phù hợp, giữ lại cho nhau chút tôn trọng cuối cùng.
Trong mối quan hệ vợ chồng sự chân thành và sự tôn trọng lẫn nhau là yếu tố quan trọng nhất. Nếu bạn không hài lòng với chồng điều gì hãy chia sẻ thẳng thắn với anh ấy để nhìn nhận khuyết điểm và sửa đổi.
Còn việc đi kể lể, kêu ca, phàn nàn hay phơi bày cho xã hội biết chẳng thay đổi được gì, ngược lại gây nên hậu quả xấu, có thể dẫn đến tan vỡ gia đình. Sự cảm thông, chia sẻ và bao dung của người phụ nữ luôn khiến nam giới “bị thu phục” mà chủ động chung tay cùng xây dựng hạnh phúc.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin