Nhẫn cưới có ý nghĩa tượng trưng cho một tình yêu đã được đơm hoa kết trái. Khi hai người quyết định trao nhẫn cưới cho nhau là họ đã tự nguyện gắn bó, ràng buộc với nhau. Tuy nhiên không hẳn đeo nhẫn cưới xuyên suốt trên tay là luôn yêu nhau nồng nàn, không đeo nhẫn cưới cũng không có nghĩa là hết yêu.
Chiếc nhẫn cưới có ý nghĩa thiêng liêng, nhưng không quyết định hạnh phúc gia đình. |
Nhẫn cưới có ý nghĩa tượng trưng cho một tình yêu đã được đơm hoa kết trái. Khi hai người quyết định trao nhẫn cưới cho nhau là họ đã tự nguyện gắn bó, ràng buộc với nhau. Tuy nhiên không hẳn đeo nhẫn cưới xuyên suốt trên tay là luôn yêu nhau nồng nàn, không đeo nhẫn cưới cũng không có nghĩa là hết yêu.
Vốn là người lao động tay chân lại không mấy gì cẩn thận, kỹ lưỡng nên sau khi cưới vài tháng là anh M.Q. đã “chịu hết nổi” mà “xin phép” vợ tháo ra cất. Chị vợ cũng chỉ chờ có thế liền đồng ý với chồng, vì chị cũng không muốn đeo sợ hao mòn khi suốt ngày tất bật với việc nhà và phụ giúp công việc với chồng. Thế là bỏ qua những lời trách móc, la mắng của cha mẹ, người thân, những cái nhìn ngạc nhiên, nghi ngờ của mọi người xung quanh, vợ chồng họ cứ thoải mái sống với sở thích, thói quen của mình. Tuy không đeo nhẫn cưới nhưng họ sống rất mẫu mực, yêu thương chăm sóc cho nhau chu đáo, cuộc sống thật sự hạnh phúc mà ai cũng thấy được.
Ngược lại, một trường hợp người chồng làm kinh doanh có mối quan hệ giao tiếp xã hội rất rộng. Chính vì thế người vợ luôn yêu cầu người chồng phải đeo nhẫn cưới trên tay để tránh gây những chuyện linh tinh không mong muốn. Tuy đã ngoài 40 tuổi nhưng anh có vẻ ngoài trẻ trung, phong độ, có duyên ăn nói. Vì thế có nhiều phụ nữ qua giao tiếp công việc đã thường xuyên liên lạc với anh và với bản tính ga lăng, hào hoa, anh chồng sẵn sàng nhắn tin “thả thính” với họ. Rồi có lần vợ anh còn phát hiện chiếc nhẫn cưới nằm trong ví tiền, chị đã gặng hỏi và làm một trận ra trò, chị cảm thấy rất thất vọng, buồn tủi vì chị biết rằng có lẽ mỗi khi chồng ra ngoài giao tiếp chắc hẳn sẽ tháo nhẫn ra để thuận tiện hơn trong việc xã giao. Chị cảm thấy mất hẳn niềm tin.
Theo quan điểm nhiều người, chiếc nhẫn cưới chính là bằng chứng của hôn nhân, cũng là một sự “khẳng định chủ quyền” với tất cả mọi người, nhắc nhở chính bản thân người đeo phải chung thủy với người vợ hoặc người chồng của mình. Đồng thời việc đeo nhẫn cưới còn là tín hiệu cho những người khác biết rằng đừng nên tiếp cận và có mối quan hệ tình cảm đối với những người đã có gia đình để tránh việc gây nên đổ vỡ hôn nhân của người khác. Điều này sẽ hạn chế được “vệ tinh” xung quanh. Tránh phát sinh những mối quan hệ tình cảm khác không mong muốn.
Nhẫn cưới đã truyền một ý nghĩa sâu sắc trong hôn nhân. Vì thế, nhẫn cưới trở thành trang sức không thể thiếu ở bất cứ đám cưới nào. Chữ “Nhẫn” cũng chính là đức tính hàng đầu cần phải có của mỗi con người. Vợ chồng khi về chung một nhà phải luôn chia ngọt sẻ bùi, yêu thương, nhẫn nhịn nhau để giữ gìn cuộc hôn nhân lâu dài và xây dựng một mái ấm gia đình vững chắc. Các cặp đôi phải giữ gìn cặp nhẫn cưới thật cẩn thận vì nó là vật hiện hữu của tình yêu. Một người có gia đình luôn đeo nhẫn cưới cũng giúp một nửa của mình có cảm giác an tâm, luôn nhận thấy sự hiện diện của nhau và cùng vượt qua những mâu thuẫn, khó khăn.
Vì những ý nghĩa thiêng liêng của nhẫn cưới mà người ta thường kiêng kị tháo chúng ra khỏi tay. Nhiều người quan niệm rằng nếu một người đã lập gia đình nhưng không đeo nhẫn thì rất có thể tình cảm vợ chồng đang có mâu thuẫn, không chung thủy hay có nguy cơ ngoại tình… Tuy nhiên, đó chỉ là những quan niệm khách quan, nhiều trường hợp không đeo nhẫn cưới không có nghĩa là vợ chồng không yêu thương nhau. Có thể là do thay đổi kích thước, gây ra những bất tiện khó khăn nhất định trong nhiều loại hình công việc, vướng víu trong sinh hoạt việc nhà hay do nguyên nhân gặp khó khăn về kinh tế mà không còn cách giải quyết…
Việc đeo nhẫn cưới hay không là quyền tự do cá nhân của mọi người. Nó không hoàn toàn quyết định hạnh phúc hôn nhân. Miễn sao vợ chồng có thể thỏa hiệp được với nhau, đều cảm thấy thoải mái và vui vẻ, luôn yêu thương, quan tâm chăm sóc lẫn nhau và trên hết là tôn trọng, tin tưởng nhau. Niềm tin nên đặt vào chính bản thân của người bạn đời chứ không phải đặt lên một chiếc nhẫn. Hạnh phúc là do cả hai cùng vun đắp, nuôi dưỡng tình yêu và sự tôn trọng, tin tưởng dành cho nhau.
Bài, ảnh: LAM NGỌC
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin