"Áp lực đồng trang lứa" là một hội chứng tâm lý ngày càng phổ biến ở những người trẻ tuổi và thường ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.
Mỗi người đều có tính cách, khả năng riêng biệt và cần học tập, rèn luyện để ngày càng tốt hơn và cảm nhận thành công, hạnh phúc trong cuộc sống theo cách riêng của mình.Ảnh minh họa |
(VLO) “Áp lực đồng trang lứa” là một hội chứng tâm lý ngày càng phổ biến ở những người trẻ tuổi và thường ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ.
Từ chính trong gia đình cho đến ngoài xã hội, từ cuộc sống thực đến không gian ảo, “áp lực đồng trang lứa” đang thực sự trở thành một nỗi ám ảnh tâm lý nặng nề đối với người trẻ hiện đại.
Áp lực đồng trang lứa là hiện tượng xảy ra khi bạn trẻ chịu ảnh hưởng bởi những người bạn trong cùng một nhóm xã hội như cùng tuổi, cùng công ty, cùng lĩnh vực hoạt động... Nó hiện diện từ sâu trong tiềm thức, khiến cho người trẻ luôn làm những phép so sánh giữa bản thân với người đồng lứa tuổi, từ đó làm nảy sinh áp lực.
Đã bước vào tuổi 29 nhưng mãi vẫn không thấy H.M. có người yêu, thì đây tất nhiên là đề tài muôn thuở để bàn tán của gia đình, cha mẹ và cả bạn bè, đồng nghiệp.
Áp lực này ngày càng tăng lên cùng với số tuổi của H.M. khi mà bạn bè cùng trang lứa hầu hết đã yên bề gia thất, hạnh phúc đong đầy bên mái ấm. Thậm chí mỗi lần thấy bạn bè, hàng xóm cưới gả cho con cái thì cha mẹ cô lại “nhắc nhở”.
Mỗi dịp gia đình hai bên nội ngoại của H.M. mà tụ họp lại là biết chuyện gì sẽ xảy ra với cô nàng, nào là “kén quá ế tới nơi”, “lớn tuổi rồi lấy chồng đi để sinh con liền không thôi sẽ khó”, “con bà Năm, cháu bà Ba trạc tuổi mà đã có hai con”...
Những lời bàn tán ra vô, những cuộc mai mối không thích hợp đã khiến H.M. mệt mỏi, chán nản, ngày càng stress và không còn thiết tha gì với những cuộc họp mặt gia đình hay bạn bè, đồng nghiệp.
Mẹ của N.Đ. đang bị tâm lý “con nhà người ta” nên khiến N.Đ. (16 tuổi) cảm thấy rất buồn, tự ti và ngày càng thu mình trong nhà. Dù N.Đ. đã cố gắng để học tập và cư xử cho thật tốt nhưng vẫn không làm hài lòng mẹ mình.
Chỉ cần con nhà hàng xóm hay con đồng nghiệp mà đạt được thành tích gì là ngay lập tức người mẹ đã nói “bóng gió” so sánh với N.Đ. Cứ như thế, N.Đ. có những suy nghĩ rất tiêu cực, ngày càng mất tự tin vào bản thân, không muốn giao tiếp nhiều với mọi người.
Áp lực đồng trang lứa có thể xuất hiện từ bên trong mỗi con người do tính cách, suy nghĩ hoặc chịu tác động trực tiếp từ môi trường bên ngoài.
Đặc biệt hiện nay, thói quen chia sẻ cuộc sống lên mạng xã hội hay những bài chia sẻ về sự thành công chính là những yếu tố gây áp lực đồng trang lứa của rất nhiều người.
Học sinh, thanh thiếu niên là những người dễ chịu ảnh hưởng của những bạn bè đồng trang lứa, tuy nhiên người lớn cũng bị tác động của hiện tượng này rất nhiều. Các tiêu chuẩn đánh giá của xã hội trở thành một thước đo chuẩn mực, vô tình tác động trực tiếp lên tâm lý của mỗi con người.
Hầu hết ai cũng từng có một giai đoạn cảm thấy mình thua kém bạn bè, cảm thấy dù đã cố bao nhiêu nhưng cũng không bằng bạn bè. Luôn cảm thấy căng thẳng, stress về việc phải cố gắng hơn.
Nếu áp lực này quá lớn và không tìm cách giải quyết vấn đề thì điều này gây cho chúng ta cảm thấy mất tự tin vào bản thân và cuộc sống, ngày càng thu mình trong thế giới riêng, ngại giao tiếp.
Mặc dù áp lực đồng trang lứa có thể gây khó khăn nhưng nó không phải lúc nào cũng là điều xấu. Nó cũng có mặt tích cực nếu nhìn sự thành công của những người bạn xung quanh để nỗ lực hơn, cố gắng hơn để “bằng bạn bằng bè”.
Áp lực tích cực từ bạn bè có thể là yếu tố quý giá giúp chúng ta học cách hòa nhập với xã hội và thậm chí tạo động lực để bản thân phát triển hơn.
Áp lực đồng trang lứa là một con dao hai lưỡi. Ở mức vừa phải, đây như một động cơ giúp bạn đi đúng hướng nhưng một khi áp lực trở thành gánh nặng, nó sẽ ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của giới trẻ rất nhiều.
Chúng ta nên thay đổi cách suy nghĩ, biến áp lực thành động lực, tin tưởng vào chính bản thân mình chính là cách để chúng ta vượt qua áp lực đồng trang lứa. Thực tế không ai là không có giai đoạn bị áp lực với bạn bè, càng lớn thì áp lực vô hình này lại càng lớn theo.
Việc nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo một cách khác bạn sẽ thấy nhiều giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống này ở bản thân mà đôi khi những người khác cũng cảm thấy ghen tị với bạn mà bạn không hề hay biết. Tin tưởng, thấu hiểu bản thân để vượt qua áp lực đồng trang lứa.
Hãy là chính mình. Hãy luôn yêu thương chính mình, bởi nếu bạn còn không trân trọng mình thì sao mọi người có thể trân trọng bạn. Mỗi người có một lối sống, tính cách, khả năng, ưu khuyết điểm và định hướng của riêng mình.
Bạn chỉ áp lực với bản thân khi bạn không chịu phấn đấu để đạt được thành công và hạnh phúc trong cuộc sống mà thôi.
Bạn không nhất thiết phải thay đổi hay làm điều gì đó giống như bất cứ ai nếu bạn cảm thấy không thoải mái hay nó không có tác động tích cực lên cuộc sống của bạn. Áp lực đồng trang lứa có đáng sợ hay không phụ thuộc vào cách bạn đón nhận và giải quyết nó.
Theo Tạp chí Tâm lý học: Thống kê cho thấy cứ 10 người thì có đến 6- 7 người đều bị áp lực đồng trang lứa, có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên đi học và những người đã đi làm. Áp lực vô hình này khiến mỗi chúng ta luôn cảm thấy kém cỏi, thất bại, khao khát được thành công như “người ta”. Việc định hướng “áp lực” này sai cách có thể biến chúng ta trở nên mệt mỏi và tiêu cực hơn. |
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin