Có thể nói "khắc khẩu" không phải là yếu tố đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe hay kinh tế gia đình, nhưng "khắc khẩu" sẽ làm mất hạnh phúc gia đình, mâu thuẫn thường xuyên và thậm chí dẫn đến ly hôn.
Con cái chính là cầu nối của cha mẹ để luôn thấu hiểu, nhường nhịn, yêu thương nhau. Ảnh minh họa |
(VLO) Có thể nói “khắc khẩu” không phải là yếu tố đặc biệt nghiêm trọng ảnh hưởng đến sức khỏe hay kinh tế gia đình, nhưng “khắc khẩu” sẽ làm mất hạnh phúc gia đình, mâu thuẫn thường xuyên và thậm chí dẫn đến ly hôn.
Giai đoạn yêu nhau cũng rất hay bất đồng quan điểm, cũng có cãi vã nhưng chị M.T. và người yêu coi đó là chuyện cỏn con và màu hồng của tình yêu đang độ nở rộ khiến họ chỉ thấy đâu cũng là hạnh phúc.
Đến lúc hai bên gia đình đi xem tuổi, xem ngày tổ chức đám cưới thì “thầy phán” rằng cặp đôi này rất “khắc khẩu”. Nhưng vấn đề này cũng không làm cặp đôi sắp cưới chùn bước. Đám cưới diễn ra suôn sẻ, vui vẻ cả họ hàng. Thời gian đầu về sống chung cũng ngập tràn hạnh phúc.
Nhưng không bao lâu, ai cũng nhìn nhận thấy được hai người họ khắc khẩu nhau, hai người mà bàn về vấn đề gì thì chỉ chút thôi là có cãi nhau, nếu một trong hai người mà không nhịn chắc chắn sẽ có “náo nhiệt”. Đến nỗi cha mẹ chồng cũng mệt mỏi theo vì cường độ gây gổ của họ.
Ai cũng khuyên họ mau chóng sinh một đứa con để bớt rảnh rỗi... cãi nhau. “Lúc trước có cãi nhau cũng thấy vui vui đáng yêu nhưng giờ mới cưới được 2 năm đã thấy mệt mỏi vì cứ khắc khẩu, đến nhìn mặt cũng thấy bớt yêu. Thật không thể coi thường vấn đề khắc khẩu này.
Cứ khắc khẩu nhau thế này vài năm nữa thôi chắc không gần nhau chia sẻ tâm sự gì được. Tôi cũng cố gắng khắc phục coi sao chứ thấy mất cảm xúc, mất hạnh phúc gia đình quá”- chị M.T. chia sẻ.
Có rất nhiều cặp đôi rơi vào trường hợp này, nhiều cặp khi đang yêu thì thấy khắc nhau quá không hợp nhau nên sớm chia tay bớt đau khổ.
Nhiều cặp không coi trọng vấn đề này cưới nhau về rồi gây cãi hoài đến mức không thèm nói đến nhau, mạnh ai nấy sống, nhiều cặp thì tình hình nghiêm trọng đến mức ly hôn.
Dù thế nào thì tất cả cũng không hề vui vẻ gì, bản thân người trong cuộc không hạnh phúc còn ảnh hưởng đến người thân xung quanh. Vì thế nếu gặp phải tình trạng này chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận và tìm cách khắc phục tốt nhất.
Hai người sinh ra trong hai hoàn cảnh khác nhau, lớn lên với sự giáo dục khác nhau, có những người bạn và người thầy khác nhau. Vì vậy sẽ có cách tư duy và nhìn nhận sự việc, cách đối nhân xử thế cũng rất khác nhau. Trái ý nhau gây cãi là điều không tránh khỏi.
Không nên buộc đối phương phải thay đổi theo ý mình mà hãy học cách yêu luôn cả những điểm chưa hoàn hảo ở họ.
Cuộc sống hôn nhân sẽ thật tẻ nhạt nếu chúng ta không bao giờ tranh luận gì với nhau. Nhưng những cuộc tranh cãi sẽ là thứ gia vị tuyệt vời của hôn nhân nếu cả hai biết điểm dừng đúng lúc. Đừng để những cuộc tranh cãi nảy lửa dẫn đến bạo lực thậm chí là xa nhau.
Vợ chồng khắc khẩu khiến không khí gia đình trở nên u ám, căng thẳng. Đây cũng chính là lý do vì sao trước khi dựng vợ, gả chồng cho con cái, cha mẹ ông bà xưa thường đi xem tuổi để biết vợ chồng con cháu có “xung khắc” hay không.
Tuy nhiên, đều quan trọng nhất đó là do tính cách của hai người. Bởi cuộc sống hiện đại, cái “tôi” lúc nào cũng được đề cao. Thế nên, mối quan hệ vợ chồng nhiều lúc cũng không được suôn sẻ vì mỗi người đều có cái “tôi” quá lớn, không kiềm chế được cảm xúc cá nhân.
Thế nên, để tình trạng này giảm đi và không còn trầm trọng nữa, thì mỗi người cần phải hạ mình xuống, bình tĩnh, kiềm chế cơn nóng giận.
Bởi khi nóng giận, chúng ta thường buông những lời khó nghe, thậm chí xúc phạm hoặc làm tổn thương bạn đời. Tốt hơn hết, khi nóng giận, hãy im lặng hoặc tránh xa nhau một chút để lấy lại bình tĩnh. Sau đó mới nói chuyện với nhau.
Dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, hãy cố gắng nhường nhau một chút sẽ giữ được hòa khí trong gia đình. Đừng hơn thua nhau, đừng cố để chiến thắng lẫn nhau, bởi thắng thua giữa vợ chồng không quan trọng, quan trọng nhất là vợ chồng đồng lòng, hòa thuận, gia đình vui vẻ.
Hãy đặt mình vào vị trí đối phương là cách để có thể thấu hiểu lẫn nhau. Một khi bạn hiểu được bạn đời nghĩ gì, đang phải đối mặt với vấn đề gì thì bạn sẽ dễ dàng thông cảm hơn với họ. Từ đó tự động sẽ có được sự thấu hiểu, nhường nhịn, dẫn tới xung khắc cũng ít đi.
Sau mỗi cuộc cãi vã, vợ chồng không nên im lặng và chất chứa những bực dọc trong lòng. Hai bạn nên bình tĩnh ngồi lại với nhau để phân tích mọi chuyện, từ đó rút kinh nghiệm. Đặc biệt, cần phải biết nhận lỗi sai và sửa chữa, phải biết lắng nghe và nên tâm sự với nhau về những khúc mắc trong lòng, về mong muốn của bạn dành cho bạn đời.
Mặc dù ngoại tình, lừa dối, mâu thuẫn tiền bạc… được biết đến là những nguyên nhân phổ biến khiến cho hôn nhân tan vỡ. Nhưng, một nghiên cứu gần đây cho thấy, vợ chồng khắc khẩu, không thể nói chuyện được với nhau mới là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hơn một nửa số vụ ly hôn. Vì thế, bạn cần nhanh chóng khắc phục nếu muốn duy trì hạnh phúc hôn nhân.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin